Thứ tư, 24/04/2024, 17:07 [GMT+7]

Nỗi khổ “khát nước” sinh hoạt

Thứ tư, 26/05/2021 - 12:47'
Từ trung tâm xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ), chúng tôi ngược lên bản Tả Phùng - 1 trong 2 bản “khát nước” của xã, cách đó chừng 3km. Trên suốt dọc đường đi vào bản, chúng tôi thấy có đường ống nước duy nhất kéo qua UBND vắt vẻo qua những cành cây vào tới bản. Thế nhưng, ngay từ đầu bản, khi cầm ống nước lên, chúng tôi không thấy có giọt nước nào, đường ống khô cong.

Đi sâu vào trong bản, chúng tôi gặp hình ảnh cháu của ông Chẻo Phủ Hòa (người dân bản Tả Phùng) đang ngồi tắm trong chiếc chậu chỉ có chút nước ở dưới đáy. Ông Hòa nói: Nhờ trời mưa gia đình tôi mới hứng được ít nước mưa vào bể đấy cô ạ! Vì vậy phải dùng dần thôi, chứ không sau ít ngày nữa lại không có nước sinh hoạt.
Nói xong ông chỉ cho chúng tôi xem đường máng dẫn nước từ mái ngói xuống chiếc bể ngay đầu hồi, rồi ông bảo, may là gia đình tôi khi mua nhà chuyển xuống đây đã có bể này, thời gian này còn hứng được nước mưa để nấu ăn, rửa bát, rửa rau hay tắm cho lũ trẻ; còn người lớn thì ra suối tắm, giặt giũ quần áo. Với chúng tôi, nước sinh hoạt còn quý hơn vàng. Bao nhiêu năm nay cứ vào độ từ giữa tháng 6 đầu tháng 7 là bản không có nước sinh hoạt cho đến qua tết luôn. Khổ lắm cô ạ!
Gia đình ông Hòa có bể để chứa nước, mùa này đỡ vất vả khi phải đi lấy nước. Còn với hộ nghèo như gia đình của anh Tẩn Chin Ngan (cùng bản) thì sáng nào cũng phải đi chở 2 can nước về nhà sinh hoạt. Nhất là hôm nào sau cơn mưa, đường trơn trượt khó đi xe, thì anh lại “cõng nước suối” trên lưng mang về.

Hàng ngày, người dân bản Tả Phùng (xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ) chở từng can nước từ suối cách nhà 3km mang về sinh hoạt.

Hàng ngày, người dân bản Tả Phùng (xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ) chở từng can nước từ suối cách nhà 3km mang về sinh hoạt.

Anh Ngan thở dài, chia sẻ: Buổi sáng mỗi ngày, tôi ra suối cách bản khoảng 3km mang được 2 can nước 50 lít. Những hôm nào trời mưa thì lấy chậu, xô để hứng nước mưa. Cũng vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, vợ chồng tôi chưa xây được bể chứa nước. Chúng tôi chỉ mong sao được Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm đầu tư đường ống dẫn nước về bản để có nước sinh hoạt.
Trong cuộc nói chuyện với người dân trong bản, chúng tôi nhìn thấy sâu trong mắt họ là những nỗi niềm lo âu khi thường xuyên phải thiếu nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân ở bản hay bị các bệnh liên quan đến tay chân miệng, đường hô hấp.
Anh Tẩn Lao Lụ - Trưởng bản Tả Phùng cho biết: Bản có 126 hộ, 653 nhân khẩu, thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Các hộ có điều kiện khắc phục tình trạng thiếu nước bằng cách xây bể, mua téc nước về để hứng nước mưa nhưng cũng chỉ đủ dùng cho sinh hoạt trong 3 tháng. Mới đây, 15 hộ được cấp téc nước do Ban Quản lý Dự án huyện làm chủ đầu tư. Đến nay, cả bản mới có khoảng 30 hộ có bể, téc hứng nước mưa. Còn lại các hộ phải chủ động ra suối lấy nước về. Quãng đường ra suối thì xa, cách nhà 3km. Nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở xã, bản, bà con có kiến nghị với lãnh đạo cấp trên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nước về đến bản.
Được biết, không chỉ riêng bản Tả Phùng, hiện nay trên địa bàn xã còn có thêm bản Tả Ô cũng thuộc diện thiếu nước sinh hoạt. Quãng đường từ bản Tả Ô đến khu vực có nước là 7km. Người dân nơi đây cũng chỉ biết khắc phục tình trạng bằng cách chở nước sinh hoạt về dùng và sử dụng tiết kiệm; vào mùa mưa thì hứng nước mưa vào bể, thùng, chậu…
Đồng chí Chẻo Lao U - Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải cho hay: Cả 2 bản Tả Phùng, Tả Ô có gần 200 hộ dân. Trước đây, xã đầu tư đường ống nước từ bản Nhóm 1 về cho người dân bản Tả Phùng nhưng nước về không thường xuyên, khi đến đầu bản, các hộ cũng chỉ hứng được ít nước để sinh hoạt; vì thế các hộ giữa bản đến cuối bản không có nước dùng. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích Nhân dân 2 bản xây bể, mua téc nhỏ chứa nước mưa. Vừa rồi, xã cũng được cấp thêm 50 téc nước (mỗi téc 5m3) cho 37 hộ dân để dùng. Nhưng, có một số hộ vì mái nhà thấp, diện tích nhà nhỏ, trong khi téc nước cao và to nên lượng nước mưa hứng được không nhiều, bà con vẫn phải chở nước từ suối về.
Rời bản Tả Phùng khi trời đã xế chiều, hình ảnh những đứa trẻ mặt lem luốc, chân tay lấm bẩn nô đùa tươi cười; xa xa, hình ảnh người mẹ trẻ vặn vòi nước, từng giọt nước trong téc chảy ra chầm chậm, vội hứng nước rửa mặt cho con, rồi lấy nước vừa rửa mặt xong để rửa chân tay khiến chúng tôi chạnh lòng. Với các em nhỏ, có thể bây giờ chưa ý thức được nhiều, nhưng với người lớn đã quen và dần chấp nhận với cảnh thiếu nước hàng ngày. Bởi lẽ, ở thời điểm hiện tại, hơn 1 nghìn người dân nơi đây cũng chẳng làm cách nào khác để có nước sinh hoạt.

Ngân Khánh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...