Thứ năm, 25/04/2024, 09:02 [GMT+7]

Siết chặt quản lý chất thải, bảo vệ môi trường

Thứ tư, 20/07/2022 - 10:09'
Tăng cường kiểm soát khói bụi, nước thải, chất thải công nghiệp và triển khai các mô hình thu gom rác thải sinh hoạt tập trung, dọn vệ sinh môi trường, phòng, chống rác thải nhựa… là những giải pháp mà các cấp, ngành trong tỉnh đã, đang nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Qua đó, từng bước bảo vệ môi trường, mang lại cuộc sống xanh - sạch cho Nhân dân.

Kiểm soát chất thải trong sản xuất công nghiệp
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 108 doanh nghiệp có dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó, 69 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy điện; 26 doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; 13 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác.
Chúng tôi có mặt tại Mỏ đá Sùng Chô 1 của Công ty TNHH số 10 Lai Châu thuộc địa phận xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) và xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ), đây là một trong những đơn vị điển hình về kiểm soát khói bụi và chất thải công nghiệp. Theo quan sát của chúng tôi, ngay cả lúc đơn vị đang chạy dây chuyền nghiền đá thấy rất ít khói bụi phát sinh trong quá trình sản xuất. Nước thải có hồ chứa và được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Ông Vũ Quang Toán - Giám đốc Công ty TNHH số 10 Lai Châu cho biết: Mỗi năm mỏ đá sản xuất trên 15.000m3 đá các loại. Để bảo vệ môi trường, đơn vị tích cực trồng cây xanh ngăn bụi xung quanh mỏ đá; lắp đặt hệ thống phun nước dập bụi khi sản xuất. Hàng ngày cho xe tưới nước vào khu vực sản xuất và vùng lân cận. Mỏ đá hoạt động trong thời gian hành chính, cách xa khu dân cư nên không gây tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hàng năm, qua đánh giá của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thì tiếng ồn, nồng độ bụi lơ lửng trong không khí, nồng độ khí NO, NO2 đều nằm trong giới hạn cho phép.

Công ty TNHH số 10 Lai Châu luôn chú trọng bảo vệ môi trường trong quá trình nghiền đá.

Công ty TNHH số 10 Lai Châu luôn chú trọng bảo vệ môi trường trong quá trình nghiền đá.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh có hồ sơ bảo vệ môi trường đều có nội dung các công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải và biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác đến môi trường. Đối với chất thải rắn sinh hoạt được các doanh nghiệp hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý hoặc xây dựng công trình chôn lấp tại chỗ. Qua kiểm tra các doanh nghiệp tuân thủ việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hồ sơ bảo vệ môi trường đã được thẩm định, phê duyệt.
Đồng chí Ngô Xuân Hùng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Hiện trạng môi trường của tỉnh có chất lượng tương đối tốt, đa số các thông số quan trắc và phân tích môi trường đều nằm trong giới hạn quy chuẩn quy định tương ứng; không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý. Hàng năm, Sở tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở đã xử lý vi phạm hành chính đối với 4 doanh nghiệp với số tiền trên 500 triệu đồng chủ yếu là các lỗi về thiếu báo cáo đánh giá về tác động môi trường; xử lý rác thải rắn không đúng quy định.
Nỗ lực hoàn thiện hạ tầng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Được biết, tổng số lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là trên 6.800 tấn/ngày, tương đương 2.485 tấn/năm thải ra từ chợ, trường học, cơ quan hành chính, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, hộ gia đình. Thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã nhân rộng nhiều mô hình hay để bảo vệ môi trường như: phòng chống rác thải nhựa của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thông qua hoạt động tái chế viên gạch sinh thái để xây tường bao, làm tủ sách cho thư viện; dùng làn đi chợ; phân loại rác thải. Đoàn thanh niên phát động các phong trào thi đua chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu: “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ môi trường”, “Ngày chủ nhật xanh” quét dọn vệ sinh môi trường khu dân cư. Hội Nông dân triển khai dự án “Cánh đồng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật”…
Mặc dù triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng trên thực tế trên địa bàn tỉnh việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều khó khăn; vận chuyển rác thải theo cách thủ công; thiếu trang thiết bị. Rác thải sau khi thu gom, phân loại chủ yếu xử lý theo hình thức chôn lấp. Vì vậy, tại các xã vẫn còn tình trạng rác tồn đọng thành đống ngay bên lề đường gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Nguyên nhân được xác định là do địa bàn tỉnh rộng, địa hình chia cắt, đồi núi có độ dốc lớn khó bố trí khu vực xử lý chất thải. Bên cạnh đó chưa bố trí được nguồn kinh phí thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý tại khu vực nông thôn. Tính đến tháng 6/2022 toàn tỉnh mới có 71/106 xã, phường, thị trấn được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Nhằm hoàn thành các chỉ tiêu chất thải rắn UBND tỉnh giao năm 2022, trong đó tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh được thu gom đạt 98%; tỷ lệ số xã, phường, thị trấn được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 67%, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải xây dựng; phương tiện, tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lấy ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố vào dự thảo văn bản quy định UBND cấp huyện "Lựa chọn địa điểm bổ sung quy hoạch các nhà máy xử lý rác thải tập trung, rà soát, lựa chọn, bổ sung quy hoạch các điểm tập kết rác thải tại các xã, thị trấn; lập dự án và triển khai xây dựng dự án các điểm tập kết rác thải trên địa bàn”. Sở thực hiện tốt việc tiếp nhận, tham mưu thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đảm bảo chất lượng, quy trình, thời gian giải quyết. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bảo vệ môi trường khu dân cư đô thị, nông thôn, khai thác, chế biến khoáng sản, phát triển nông lâm nghiệp. Xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không để phát sinh cơ sở mới...

Hồng - Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...