Thứ sáu, 29/03/2024, 19:32 [GMT+7]

Pan Khèo bao giờ thoát nghèo?

Thứ hai, 13/05/2019 - 15:42'
(BLC) - Cách trung tâm xã chưa đầy 8km, nhưng hiện gần như cả bản Pan Khèo (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường) là hộ nghèo. Lời giải nào để Pan Khèo bứt phá vươn lên đang là nỗi lo canh cánh và trăn trở của cấp ủy, chính quyền cũng như người dân nơi đây.

Tỷ lệ hộ nghèo cao

Chúng tôi đến bản Pan Khèo vào một ngày cuối tuần. Con đường đang mở dẫn vào bản đầy sỏi đá, ổ trâu, ổ gà và chủ yếu là lên dốc cao dựng đứng, một bên là vực, một bên là núi, khiến chúng tôi phải đánh vật với chiếc xe máy, mãi mới đến được bản. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà nhỏ thấp thoáng bên những cánh rừng tái sinh. Sau một hồi hỏi thăm, chúng tôi cũng tìm được nhà đồng chí Giàng A Sử - Bí thư Chi bộ bản.

Ngôi nhà của ông Sử dựng bằng gỗ, mái lợp ngói nhưng trong nhà chỉ có chiếc bàn và 3 chiếc giường do ông tự làm. Rót nước mời khách, ông Sử cho biết, giờ có đường là tốt lắm rồi cô ạ, nhiều năm về trước, để đến bản chỉ có cách duy nhất là đi bộ men theo đường dân sinh. Bản Pan Khèo có 56 hộ, 100% là dân tộc Mông. Bà con sinh sống rải rác. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất đều thiếu nên việc chăn nuôi, trồng trọt gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do không có ngành nghề phụ nên mặc dù thiếu nước, song sinh kế của dân bản vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Đất đai cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt khiến các loại cây trồng, vật nuôi khó phát triển, thu nhập của người dân bấp bênh. Vì lẽ đó mà tỷ lệ hộ nghèo của bản cao, hơn 90% (theo tiêu chí mới).

Anh Giàng A Nhà B chăm sóc trâu được hỗ trợ.

Con trai anh Giàng A Nhà B chăm sóc trâu được hỗ trợ.

Đi quanh bản, chúng tôi thấy phần lớn những ngôi nhà của bà con vách thưng gỗ nhưng giữa các tấm gỗ có khe hở lớn, nhìn rõ bên ngoài nên nếu gió to, mưa lớn, nước vẫn bị tạt vào trong nhà. Nhà nào cũng trống hua trống hoác, chẳng có thứ tài sản gì đáng giá ngoài những chiếc bàn, ghế, giường tự đóng bằng cây rừng. Nắng tháng tư, trời nóng như đổ lửa nhưng nhiều hộ không có quạt điện. Muốn tìm một quán nước nghỉ chân nhưng cả bản không có một điểm bán hàng nào. Chúng tôi nhớ mãi bữa cơm trưa đạm bạc tại gia đình đồng chí bí thư chi bộ bản và chạnh lòng khi nhìn con trẻ ăn ngon lành bát cơm chan nước dưa với muối. “Đường sá không thuận tiện nên bà con ít đi chợ, chủ yếu tự cung tự cấp, nhưng nuôi gà thì hay bị dịch bệnh chết và trồng rau thì cằn cỗi vì đất bạc màu, thiếu nước” - ông Sử chia sẻ.

15 năm về trước, Pan Khèo khá “nổi tiếng” bởi tỷ lệ người sử dụng thuốc phiện chiếm phần lớn. Nghiện ma túy khiến cho bà con mất sức lao động, cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn đủ bề. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện, xã và sự quyết tâm của người dân, Pan Khèo giờ đây không còn người nghiện nhưng hệ quả của ma túy vẫn dai dẳng đến hôm nay.

Được biết, trong bản cũng có hộ nuôi tới 25 con lợn, 5 con trâu, hàng chục con gà nhưng xét theo các tiêu chí nghèo đa chiều vẫn thuộc hộ nghèo. Cùng với đó, một số sản phẩm nông sản, chăn nuôi làm ra, bà con không có điều kiện vận chuyển ra chợ bán, tư thương đến tận bản mua thì ép giá rẻ nên nguồn thu chưa ổn định.

Khó khăn bủa vây trăm bề. Kỹ thuật canh tác lạc hậu; giao thông cách trở, thiếu vốn, thông tin, tư liệu, phương tiện sản xuất, đặc biệt là nhận thức còn hạn chế, “đất vẫn được nghỉ”... khiến dân bản mãi quanh quẩn với đói nghèo. Pan Khèo đang rất cần những ngoại lực thật mạnh để thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Nỗ lực vượt khó

Trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Bắc - Phó Chủ tịch UBND xã Thèn Sin, chúng tôi được biết, những năm qua, xã tập trung nhiều nguồn lực giúp bản Pan Khèo sớm thoát nghèo. Các tổ chức đoàn thể quyết liệt vào cuộc vận động dân bản trồng rừng, mở rộng diện tích đất trồng ngô, lúa. Những diện tích nào đủ nước, có thể cấy lúa thì hướng dẫn bà con cải tạo để đưa giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Diện tích còn lại duy trì sản xuất lúa nương để đảm bảo an ninh lượng thực. Đến nay, bản có hơn 100ha gieo trồng lúa, cơ bản đáp ứng nhu cầu lượng thực tại chỗ, xóa hẳn hộ đói, không phải sử dụng củ mài thay thế như trước đây. Một số diện tích ngô, bà con đã biết trồng giống mới, bán ra thị trường tăng thu nhập.

Xã cũng đã triển khai các mô hình mới để bà con học tập, làm theo. Điển hình như mô hình trồng 3ha cây ăn quả (chủ yếu là đào chín sớm, quýt Mường Khương), 10ha chè, 5ha sa nhân… Được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng, bà con tập trung chăm sóc, bước đầu đã biết nhân rộng diện tích. Đối với những hộ thiếu tư liệu sản xuất, xã hỗ trợ bản 10 con trâu sinh sản, ngoài phục vụ sản xuất, sau khi sinh sản sẽ chuyển trâu mẹ sang cho hộ khác nuôi.

Là hộ dân được hỗ trợ trâu sinh sản, anh Giàng A Nhà B cho biết: Gia đình tôi có 4 người, vợ yếu nên một mình tôi cáng đáng việc đồng ruộng. Nhờ được hỗ trợ trâu, tôi giảm được công lao động trong việc làm đất và có điều kiện khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất của gia đình. Hiện, con trâu hỗ trợ chuẩn bị sinh nghé. Tôi sẽ chăm sóc thật tốt để có thể chuyển trâu mẹ cho hộ nghèo khác trong bản làm sinh kế phát triển chăn nuôi. Anh Nhà bảo, trước đây, Pan Khèo có nhiều hộ nghiện ma túy, ảnh hưởng đến an ninh trật tự nên bà con rất ít thả rông gia súc mà phần lớn làm chuồng nuôi nhốt. Vì vậy, khi mô hình nuôi trâu sinh sản được triển khai, bà con luôn có ý thức nuôi nhốt và chăm sóc cẩn thận.

Ghé thăm gia đình ông Sùng A Chang, một trong những người cai nghiện ma túy thành công, ông Chang mộc mạc tâm sự: Tôi hút thuốc phiện từ năm 1987, ngày ấy bản trồng nhiều cây thuốc phiện và nhà nào hầu như cũng có người hút. Tôi cũng trồng, vừa để sử dụng, vừa để bán, sau đó Nhà nước cấm không cho trồng cây thuốc phiện. Không còn trồng cây thuốc phiện, không có thuốc để hút, chúng tôi chỉ còn cách cai thôi. Vì để mua được thuốc, ít nhất cũng phải đi bộ gần chục kilômét đường, mà đi rồi cũng chưa chắc đã mua được. Bên cạnh đó, xã, huyện quan tâm cử cán bộ y tế lên giúp đỡ, cắt cơn nghiện… nên chúng tôi đã cai nghiện thành công. Đến nay, trong bản không còn ai nghiện hoặc tái nghiện. Bà con tích cực chuyển gần 200ha đất trồng cây thuốc phiện trước đây sang trồng rừng tái sinh. Chỉ tay về phía cánh rừng đang lên xanh tốt, ông Chang bảo, trước đây diện tích này là bạt ngàn cây anh túc, giờ đã thành rừng trồng. Dân bản bảo nhau không trồng cây thuốc phiện nữa, chịu khó trồng rừng và làm ăn thôi.

Trong câu chuyện với đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được biết, thời gian qua, được sự quan tâm của Nhà nước, tuyến đường lên bản Pan Khèo được đầu tư, hiện cơ bản làm xong phần mở rộng, làm rãnh thoát nước 2 bên đường. Hy vọng khi tuyến đường từ trung tâm xã lên bản hoàn thành sẽ là động lực để người dân nơi đây vượt khó vươn lên.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Pan Khèo  là chặng đường dài với vô vàn thách thức. Do đó, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và người dân, xã rất cần sự quan tâm kịp thời của các cấp, các ngành trong việc đầu tư phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để thoát nghèo bền vững.

Phương Thảo

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...