Thứ sáu, 19/04/2024, 01:28 [GMT+7]

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở vùng sâu, vùng xa

Thứ bảy, 30/05/2020 - 17:23'
(BLC) - Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng huyện Mường Tè luôn triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Qua đó, hạn chế trường hợp bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Đến thăm bếp ăn bán trú của các đơn vị trường thuộc xã Pa Ủ, chúng tôi thấy việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện đúng quy trình từ khâu chọn lựa, chế biến đến ăn uống. Bếp nấu, nhà ăn đều được vệ sinh, lau chùi sạch sẽ; các vật dụng khác như nồi chảo, bát đĩa đều được đảm bảo vệ sinh. Thức ăn sau khi chế biến xong sẽ được đưa tới bàn có dụng cụ che đậy, tránh ruồi, muỗi và đến giờ ăn các em học sinh được rửa tay sạch sẽ. Anh Nguyễn Văn Hào - Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Pa Ủ cho biết: Ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã lựa chọn, ký kết với các đơn vị uy tín về cung cấp nguồn thực phẩm; cùng với đó, tận dụng thêm quỹ đất của đơn vị để trồng rau, nuôi lợn, gà... nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho học sinh. Trong quá trình chế biến, nhà trường lưu mẫu kiểm tra và có tủ bảo quản, học sinh được đảm bảo ăn 3 bữa/ngày và nhiều năm nay nhà trường chưa xảy ra trường hợp nào về ngộ độc thực phẩm.

                                   Cán bộ Trạm Y tế xã Pa Ủ kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường PTDTBT-THCS Pa Ủ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Pa Ủ kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại Trường PTDTBT THCS Pa Ủ.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cán bộ thuộc Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện không quản ngại khó khăn đến với các xã, bản xa xôi để tuyên truyền, vận động người dân không nên sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, thực phẩm ôi thiu, thường xuyên ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ nơi chế biến thức ăn, không sử dụng các loại cây, củ chưa nắm rõ về chế biến thực phẩm. Trong trồng trọt, khi sử dụng các sản phẩm hóa học như phân bón, thuốc trừ sâu... nên sử dụng đúng liều lượng và không  làm ảnh hưởng đến nguồn nước. Các cán bộ còn hướng dẫn người dân cách nhận biết các sản phẩm không đảm bảo chất lượng để bà con dân bản tránh không tiếp xúc. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn tuyên truyền ở các đơn vị trường học để các thầy, cô giáo quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của các em.

Khi nhận thức của người dân ở vùng cao thay đổi, bà con không còn dễ dãi trong việc chọn lựa sản phẩm mà chú ý quan sát bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ... đặc biệt là hạn sử dụng. Những lúc đi rừng, lên nương những cây quả không rõ nguồn gốc ít khi được người dân hái mang về. Bà con dân bản còn tích cực sản xuất, tăng cường sử dụng những sản phẩm mà mình làm ra trong bữa ăn của gia đình. Anh Chang Văn Tân - bản Lãng Phiếu (xã Nậm Khao) chia sẻ: Được cán bộ huyện, xã vận động, dân bản biết được những tác hại của việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, ôi thiu và luôn xem kỹ sản phẩm mỗi khi mua về chế biến, còn đối với vật nuôi bị dịch bệnh chết phải đem chôn, tiêu hủy, chứ không sử dụng làm thức ăn. Bà con trong bản còn thường xuyên vệ sinh các bể nước tập trung, di dời chuồng trại xa khu dân cư, bếp nấu ăn. Riêng bản thân tôi luôn nhắc nhở người thân trong gia đình thường xuyên vệ sinh bếp nấu và mua thức ăn, đồ uống nên xem kỹ sản phẩm.

Mỗi năm từ 3 đến 4 đợt, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành tổ chức các đợt kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ, cửa hàng kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể ở các xã như: kiểm tra giấy phép kinh doanh, sử dụng máy để test nhanh các sản phẩm, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Đoàn còn lập các chốt kiểm tra, kiểm dịch các mặt hàng lưu thông vào huyện, xã để ngăn chặn dịch bệnh. Kiểm tra các lò mổ động vật, các trang trại, vườn rau, mô hình cây ăn quả, đánh giá việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến, sản xuất. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện kiểm tra các bếp ăn tập thể ở các trường, việc lưu mẫu thực phẩm, các thiết bị dự trữ và nơi cung cấp nguồn thực phẩm cho nhà trường, đảm bảo không để xảy ra vụ ngộ độc nào trong học đường.

Anh Lỳ Go Ky – Phó Phòng Y tế huyện Mường Tè cho biết: Để không xảy ra vụ việc nào về mất an toàn thực phẩm, công tác tuyên truyền, vận động luôn được Đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường triển khai; thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các sai phạm; chủ động lập kế hoạch, tham mưu lên UBND huyện các biện pháp đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ triển khai nhiều biện pháp để người dân an tâm trong việc sử dụng các sản phẩm.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...