Thứ sáu, 26/04/2024, 00:43 [GMT+7]

Đổi mới phương pháp dạy học

Chủ nhật, 28/02/2021 - 22:54'
(BLC) - Thực hiện soạn giảng, dạy và học theo phương pháp mới gắn với dạy học trải nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp được Trường THCS xã Phúc Than (huyện Than Uyên) tích cực triển khai, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Mục sở thị tiết học lịch sử của cô và trò lớp 7A5, Trường THCS xã Phúc Than, chúng tôi thấy giáo viên sử dụng máy chiếu linh hoạt, hiệu quả. Học sinh hứng thú học tập; thực hiện kĩ năng hoạt động các phương pháp khá tốt, mạnh dạn và tự tin tham hoạt động. Giờ học được tổ chức theo phương pháp dạy học tích cực, rõ ràng các bước hoạt động, chú trọng rèn kĩ năng tổ chức hoạt động nhóm và hoạt động học tập tích cực đối với học sinh.

Được biết, trường còn chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện dạy học đổi mới tích cực gắn với dạy học trải nghiệm. Theo đó, Tổ khoa học xã hội (KHXH) thường xuyên gắn các tiết học ở môn địa lý với chủ đề: trồng và sản xuất chè, chăn nuôi ở xã Phúc Than. Hoạt động thiết thực, ý nghĩa này giúp học sinh được trực tiếp tham gia trải nghiệm trồng, sản xuất chè, chăn nuôi trâu, bò, gia cầm. Đồng thời, nắm bắt kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, mô hình kinh tế của nông dân, từng bước định hướng nghề nghiệp sau này cho bản thân.

Cô giáo Phạm Thị Lan – Phó hiệu trưởng, Tổ trưởng Tổ KHXH Trường THCS xã Phúc Than chia sẻ: “Việc thực hiện soạn giảng, dạy và học theo phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học trong năm học 2020-2021 đối với nhà trường nói chung và Tổ KHXH nói riêng đã được áp dụng tích cực từ đầu năm. Theo đánh giá chung bộ phận chuyên môn, các giáo viên tích cực áp dụng phương pháp dạy học theo chủ trương dạy học đổi mới của ngành. Việc dạy và học theo phương pháp dạy học tích cực của nhà trường trong năm học này đã có sự chuyển biến tích cực; giúp học sinh tiếp thu và hiểu rõ bài học, định hướng một phần nghề nghiệp của các em”.

Tiết sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học môn toán lớp 7 của tổ khoa học tự nhiên.

Tiết sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học môn toán lớp 7 của Tổ khoa học tự nhiên.

Năm học 2020-2021, Trường THCS xã Phúc Than có 22 lớp, 830 học sinh, trong đó 146 học sinh bán trú. Xuất phát từ chủ trương của ngành Giáo dục huyện Than Uyên về đổi mới phương pháp dạy học, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết và sát thực tế; chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện việc dạy học định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Ở mỗi môn học, các tuần, tháng, các tổ đều xây dựng kế hoạch triển khai và báo cáo lên Ban Giám hiệu tiến độ thực hiện. Đồng thời, vận dụng linh hoạt hiệu quả từ việc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, dạy sát đối tượng vùng miền, kiến thức trọng tâm và gắn với thực hành, trải nghiệm sản xuất kinh doanh, phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

“Ngoài đổi mới, nâng cao năng lực chuyên môn, giáo viên tự bồi dưỡng, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương duy trì tỷ lệ chuyên cần. Thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; giáo viên hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học” - cô giáo Phạm Thị Lan chia sẻ thêm.

Nhà trường xây dựng kế hoạch hàng tuần như: thứ 2 bồi dưỡng học sinh giỏi; thứ 3, 4, 5 phụ đạo học sinh yếu kém và học sinh bán trú học buổi tối 2 tiếng có giáo viên hướng dẫn. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm khích lệ học sinh đến lớp, đến trường. Duy trì, đổi mới đa dạng và sáng tạo hoạt động sinh hoạt dưới cờ; tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tích cực mặc trang phục truyền thống dân tộc vào ngày thứ 2 trong tuần, tạo môi trường học tập vui vẻ, thân thiện, tích cực.

Cô giáo Phạm Thị Hoà, giáo viên môn địa lý tâm sự: “Thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, trong đó lồng ghép nhiều nội dung dạy học trải nghiệm gắn với sản xuất kinh doanh, bản thân tôi tăng cường tự bồi dưỡng chuyên môn bằng việc thường xuyên nghiên cứu tài liệu, phương pháp dạy học mới, nhất là gắn lý thuyết với thực tiễn. Đặc biệt, tôi luôn tìm hiểu tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương để có sự liên hệ giữa các bài học gắn với trải nghiệm sản xuất kinh doanh giúp học sinh hiểu, nắm rõ bài học, vận dụng kiến thức vào nghề nghiệp sau này”.

Chú trọng đổi mới trong phương pháp dạy học, học kỳ I năm học 2020 - 2021, Trường THCS xã Phúc Than có 96,6% học sinh đạt học lực trung bình trở lên, trong đó 67,1% khá, giỏi; 100% học sinh có hạnh kiểm từ trung bình trở lên; tỷ lệ chuyên cần 96%. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường nói riêng và huyện Than Uyên nói chung.

Uyên Linh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...