Thứ sáu, 26/04/2024, 01:54 [GMT+7]
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Nhiều khó khăn, trở ngại

Thứ hai, 23/09/2019 - 14:49'
(BLC) - Từ năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Thời gian qua, Lai Châu đã nỗ lực chuẩn bị để triển khai thực hiện chương trình, song đến thời điểm này, ngành Giáo dục tỉnh đang gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, cuối năm 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

1

Giờ học môn lịch sử của cô và trò lớp 8A, Trường Tiểu học và THCS Pu Sam Cáp (huyện Sìn Hồ).

Đồng chí Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Chương trình, SGK giáo dục phổ thông là một trong những thành tố quan trọng, quyết định đến sự thành bại của cả quá trình dạy học. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh nỗ lực vào cuộc tiến hành các bước triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK phổ thông. Trong đó, Sở GD&ĐT chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Đề án nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020. UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, Lai Châu hiện đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Khó khăn lớn nhất là về đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Cụ thể, về đội ngũ, giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học hiện tại có 81 giáo viên, đến năm 2021, 2022, 2023, số giáo viên tiếng Anh toàn tỉnh cần lần lượt là 103, 193, 280. Theo đó, thiếu lần lượt là 22, 112, 199 giáo viên tiếng Anh. Bên cạnh đó, nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm (số lượng, chất lượng) chưa đảm bảo. Đối với giáo viên giảng dạy môn tin học, cấp THCS hiện có 58 giáo viên, đến năm 2021 cần 137 giáo viên, nên thiếu 79 giáo viên; cấp tiểu học hiện có 10 giáo viên, đến năm 2023 cần 130 giáo viên, theo đó thiếu 120 giáo viên. Trong khi đó, môn tiếng Anh, tin học đối với chương trình giáo dục phổ thông cũ là môn học tự chọn, nhưng chương trình mới lại là môn học bắt buộc.

Không những vậy, đối với các trường THPT, hiện 16/25 trường không có giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, toàn tỉnh cần có 32 giáo viên.

Với đặc thù là tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn nên cơ sở vật chất (trường, lớp, phòng học bộ môn, thiết bị thí nghiệm và đồ dùng dạy học) trên địa bàn tỉnh phần lớn đã cũ, lạc hậu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Dù hàng năm đã được đầu tư xây dựng nhưng số lượng phòng học tạm, phòng học nhờ vẫn còn khá nhiều. Các phòng học bộ môn, phòng chức năng còn ít, đặc biệt nhà ở và các hạng mục phụ trợ cho học sinh bán trú còn thiếu nhiều.

Vừa qua, chúng tôi có dịp đến xã Tà Tổng (huyện Mường Tè) tìm hiểu về những khó khăn trong sự nghiệp “trồng người” nơi vùng khó nói chung và công tác chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy giáo Lò Văn Diên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Ngà cho biết: Năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học Nậm Ngà và Trường THCS Nậm Ngà sáp nhập thành Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Ngà với 34 lớp, 701 học sinh (trong đó: THCS 227 em, tiểu học 474 em). Trường có 1 điểm trường ở trung tâm và 10 điểm trường ở các bản, trên 98% học sinh là đồng bào dân tộc Mông, Hà Nhì. Nếu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với lớp 1 yêu cầu cần 2 giáo viên/lớp thì nhà trường thiếu tới 14 giáo viên tiểu học. Ngoài ra, nhà trường thiếu các trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy học, thiếu phòng học bộ môn (tin học, hóa học...). Ví dụ như hiện nhà trường chỉ có 1 máy chiếu trong khi đó có tới 10 điểm bản, nhiều bản cách trường hơn 30km. Do đó, nhiều điểm bản không thể triển khai dạy học có máy chiếu hỗ trợ.

Trao đổi về những giải pháp khắc phục khó khăn, đồng chí Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Trong đó: Về đội ngũ, quy hoạch tổng thể về đội ngũ giáo viên, có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về đào tạo lại, đào tạo bổ sung cho đội ngũ, giảm thiểu tối đa việc thừa giáo viên đơn môn, thiếu giáo viên tích hợp. Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh tuyển dụng giáo viên theo quy định. Tham mưu UBND có cơ chế riêng cho việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học: Sở tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học toàn ngành; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đảm bảo theo quy định; tăng cường công tác xã hội hóa phục vụ cho dạy và học...

Thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; tập trung phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Đây là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng và mang tính chiến lược. Lai Châu là tỉnh nghèo với vô vàn cái khó, trong đó, ngành giáo dục cũng không phải ngoại lệ. Những khó khăn trên không thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi cả quá trình với sự chung tay, giúp đỡ, hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Phương Thảo

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...