Thứ năm, 18/04/2024, 20:53 [GMT+7]

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Thứ tư, 02/05/2018 - 10:29'
Hiện nay, bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh đang là nỗi lo của các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bởi bệnh nhân nhiễm vi khuẩn, kháng thuốc và đa kháng thuốc ngày càng gia tăng.

Điều dưỡng Khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc cho bệnh nhân.

Từ đầu năm đến nay, Khoa Vi sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn của 418 bệnh nhân, trong đó có 91 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn kháng thuốc (tăng 59 bệnh nhân so với cùng kỳ năm trước). Đây là tình trạng báo động về yếu tố môi trường, thực phẩm tồn dư kháng sinh và tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Vì vậy, bệnh viện vất vả với việc điều trị cho bệnh nhân đa kháng thuốc. Các y, bác sỹ phải lựa chọn thuốc kháng sinh điều trị cho bệnh nhân theo hướng dẫn của kháng sinh đồ. Đồng thời, kết hợp thêm kháng sinh thì tình trạng viêm, nhiễm trùng của bệnh nhân mới được cải thiện. Đối với bệnh nhân mắc vi khuẩn đa kháng thuốc, bác sỹ chỉ còn cách tăng liều cao hơn; nếu tiếp tục tăng liều thì nguy cơ bệnh nhân kháng các loại thuốc kháng sinh sẽ tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Chị Hoàng Thị Vân - kỹ thuật viên trưởng, Khoa Vi sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tâm sự: “Qua xét nghiệm kháng sinh đồ, tôi xác định nhiều bệnh nhân kháng thuốc kháng sinh do thói quen tự mua kháng sinh chữa trị một số bệnh: ho, sốt, cảm cúm, tiêu chảy. Bệnh nhân sử dụng kháng sinh “tự do” không có chỉ định của bác sỹ gây kháng thuốc (tức là vi khuẩn nhờn thuốc và sau đó không có tác dụng với các loại thuốc kháng sinh”.

Ngày 19/3 vừa qua, bệnh nhân Lò Văn Đội ở xã Bản Bo (huyện Tam Đường) chuyển tuyến từ Trung tâm Y tế huyện Tam Đường lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh do nhiễm khuẩn huyết trên viêm đường tiết niệu. Trước đó, bệnh nhân đã điều trị tại Trạm Y tế xã Bản bo và Trung tâm Y tế huyện Tam Đường nhưng không khỏi bệnh. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, tiểu buốt và tiểu ra huyết. Bác sỹ tiến hành lấy máu xét nghiệm kháng sinh đồ.

Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân nhiễm khuẩn Stenotrophomonas maltophilia kháng với nhiều loại kháng sinh. Sau 10 ngày điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, bệnh nhân điều trị khỏi bệnh. Anh Đội tâm sự: “Trước đây bị ho, sốt, tôi chủ quan nên tự mua thuốc kháng sinh uống không theo đơn của bác sỹ. Vì vậy, khi tôi bị nhiễm khuẩn huyết do viêm đường tiết niệu đã uống nhiều loại thuốc kháng sinh nhưng không khỏi. Chỉ khi nhận được kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi mới biết mình bị kháng nhiều loại thuốc kháng sinh. Giờ đây, tôi không dám uống thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sỹ để tránh lạm dụng thuốc”.    

Việc bệnh nhân trên địa bàn tỉnh sử dụng kháng sinh tùy tiện dẫn tới sự kháng thuốc kháng sinh chính là do bà con tự ý mua thuốc về uống và đương nhiên trong đó có sự “tiếp tay” của chủ các quầy thuốc khi người dân chỉ cần mô tả bệnh là dễ dàng mua các loại thuốc không cần đơn kê của bác sỹ. Khi mua thuốc về uống, loại thuốc kháng sinh này không có tác dụng họ lại tự ý hoặc gợi ý chuyển sang loại kháng sinh khác làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bà con. Bác sỹ Phạm Văn Vượng - Khoa Hồi sức Cấp cứu tâm sự: “Trước đây, tôi điều trị bệnh truyền nhiễm cho bệnh nhân khá dễ. Nhưng 2 năm gần đây, tôi phải sử dụng nhiều loại kháng sinh bậc cao vì vi khuẩn đã kháng với một số kháng sinh. Tôi lo đến một ngày không còn thuốc kháng sinh mới để điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. Khi đó thì tình trạng tử vong do các bệnh truyền nhiễm sẽ rất cao”.

Bác sỹ Đào Việt Hưng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhấn mạnh: “Việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh sử dụng thuốc kháng sinh điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi khuẩn là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều người dân trong tỉnh tự mua thuốc kháng sinh sử dụng không hợp lý, lạm dụng, tăng liều khi không mắc bệnh nhiễm khuẩn. Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh xét nghiệm kháng sinh đồ phát hiện tình trạng kháng thuốc kháng sinh với vi khuẩn gây bệnh ngày một tăng cao. Đây là nguyên nhân tạo sự khan hiếm, thiếu hụt thuốc kháng sinh mới để điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi sinh vật đa kháng thuốc”.

Hơn bao giờ hết, người dân trên địa bàn tỉnh cần thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh đúng liều, đúng bệnh và có chỉ dẫn của bác sỹ. Như vậy, tỉnh ta mới giảm thiểu tình trạng kháng thuốc kháng sinh, góp phần chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

 

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...