Thứ sáu, 29/03/2024, 16:32 [GMT+7]

Vì sao Noong Quài mãi nghèo?

Thứ ba, 07/11/2017 - 07:32'
Thiếu điện, đường chưa được bêtông hóa, bản xa trung tâm xã… Đó là những lý do chính khiến bản Noong Quài (xã Ta Gia, huyện Than Uyên) mãi nghèo. 

Chúng tôi đến bản Noong Quài vào buổi chiều nắng nhẹ, đồng hành cùng với chúng tôi là anh Lường Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Ta Gia. Bản Noong Quài cách trung tâm xã hơn 10km, nhưng để đến được với bản phải vượt qua lòng hồ thủy điện Huội Quảng nối từ đầu bản Hỳ sang bờ bên kia gần 200m. Sang được bờ, phải đi tiếp 8km đường rừng, những khúc đường dốc cao uốn lượn, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Ngồi sau xe của anh Dũng - “tay lái lụa” nhưng tôi vẫn thấy run run, chỉ dám nhìn về phía trước; đi 8km nhưng phải gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới tới nơi, chiếc xe máy luôn ở trạng thái số 1, số 2. Anh Dũng cười bảo: “Trước đây muốn vào bản phải lần theo khe suối, đi bộ khoảng 3 - 4 tiếng mới đến. Đường này, tuy mưa lầy lội nhưng đỡ vất vả hơn cho cán bộ xã khi muốn vào bản tuyên truyền và người dân ra trung tâm xã dễ dàng hơn. Đường được mở từ đầu năm 2016, khi huyện Thanh Trì (Hà Nội) - kết nghĩa với huyện Than Uyên đầu tư xây dựng trường học cho các cháu mầm non của bản”. 

Chị Giàng Thị Lả (bản Noong Quài, xã Ta Gia, huyện Than Uyên) xay ngô.

Bản Noong Quài nằm cô lập ở thung lũng sau những quả đồi cao vút. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi gặp đó là chị Giàng Thị Lả đang xay ngô bên chiếc cối đá, mồ hôi ướt đẫm nhưng chị vẫn tươi cười với chúng tôi. Chị Lả chia sẻ: “Tôi quen với việc này lâu rồi. Tranh thủ những ngày nghỉ ở nhà, tôi xay ít ngô cho mấy con gà, con vịt ăn. Vì chưa có điện, chưa có máy xay xát nên cả bản dùng chung một chiếc cối xay ngô. Những hôm mưa, không đi làm nương, chúng tôi quây quần bên chiếc cối để xay ngô”. Chị Lả nghỉ tay, tôi xin phép được quay thử nhưng không quay nổi một vòng cối. Giờ chúng tôi mới cảm nhận và hiểu phần nào nỗi vất vả của người dân nơi đây. 

Được biết, bản Noong Quài có 36 hộ dân với 217 nhân khẩu, 100% dân tộc Mông, trong đó 32 hộ nghèo. Đa số người dân không biết chữ, tỷ lệ biết tiếng phổ thông thấp, nên việc giao tiếp của chúng tôi với bà con gặp không ít khó khăn. Người dân trong bản quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Hiện, bản có 3ha lúa 2 vụ, 32ha lúa nương; 12ha ngô 1 vụ, 6ha lạc, đậu tương và 7ha sắn. Phát triển chăn nuôi là kinh tế mũi nhọn để người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Bản có 50 con trâu, 118 con bò, 120 con dê, 195 con lợn, gần 300 con gia cầm các loại. Tuy bản được Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi theo Chương trình 135/CP, 30a/CP, nhưng vì chưa có điện, người dân không cập nhật được thông tin, chỉ biết sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo phương thức “tự cung tự cấp” là chủ yếu.

 Chúng tôi đến thăm nhà ông Sùng A Dao khi ông đang cặm cụi nối lại dây sạc pin điện thoại. Gia đình ông Dao là một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá hơn nên mua được máy điện nước. “Nhà tôi mua máy điện nước cũng lâu rồi. Vào mùa mưa, nước trong khe nhiều nên điện khỏe, có lúc chúng tôi xem được tivi. Nhưng bây giờ nước cạn, đến cái bóng điện cũng không đủ thì tivi với quạt điện chỉ để đấy thôi” - ông Dao chia sẻ. Chúng tôi ngước nhìn lên bóng điện treo giữa nhà, ánh sáng điện yếu ớt chỉ đủ làm đỏ dây tóc bóng điện. Để tận dụng ánh sáng tự nhiên, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hầu hết các hộ dân dùng một vài tấm nhựa hoặc lấy vỏ chai nhựa lợp vào giữa nhà và các góc. Tuy vậy người dân chỉ tận dụng được ánh sáng ban ngày, còn ban đêm bản chìm trong bóng tối, những tia sáng đèn pin hay đèn dầu như những con đom đom sáng lập lòe trong đêm. 

Chưa có điện, người dân thiếu thốn đủ bề. Bên cạnh đó, đường sá đi lại không thuận tiện, ruộng nương trên những ngọn đồi cao, vì vậy người dân khó có thể đưa máy móc cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bà con chủ yếu vẫn dùng máy tuốt lúa đạp chân, dùng sức trâu để cày ruộng. Bản có 3 - 5 chiếc máy cày dùng được ở những ruộng lúa cấy 2 vụ. Đường ra trung tâm xã chưa được bêtông hóa nên việc vận chuyển hàng hóa của người dân còn nhiều khó khăn. Đường xa, những lúc ốm đau, người dân chỉ biết ở nhà tự chữa. Đối với các em nhỏ, hỏi chợ là gì? Các em cũng không biết, vì hiếm khi các em được đi chợ huyện cùng với bố mẹ… Còn nhiều điều thiếu thốn, khó khăn của người dân nơi đây mà chúng tôi không thể diễn tả hết, chỉ biết là bà con “khổ lắm, nghèo lắm”. 

Thiết nghĩ, có điện, người dân mới được tiếp xúc với những thông tin qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, nâng cao trình độ dân trí; từ đó đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Có đường, người dân thuận tiện đi lại, dễ dàng mang hàng hóa đi bán, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Anh Sùng A Của - Trưởng bản Noong Quài cho biết: “Mong mỏi lớn nhất của bà con hiện nay là bản có điện, có đường để yên tâm lao động sản xuất. Cũng mong các cơ quan chức năng giúp người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để bà con sớm thoát nghèo”.

ĐINH ĐÔNG

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...