Thứ sáu, 29/03/2024, 13:36 [GMT+7]

Thách thức khi học sinh thoát vùng 135/cp

Thứ tư, 08/11/2017 - 16:37'
Ngày 28/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 582/QĐ-TTg về phê duyệt danh sách thôn bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Điều này đồng nghĩa học sinh bán trú không thuộc thôn, bản đặc biệt khó khăn sẽ không được hỗ trợ chế độ bán trú theo Nghị định 116 của Chính phủ. Đây là thách thức đang đặt ra với ngành Giáo dục huyện Than Uyên nói riêng, toàn tỉnh nói chung khi một số địa phương ra khỏi Chương trình 135.

Năm 2017, Ta Gia là một trong những xã của huyện Than Uyên ra khỏi Chương trình 135/CP (song vẫn còn 8 bản đặc biệt khó khăn), nghĩa là xã thuộc khu vực II. Theo đó, nhiều học sinh trên địa bàn không được hưởng chế độ ở bán trú theo Nghị định 116 của Chính phủ. Trước đó, xã có 3 trường: Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học số 1, số 2, THCS với 100% học sinh được hỗ trợ chế độ bán trú theo Nghị định 116 của Chính phủ. Sau khi ra khỏi 135/CP, trên địa bàn có 289 học sinh không được hưởng chế độ ăn bán trú; điều này gây khó khăn trong công tác duy trì sỹ số, chất lượng giáo dục. 

Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Ta Gia (huyện Than Uyên) đang phải nỗ lực lo kinh phí đảm bảo bữa ăn cho học sinh không được hưởng chế độ ăn bán trú.

Trường PTDTBT THCS xã Ta Gia, năm học 2017 - 2018 có tổng số 494 học sinh, trong đó 274 học sinh ở bán trú nhưng chỉ có 139 học sinh được hưởng chế độ bán trú, còn 135 học sinh nhà ở xa trường lại không được hưởng do bản các em đã thoát khỏi đặc biệt khó khăn. Cũng do khoảng cách xa và điều kiện gia đình các em còn nghèo nên 60 học sinh nơi đây đang có nguy cơ bỏ học. 

Thầy giáo Hoàng Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Ta Gia chia sẻ: “Trước tình hình một số học sinh không thuộc diện được hưởng chế độ bán trú, ngoài vận động, nhà trường tạo điều kiện cho các em ổn định ở tại khu bán trú. Đồng thời, triển khai công tác xã hội hóa, kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm; tăng gia sản xuất: trồng rau xanh, nuôi cá, lợn, ếch, cải thiện bữa ăn học sinh. Đến nay, tỷ lệ duy trì sỹ số của nhà trường đạt trên 95%”.

Trong năm 2017, huyện Than Uyên có thêm 2 xã: Ta Gia, Pha Mu ra khỏi Chương trình 135/CP theo Quyết định 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, toàn huyện có 7 xã thuộc vùng II. Năm học 2017 - 2018, toàn huyện có 555 học sinh không được hưởng chế độ bán trú, trong đó 367 học sinh tiểu học, 188 học sinh THCS. Điển hình như Trường PTDTBT THCS xã Ta Gia có 135 học sinh, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Ta Gia có 67 học sinh, Trường PTDTBT Tiểu học số 2 xã Phúc Than có 144 học sinh. Điều kiện kinh tế của người dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; trong khi Nhà nước có chủ trương đưa học sinh ở các điểm trường lẻ về học tập trung tại điểm trường trung tâm. Điều này ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng, ổn định tỷ lệ chuyên cần của các trường. 

Trước thực trạng này, để đảm bảo duy trì tỷ lệ chuyên cần, một mặt huyện chỉ đạo các đơn vị trường vẫn đưa học sinh không thuộc diện được hưởng chế độ bán trú đến trường để ăn, ở. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền, nhà trường tổ chức kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ đối tượng học sinh này. Vận động cán bộ, giáo viên cùng chung tay, chia sẻ trực tiếp bằng tiền, gạo. Các trường còn tích cực tăng gia, sản xuất cải thiện, đảm bảo nuôi dưỡng học sinh bán trú. Xây dựng mô hình tăng gia, sản xuất như: Trường PTDTBT THCS xã Tà Mung nuôi lợn, ngan, cá, trồng rau; Trường PTDTBT THCS xã Ta Gia nuôi ếch, lợn, cá, trồng rau… 

Ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cho biết: “Phòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền đến trưởng bản, bí thư chi bộ, già làng, trưởng dòng họ và người dân ở từng địa bàn để nâng cao nhận thức về giáo dục; khuyến khích con em trong dòng họ duy trì việc học. Công đoàn ngành Giáo dục huyện vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp tiền, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, trợ cấp học bổng “tiếp sức” học sinh không được hưởng chế độ bán trú. Duy trì các mô hình tăng gia sản xuất, cải thiện chất lượng bữa ăn học sinh”.

để duy trì sỹ số học sinh cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND huyện Than Uyên đề xuất tỉnh xem xét hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức nuôi dưỡng các em không được hưởng chế độ bán trú. Do không còn được hưởng chế độ ăn bán trú nên các đơn vị trường có mô hình PTDTBT đang phải tự túc kinh phí mua thực phẩm để nuôi các em học sinh, duy trì sỹ số. Nếu như thời gian tới không được hỗ trợ kinh phí sớm, các trường sẽ không thể tiếp tục duy trì giúp học sinh ăn bán trú; dẫn đến tình trạng bỏ học, ảnh hưởng tỷ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục.

Tùng Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...