Thứ sáu, 19/04/2024, 03:28 [GMT+7]

Thiếu nước sinh hoạt - thầy, trò gặp khó

Thứ sáu, 15/12/2017 - 18:05'
(BLC) - Thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô đã quá quen thuộc với thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS số 1 xã Khoen On (huyện Than Uyên). Mặc dù vậy, cuộc sống của cả thầy và trò lại vô cùng vất vả khi mất nhiều thời gian túc trực lấy nước phục vụ sinh hoạt thiết yếu.

Đến thăm nhà trường vào cuối buổi chiều, cảnh tượng đầu tiên chúng tôi nhìn thấy đó là 2 học sinh nữ đứng trên bể tháo dây chun vòi ống nước, hút hơi thật sâu và cắm nhanh vòi xuống đường ống dẫn vào bể nước. Còn phía dưới, hơn 10 học sinh nữ đợi nước rửa bát, phải đến 20 phút sau nước mới về mà chảy rất yếu. Thầy giáo Hà Trung Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện tại xã Khoen On chưa có đường nước sinh hoạt, Nhân dân cũng như thầy, cô giáo trong trường đều lấy nước từ các khe núi. Đây là hệ thống đường ống nhà trường kéo được từ khe núi bản On cách đây 2km. Mùa mưa cũng chẳng đủ nước sinh hoạt chưa nói gì đến mùa khô. Có những đêm, nhà trường phải huy động các thầy giáo lên khe núi dịch chuyển ống theo dòng chảy thì nước mới về”.

Học sinh Trường PTDTBT THCS số 1 xã Khoen On tiết kiệm nước trong sinh hoạt.

Được biết, Trường PTDTBT THCS số 1 xã Khoen On có 220 học sinh/8 lớp, 100% là học sinh dân tộc thiểu số và 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, Ban Giám hiệu nhà trường vận động các thầy, cô giáo quyên góp tiền mua téc nước, đường ống dẫn nước từ khe núi về trường. Hiện tại, nhà trường có 3 téc nước (khối lượng 1.500 lít nước/téc) và 2 bể nước. Tuy nhiên, nguồn nước không ổn định, chỉ đảm bảo phục vụ 80% nhu cầu sinh hoạt, có thời điểm chỉ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu.

Để tiết kiệm nước, học sinh của nhà trường linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp. Em Đèo Thị Doản (học sinh lớp 9B) chia sẻ: “Để tiết kiệm nước, chúng em rủ nhau giặt chung quần áo, rửa bát theo từng tốp, từng phòng. Có nhiều hôm, chúng em đi tắm, giặt nhờ các hộ dân ở bản”. Theo lời chia sẻ của thầy Thành, hiện nhà trường vẫn chưa có nhà ăn cho học sinh bán trú. Vì vậy, đến bữa, mỗi học sinh có một bát tô nhựa đựng cơm, thức ăn chung và một cái thìa, như vậy dù biết là chưa đảm bảo nhưng cũng giúp nhà trường tiết kiệm được số bát, đĩa cần rửa so với việc ngồi ăn theo bàn, đồng nghĩa với đó sẽ tiết kiệm được nước sinh hoạt.

Các thầy, cô giáo cũng sử dụng thùng, chậu, xô chứa nước. Nhìn các cô múc từng gáo nước trong thùng để rửa rau mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Cô giáo Đỗ Thị Minh Phương (giáo viên bộ môn toán) cho hay: “Hôm nào có nhiều nước chúng tôi tranh thủ lấy xô hứng rồi đổ vào thùng nhựa để dùng dần. Nếu không làm vậy sẽ không có nước cho những ngày sau. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có nguồn nước sạch để đảm bảo sức khỏe cho cả giáo viên và học sinh”.

Rời khỏi Trường PTDTBT THCS số 1 xã Khoen On khi trời đã tối, chúng tôi mang theo những trăn trở của thầy và trò nơi đây. Chưa có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo hợp vệ sinh, đương nhiên vấn đề lo ngại nhất là chất lượng cuộc sống của thầy, trò cũng ảnh hưởng. Thiết nghĩ, đảm bảo công tác dạy và học của nhà trường cũng như cuộc sống của Nhân dân trong vùng, huyện cũng như các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Ngân Khánh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...