Thứ sáu, 19/04/2024, 10:19 [GMT+7]

Ánh lửa từ trái tim

Thứ hai, 27/06/2022 - 10:57'
Phóng sự là thể loại báo chí hấp dẫn, sang trọng bậc nhất. Đã có quan điểm cực đoan rằng tờ báo có nhiều phóng sự là tờ báo hay?! Mặc dù điều đó còn phải bàn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng một tờ báo hay nhất thiết phải có phóng sự hay! Với những ấn phẩm "binh thưa, tướng mỏng", muốn nuôi dưỡng mục phóng sự, cần sự can đảm đến mức liều lĩnh…

Lãnh đạo NHNN cho biết, rất thấu hiểu nhu cầu nới room tín dụng của các ngân hàng thương mại và cam kết sẽ tính toán lượng vốn bơm ra nền kinh tế một cách hợp lý. Ảnh: SeABank.

Nhà báo Lưu Phương Mai từng tám lần đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Theo dấu người đi trước

Còn nhớ, cuối năm 1991, khi Báo Nhân Dân chuẩn bị ra số Chủ nhật măng-sét (manchette) mầu xanh, thường gọi là số Chủ nhật xanh, nhà báo Đinh Thế Huynh, khi đó là Thư ký tòa soạn được Tổng Biên tập Hữu Thọ giao tổ chức thực hiện. Lúc đó, tôi là trợ lý biên tập, chuyên để "sai vặt" ở Ban Thư ký-Biên tập, được nghe nhà báo Đinh Thế Huynh chia sẻ: Lo nhất là mục phóng sự! Cả Báo Nhân Dân hơn ba trăm cán bộ, tính ra không có nổi đến mười người viết được phóng sự. Những "cây phóng sự" được điểm tên hồi ấy có Đỗ Quảng, Nguyễn Kiến Phước, Kim Anh, Thế Văn, Tuấn Phong, Phạm Thanh Hà… Đám tập tọe Song Hà, Quốc Trường… và tôi, chưa "đủ tuổi" vào danh sách.

Số Nhân Dân Chủ nhật xanh đầu tiên với bài phóng sự trang nhất: Những bữa cơm nước mắt nụ cười do chính nhà báo Đinh Thế Huynh thực hiện. Bài báo viết về bữa cơm từ thiện cho trẻ lang thang. Đúng phong cách truyền thống Báo Nhân Dân: lãnh đạo luôn đi đầu tự tay thực hiện những tác phẩm báo chí mẫu mực, định hướng. Dù rất bận rộn, nhà báo Đinh Thế Huynh thường dành ba giờ mỗi ngày chỉ để biên tập bài phóng sự, nhuận sắc từng ý, trau chuốt từng câu. Bằng những bài viết cụ thể, bằng thái độ tận tụy lăn xả với nghề, anh đã đánh thức, lôi cuốn những đam mê sinh tử của đồng nghiệp, của cộng tác viên. Mục phóng sự của Nhân Dân Chủ nhật xanh hay lên, chững chạc hẳn lên qua từng số báo.

Giữ lửa nghề

Cố nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã từng nói: Nếu như rất khó để đồng nghiệp ngả mũ vì tài năng thì chúng ta luôn luôn có thể buộc đồng nghiệp ngả mũ vì mồ hôi ta đổ ra cho mỗi bài viết!

Có thể nói rằng, mục phóng sự của Báo Thời Nay luôn đẫm mồ hôi phóng viên, cộng tác viên. Những cây phóng sự của Thời Nay luôn "trên từng cây số"! Ninh Nguyễn với chuyến đi dọc biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến ngã ba biên giới A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên) gần 1.700km bằng xe máy, hay hơn một tháng lênh đênh trên biển để viết loạt phóng sự Khơi Nam Côn Sơn, Lưu Phương Mai cũng từng tám lần ra Trường Sa và Nhà giàn DK1. Mai còn là một "phượt thủ" số má với nick name Nhúc Nhích in dấu chân khắp mọi miền Tổ quốc và có rẽ qua hơn 20 quốc gia. Mai Tâm Hiếu với chuyến đi hơn 3.600 km trong hơn một tháng qua lại biên giới Việt-Lào với loạt phóng sự chống ma túy từ trên đất bạn. Nhà báo Minh Thư (Báo Nhân Dân) thân thuộc đến từng bản làng miền Tây xứ Nghệ…

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết: Những tòa soạn báo lớn như The New York Times thường chi khoảng 150 nghìn USD cho một loạt bài phóng sự điều tra. Nếu tính về hiệu quả kinh tế thường là không hiệu quả, nhưng các tòa soạn lớn vẫn xác định phải duy trì thể loại này.

Đầu năm 2019, tôi cùng phóng viên Mai Tâm Hiếu đang ở Hà Giang để điều tra về những sai phạm tại thủy điện Sông Miện 5 thì thấy Hiếu nhận được tin nhắn của "cây phóng sự" Lưu Phương Mai: Em và Hải Vân đang ở Mường Tè, Lai Châu. Bọn em đang tiêu đến những tờ 2.000 (2000 đồng) cuối cùng! Khốn khổ, làm sao mà phải khổ đến thế! Ngay trong đêm, Mai Tâm Hiếu chuyển vào tài khoản ngân hàng của Lưu Phương Mai 5 triệu đồng kèm theo lời nhắn gửi "cứ yên tâm mà đi tiếp". Hóa ra, hành vi hào sảng ân cần ấy không mang lại hiệu quả thực tế. Lưu Phương Mai và Hải Vân đang ở... giữa rừng biên giới, làm gì có cây ATM nào để mà rút tiền! Hai nữ phóng viên vừa vét túi được 7.000 đồng kèm theo... thẻ nhà báo để năn nỉ cây xăng đổ cho cái xe máy đi mượn của đồn biên phòng một... cốc xăng mong ra tới đường ô-tô rồi... tính tiếp.

Mượn danh cha chú, tôi vẫn thường dạy dỗ, quát tháo đám phóng viên trẻ rằng: Nhà báo chuyên nghiệp phải luôn biết bảo đảm an toàn cho bản thân, nếu liều lĩnh thì cũng phải là những liều lĩnh có tính toán. Làm tốt công việc của nhà báo là đóng góp lớn nhất cho cộng đồng, giúp đỡ người nghèo một cách hiệu quả nhất.

Thật ra các bạn phóng viên ấy đều đã hơn chục năm làm báo. Đi học tây tàu đủ cả (Hải Vân có hai bằng thạc sĩ ở Pháp, Lưu Phương Mai là thạc sĩ ở Trung Quốc và tham gia rất nhiều khóa đào tạo báo chí quốc tế). Các bạn ấy biết cả, thậm chí còn biết hơn những điều tôi nói. Đi công tác cùng các bạn vài chuyến, toàn vùng xa, vùng sâu, tôi hiểu rõ ràng điều ấy. Mới đây, đi điều tra về lao động trẻ em trong các công xưởng, lặn lội về thăm nhà các cháu ở Hà Giang, Điện Biên đã chuẩn bị mấy túi bánh kẹo làm quà, thấy gia cảnh nghèo quá lại thấy mấy đứa móc túi biếu thêm tiền mỗi gia đình. Thỉnh thoảng lại thấy Lưu Phương Mai gãi đầu gãi tai vay mượn tạm ứng để đón một đồng bào vùng xa, vùng sâu về xuôi chữa bệnh. Thu nhập ở Báo Nhân Dân không cao, nhuận bút mỗi bài ký, phóng sự chỉ tương đương 50-70 USD (xấp xỉ hơn 1 triệu đồng) mà cứ buộc lòng mình với mỗi "nơi ta đã qua, người ta đã gặp" (tên một chuyên mục trên Báo Thời Nay) làm gì chẳng có lúc túng bấn, thiếu trước hụt sau. Điều trùng hợp là cả ba "cây phóng sự" của Báo Thời Nay Lưu Phương Mai, Ninh Nguyễn và Mai Tâm Hiếu đều thuộc loại ấm no đột xuất, đói nghèo thường xuyên! Cả ba bạn đều đã giành nhiều giải báo chí quốc gia. Thôi thì đành an ủi: đói nghèo là trang sức danh giá nhất cho vinh quang!

Nhà báo Đinh Thế Huynh từng tâm sự: Nghề báo khó nhất là giữ lửa nghề! Khi trái tim đã khô cằn, nhà báo coi như đã chết! Đã từng là một phóng viên, rồi may mắn được quản lý nhiều cây bút, cây phóng sự điều tra, tôi vẫn luôn tâm niệm nghĩa vụ lớn nhất của một tòa soạn chính là nuôi giữ lửa nghề cho mỗi phóng viên. Bây giờ, cũng có những lúc mệt mỏi vì tuổi tác, vì những điều ngang trái, nhớ lời bài hát: "đi theo ánh lửa từ trái tim mình", tôi vẫn nương theo ánh lửa trái tim của những đồng nghiệp trẻ, những "đứa" mà tôi vẫn thường chia sẻ, chỉ bảo, thậm chí vì nghề mà quát tháo để cùng nhau dấn bước.

Cập nhật Thứ Hai, 20-06-2022, 15:35/Trung Chính/https://nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...