Thứ sáu, 19/04/2024, 20:09 [GMT+7]

Tăng cường quản lý đất hiếm ở Đông Pao

Thứ tư, 19/05/2021 - 15:27'
Từ cuối năm 2020 đến nay, tình trạng khai thác trái phép đất hiếm ở Đông Pao xã Bản Hon (huyện Tam Đường) “nóng lên”. Người dân lấy đất hiếm - loại tài nguyên quý giá này dưới nhiều hình thức tinh vi khiến lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở phải tăng cường và vào cuộc xử lý.

Thực trạng
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch UBND xã Bản Hon cho biết: Từ tháng 10/2020 đến nay, một số người dân trong và ngoài địa bàn xã lợi dụng đêm khuya dùng cuốc, xẻng khai thác đất hiếm (hay còn gọi là quặng flourit hoặc cát tím) tại khu vực bìa mỏ đất hiếm Đông Pao thuộc địa phận bản Nà Khum, gây xôn xao dự luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương. Trong khi, Công an xã không được phép phát hiệu lệnh dừng xe ôtô trên tỉnh lộ. Khi xã phối hợp được với Công an tỉnh, huyện thì đối tượng vận chuyển đất hiếm đã ra khỏi địa bàn. Bên cạnh đó, xã chỉ có thẩm quyền xử phạt tối đa 5 triệu đồng đối với trường hợp khai thác, mua bán, vận chuyển đất hiếm trái phép là quá thấp chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Việc người dân khai thác, vận chuyển đất hiếm flourit trái phép gây thất thoát tài nguyên quốc gia, làm tổn hại môi trường sinh thái và ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự địa phương.

Cán bộ xã Bản Hon (huyện Tam Đường) bàn giao đất hiếm flourit thu hồi được cho bảo vệ Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu quản lý.  Ảnh tư liệu

Cán bộ xã Bản Hon (huyện Tam Đường) bàn giao đất hiếm flourit thu hồi được cho bảo vệ Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu quản lý. (Ảnh tư liệu)

Anh Tưởng nhấn mạnh thêm: “Quan điểm của lãnh đạo xã là không tiếp tay, dung túng cho bất kỳ người dân nào vi phạm việc khai thác, vận chuyển, tàng trữ đất hiếm trái phép. Xã mong người dân tố giác trường hợp cố tình tiếp tay cho hành vi thu mua đất hiếm ở địa phương”.
Được biết, người dân dễ dàng đóng bao đất hiếm flourit lộ thiên bán tại xã với giá từ 2 - 3 nghìn đồng/kg. Chỉ 10kg đất hiếm flourit người dân có từ 20 - 30 nghìn đồng nên nhiều người bất chấp mọi thủ đoạn, trộm đất hiếm bán lấy tiền tiêu sài. Hồi 10 giờ, ngày 6/11/2020, Công an xã phát hiện 260 bao với tổng trọng lượng 15,6 tấn đất hiếm flourit ở vị trí thân quặng F9 của Công ty Đất hiếm Lai Châu. UBND xã ra thông báo số 33/TB-UBND, ngày 6/11/2020 về việc tìm chủ số bao đất hiếm trên. Đến 17 giờ 30 phút cùng ngày không ai đến nhận, UBND xã thành lập tổ công tác mời đại diện Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu; Công an huyện, cán bộ bản tham gia hoàn thổ số đất hiếm trên. Qua xác minh, Công an xã kết luận số đất hiếm trên do người dân khai thác trái phép, đóng bao, chuẩn bị tiêu thụ. Công an xã phát hiện và hoàn thổ.
Ngày 13/3 vừa qua, Công an xã phối hợp với Công an tỉnh, huyện tiến hành lập biên bản, tạm giữ hơn 15,5 tấn đất hiếm flourit tại nhà ông Tao Văn Pèng ở bản Nà Khum. Đây là vụ việc nghiêm trọng, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) thụ lý điều tra, giải quyết. Công an tỉnh tiến hành giữ toàn bộ số đất hiếm fluorit của ông Pèng và xử phạt hành chính 12 triệu đồng. Tại cơ quan công an, ông Pèng hối hận nói: “Chỉ vì ham lợi nhuận kinh tế, tôi mua gom đất hiếm của người dân để bán kiếm lời. Chưa kịp bán, tôi đã bị lực lượng công an phát hiện thu giữ đất hiếm và xử phạt hành chính. Đây là bài học đặt giá để tôi ghi nhớ suốt đời không bao giờ tái phạm”.
Giải pháp
Theo chân chị Đặng Thị Hoa - công chức địa chính nông nghiệp xã Bản Hon, chúng tôi đến bản Nà Khum để tận mắt chứng kiến lực lượng chức năng ngăn chặn người dân khai thác đất hiếm trái phép. Trên đường đi, chị Hoa chỉ cho tôi khu đồi đất hiếm flourit lộ thiên chỉ cách mặt đường tỉnh 136 hơn 200m. Bìa mỏ đất hiếm Đông Pao thuận lợi giao thông, các đối tượng có thể nhanh chóng “tẩu tán” đất hiếm ra khỏi địa bàn. Trước đó, Công an tỉnh đã phối hợp với xã phát hiện, xử lý hàng chục vụ khai thác, tàng trữ, vận chuyển đất hiếm flourit trái phép đều có nguồn gốc từ bản Nà Khum. Xác định, đây là “điểm nóng” cần tăng cường quản lý. Cuối tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh phối hợp với Công an xã đầu tư lắp đặt hệ thống camera an ninh, gồm 5 “mắt” tại vị trí thuận lợi cho việc giám sát, ngăn chặn người dân khai thác đất hiếm trái phép. Camera an ninh được kết nối mạng internet cài đặt trên điện thoại di động của cán bộ công an tỉnh, huyện, xã, thuận lợi cho việc quản lý, giám sát. Chị Hoa nhận xét: Từ khi Công an tỉnh phối hợp với xã lắp đặt camera an ninh, đến nay, xã chưa phát hiện vụ khai thác đất hiếm flourit trái phép nào. Đây là giải pháp mới, hiệu quả kể cả đêm khuya. Không như đầu tháng 3 vừa qua, cán bộ xã phải vất vả tuần tra, kiểm soát suốt đêm nhưng đất hiếm flourit ở bản Nà Khum vẫn “không cánh mà bay”.
Để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, tất cả các hộ trong xã đã ký cam kết không khai thác, vận chuyển đất hiếm trái phép. Một số bản làm tốt việc ký cam kết, như: Bản Thẳm, Đông Pao 1, Đông Pao 2, Bản Hon.
Ông Phong Vĩnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Nhờ Công an tỉnh góp sức, hiện nay, vùng mỏ đất hiếm Đông Pao cơ bản ổn định. Thời gian tới, huyện mong Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với chính quyền huyện, xã siết chặt quản lý đất hiếm ở mỏ đất hiếm Đông Pao; xử lý nghiêm các trường hợp thu mua đất hiếm trái phép. Xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật, chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển đất hiếm trái phép”.
Lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở cần siết chặt quản lý đất hiếm ở mỏ đất hiếm Đông Pao, góp phần tạo dựng lòng tin trong Nhân dân.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...