Thứ ba, 23/04/2024, 21:04 [GMT+7]

Thực trạng xuất cảnh lao động trái phép

Thứ hai, 17/07/2017 - 09:41'
Thời gian qua, nhiều người lao động ở vùng quê huyện Tam Đường bị các đối tượng xấu lừa xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê. Điều đáng nói ở đây là đa số lao động sang Trung Quốc làm thuê không chỉ bị quỵt lương mà còn bao mối nguy hiểm rình rập.

Kỳ 1: Long đong phận làm thuê

Anh Tẩn A Tải ở bản Rừng Ổi - xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường) sau khi trở về cùng vợ phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.

Gặp người trở về

Cơn mưa chiều mỗi lúc một nặng hạt, chúng tôi tìm đến gia đình em Hàng A Di (17 tuổi, ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) người may mắn trở về sau khi bị Công an Trung Quốc bắt giữ hơn 4 tháng. Trong ngôi nhà nhỏ, xập xệ nằm ở lưng chừng núi em Di cho biết: “Hết ngày mùa là thời gian nông nhàn, muốn tìm việc làm thêm cũng khó vì trong xã không có ai thuê”. Gia đình có 5 anh em, Di là con thứ 3, hoàn cảnh khó khăn, đất sản xuất ít, mẹ thì bị bệnh sỏi thận 3 - 4 năm nay không có tiền nên cũng chẳng vào viện điều trị. 17 tuổi, em gánh vác mọi việc trong gia đình khi anh trai lập gia đình ra ở riêng. Với mong muốn kiếm tiền đưa mẹ về Hà Nội khám bệnh và nuôi hai em học hành, Di nghe lời dụ dỗ của bà Hàng Thị Si (ở bản Chu Va 8) xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê ở xưởng may với mức tiền lương hứa hẹn 6 - 7 triệu đồng/tháng. 

Rót nước mời chúng tôi, giọng Di bỗng trở nên run rẩy, gương mặt bần thần nhớ lại hành trình vượt biên làm thuê. Sáng ngày 28/2/2016, Di cùng với 3 người trong xã “khăn gói quả mướp” bắt xe khách đi sang huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Đến đó, được một người lạ dẫn theo lối mòn, trèo đèo, lội suối 2 tiếng đến nơi tập kết. Sau 3 ngày chờ đợi ông chủ xưởng may đón lên xe đi 1 ngày 1 đêm đến chỗ làm. Trong 4 tháng làm việc quần quật không kể ngày đêm, nắng mưa, cuộc sống như ở địa ngục trần gian. Nhiều người ở xưởng có ý định rủ nhau trốn thì bị ông chủ đe dọa sẽ đánh chết nên mọi người không dám trốn. Ngày 28/6/2016 khi đang làm việc tại xưởng thì bất ngờ Cảnh sát Trung Quốc đến kiểm tra nên toàn bộ công nhân Việt Nam bị bắt vì không có giấy tờ. Từ lúc bị bắt và nhốt tại trại giam bên Trung Quốc, sau hơn 4 tháng giam giữ em được phía cảnh sát Trung Quốc thả về.

Chia tay Di, chúng tôi về các bản ở xã Hồ Thầu - nơi có nhiều người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Gặp anh Tẩn A Tải (ở bản Rừng Ổi, xã Hồ Thầu) khi vợ chồng chuẩn bị bữa cơm trưa. Tài sản trong nhà không có gì đáng giá, 3 đứa con nheo nhóc đợi bố mẹ dọn cơm. Sau khi ngỏ ý muốn tìm hiểu việc đi làm thuê bên Trung Quốc, anh Tải có vẻ e ngại nhưng sau dần cũng đồng ý. Anh Tải cho biết: “Thấy một số hộ trong bản truyền tai nhau sang Trung Quốc làm thuê công việc nhàn, lương cao từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Tôi bàn với vợ đi lao động “chui” với mong muốn kiếm ít tiền về trang trải cuộc sống. Sáng 3/2/2016, tôi cùng bà con ở bản bắt xe đi sang huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Sau khi vượt biên có 5 - 6 người Trung Quốc đón và cho lên xe, đến lúc phát cơm tôi mới biết có 36 người xã khác của huyện Tam Đường cũng đi. Sau khi đi bộ, đi ôtô 2 ngày đến chỗ làm, ở đây rất hoang vu, tách biệt với thế giới bên ngoài. Mọi người phải tự chặt que, căng bạt để làm lán ngủ. Công việc chủ yếu đi làm cỏ, bón phân cho cây, làm việc quần quật cả ngày đêm nhưng ăn uống rất kham khổ mà tiền lương thì chẳng thấy. Được 2 tuần biết bị lừa đoàn người bỏ trốn nhiều lần nhưng không được và ông chủ dụ dỗ về làm để nhận lương. Đến kỳ hạn lấy lương thì họ thả lỏng để mọi người tự trốn về nên mới thoát được”. Sau hai tháng trôi dạt nơi xứ người, anh trở về mà không nhận được đồng lương nào trong khi đó vợ con ở quê nhà vẫn mong mỏi chờ lương của chồng.

Làm thuê nơi xứ người

Những ngày tháng làm thuê xứ người không chỉ cơ cực với Di mà còn nhiều người dân ở Tam Đường xuất khẩu “chui” sang biên giới. Chia sẻ với chúng tôi, Di cho biết thêm: “Ngày nào em và mọi người cũng phải làm việc từ 7 giờ - 12 giờ trưa, ăn xong lại làm từ 13 giờ đến trời tối mới được về. Bữa cơm chỉ có rau thi thoảng có thêm ít thịt và chủ yếu là thịt ôi thiu. Vất vả nhưng hàng tháng không được nhận đủ lương, cả 4 tháng ông chủ trả 2,5 triệu đồng. Biết bị lừa nhưng không biết tiếng, lại không thạo đường nên không trốn được về”. Với hai bàn tay trắng trở về, phải mất mấy tháng Di mới ổn định tâm lý, giờ đây với em không đâu bằng nhà, quê hương. Di khoe với chúng tôi, em vừa lập gia đình dù gánh nặng “cơm áo gạo tiền” nhưng rất vui.

Anh Lý A Giàng (ở bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu) sang Trung Quốc làm thuê từ 3/2015 nhưng khi trở về (tháng 6/2016) không lương. Với anh những ngày lặn lội nơi xứ người là ngày sống chui lủi, lao động khổ cực nhưng vì miếng cơm manh áo phải chấp nhận. Được trở về nhà an toàn là niềm hạnh phúc, ngày tháng sắp tới anh cùng gia đình trồng thêm ngô, sắn không đi đâu nữa.

Không chỉ bị bóc lột sức lao động, bỏ đói, không được quan tâm khi ốm đau, nhiều người lao động bất hợp pháp còn đối mặt với những nguy hiểm như: đánh đập, cưỡng hiếp, dọa giết… Vẫn biết xuất cảnh lao động trái phép giống như trò đánh bạc nhưng có rất nhiều người dân “chân lấm tay bùn” vẫn tin vào những lời đường mật “cò mồi” với bản “hợp đồng miệng” hàng triệu đồng. Nhưng sang đó tiền không có một xu, bị đánh đập thậm chí có người bỏ mạng nơi đất khách quê người. 

Có lẽ bà con xã Hồ Thầu chưa quên cái chết thương tâm của anh Lù A Giàng (ở bản Rừng Ổi) bị đánh chết khi trên đường trở về Việt Nam để lại bố mẹ già, vợ và hai con thơ. Nét mặt đượm buồn, ông Lù A Trại kể lại: “Ngày con trai đi, vợ chồng tôi không biết, chỉ nghe con dâu báo lại là tháng 9/2014, Giàng bảo sang Trung Quốc làm thêm nghe đâu được nhiều tiền nên cùng 4 người trong xã đi. Mấy tháng trời không nghe thấy tung tích chỉ nghe nói sang đó trồng chuối, phát cỏ. Đến tháng 11/2014, nhận được thông báo con trai bị đánh chết bên kia biên giới. Sau đó tôi cùng người thân lặn lội sang Trung Quốc đưa xác con về. Do xuất cảnh trái phép nên trường hợp của con trai không ai đứng ra chịu trách nhiệm, việc đưa xác về nước vô cùng khó khăn. Gia đình phải bỏ 20 triệu đồng và mất chục ngày mới đưa được về mai táng”. Từ ngày Giàng mất, vợ con anh phải về ở bên nhà ngoại ở bản Tả Chải (xã Hồ Thầu), vợ trẻ phải bươn chải nuôi hai đứa con, thương lắm nhưng hoàn cảnh của ông Trại cũng khó khăn nên không giúp gì được.

Hay như có trường hợp ở bản Hồ Thầu (xã Hồ Thầu) mới sang Trung Quốc làm thuê được 3 ngày thì bị tảng đá lăn chết trong khi đang lao động. Ngoài ra, còn rất nhiều mảnh đời khác đang phải lặn lội bên kia biên giới để mưu sinh nếu may mắn thì còn được trả lương đầy đủ, không thì đánh đổi cả tính mạng, con đường trở về quê hương càng trở nên xa vời. 

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...