Thứ tư, 17/04/2024, 06:36 [GMT+7]

Ở nơi ý chí cao hơn núi

Thứ sáu, 27/01/2023 - 14:38'
Hố Mít tuy cách trục quốc lộ 32 không xa nhưng chưa bao giờ là xã hết khó khăn của huyện Tân Uyên. Nơi đây địa hình chia cắt, chênh vênh, có nhiều ngọn núi lừng lững mang hình hài các con vật (núi sư tử, núi con cóc hay núi yên ngựa). Nhưng, dẫu núi cao đến đâu cũng không bằng ý chí của trên 691 hộ dân (trong đó 97% dân tộc Mông) của xã Hố Mít luôn miệt mài trên con đường xóa cái đói, giảm cái nghèo.

Ai đó chỉ cần một lần đến Hố Mít, đặt chân đến trụ sở UBND xã cũng đã thấy thấp thoáng những gian nan xuất hiện ở đây rồi. Địa hình hiểm trở, chia cắt, cheo leo nên tuổi thọ của những con đường cũng rất ngắn. Đầu tư đó, nhưng với độ dốc cao, vực sâu, mùa mưa, nước chảy xiết nên dễ xói mòn hư hao, giảm công suất sử dụng. Dù đã được tỉnh, huyện quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư giao thông, thủy lợi nhưng vẫn không tránh khỏi những thời điểm, nhiều nơi xuống cấp, hư hỏng nặng. Hoặc có khi mùa mưa đường sạt lở, những bản xa chia cắt tạm thời với khu vực trung tâm.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó, theo số liệu báo cáo của xã, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực chỉ có 553ha, trong đó với ít ỏi 45ha lúa vụ đông xuân và 305ha lúa mùa. Nếu tính trung bình, mỗi hộ chưa nổi 0,5ha đất sản xuất lúa mùa, vậy nên việc đảm bảo an ninh lương thực của xã luôn là những trăn trở cần phải tìm hướng đi mới cho bà con sản xuất, tạo ra của cải vật chất, đảm bảo cuộc sống cho mình. Bao nhiêu năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện cũng như xã không ngừng tìm kiếm những cách thức sản xuất phù hợp và hiệu quả giúp người dân. Và, những gì được chứng kiến trong những ngày xuân đang cận kề trên những đỉnh núi ở Hố Mít đã cho chúng tôi thấy rõ hơn ý chí mãnh liệt cũng như khát vọng vượt qua chính mình của đồng bào các dân tộc nơi đất này.
Có người nói người dân Hố Mít giờ xem rừng như chính đồng đất quê hương, điều này quả không sai. Bởi, đồng đất ít, đất rừng nhiều, muốn rừng đem về nhiều thóc, nhiều ngô đảm bảo cuộc sống thì phải yêu lấy rừng thôi. Theo số liệu đến hết năm 2021, xã có 686 hộ nhưng được nhận tới 4,5 tỷ đồng từ chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích trên 4.300ha rừng. Nâng cao ý thức bảo vệ kết hợp với tích cực trồng rừng, đến nay, tỷ lệ che phủ rừng toàn xã đạt 62,99% (vượt xa mức trung bình của tỉnh). Mùa xuân này, đồng bào dân tộc Mông trên những rẻo cao vui xuân không quên nhiệm vụ canh gác rừng, bởi xuân Tây Bắc hanh hao nắng vàng lẫn với gió, nếu lơ là thì “giặc lửa” có thể xâm chiếm màu xanh của rừng bất cứ lúc nào.

Nuôi ong lấy mật đang là hướng phát triển kinh tế của nhiều hộ dân xã Hố Mít (huyện Tân Uyên).

Để minh chứng cho ý chí bền bỉ của đồng bào, anh Bùi Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã hồ hởi “khoe” với chúng tôi nhiều mô hình kinh tế hấp dẫn, là những nét chấm phá trong bức tranh kinh tế của xã. Anh nói: “Hố Mít nay đã có nhiều “thành tích” để sánh cùng các xã trong huyện rồi. Bà con không còn tự bằng lòng, tự mãn, mà có khát vọng vươn tới những gì cao hơn, xa hơn. Nào mô hình dược liệu ở bản Thào, mắc-ca, chè ở bản Khau Riềng, Mít Nọi; trồng rau cải tím lấy hạt hay làm trang trại chăn nuôi trâu, bò... Ruộng đồng không đủ diện tích làm ra lúa, ngô nên bà con phải chuyển đổi phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu có tín hiệu đáng mừng”.
Người thật, việc thật, anh đưa chúng tôi đi thăm quan mô hình nuôi dê ngay tại bản Trung tâm, cách trụ sở UBND xã không xa. Con đường bêtông uốn cong như dải lụa mềm dẫn chúng tôi vào tận nhà anh Vì Văn Thu. Khi chúng tôi vừa đặt chân vào thăm khu nuôi dê của gia đình cũng là lúc anh Thu đi cắt cỏ voi về đến sân. Cử chỉ nhanh thoăn thoắt, trong giây lát, bó cỏ voi đã được anh cho vào máy cắt thái nát và mang ra tận chuồng cho đàn dê ăn. Trên 30 con dê béo, lông mướt tranh nhau ăn với những tiếng lộc cộc trên sàn gỗ, chúng tôi hiểu vợ chồng anh Thu đã phải học hỏi, dày công làm hệ thống chuồng trại chăn nuôi tiến bộ này như thế nào.
Anh Thu mở lời bằng giọng chất phác thật thà: “Tôi xa quê, đi nhiều nơi, học nhiều điều, làm nhiều việc, nhưng chỉ với mô hình nuôi dê tôi thấy phù hợp nhất. Tháng 10/2021, tôi mua 2 con dê giống tận tỉnh Vĩnh Phúc về phối giống với giống dê địa phương. Sau hơn 1 năm nuôi, tôi thấy đây là loại gia súc phù hợp với điều kiện chăn nuôi và kinh tế của gia đình, ăn cỏ nhiều, không kén thức ăn và không cần nhiều thức ăn tinh; đầu ra ổn định nên hiện tại tôi chưa gặp khó khăn nhiều. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng quy mô để cung cấp dê thương phẩm và con giống cho nhiều hộ trong bản, xã cùng chăn nuôi”.
Mùa xuân là mùa đi lấy mật của ong, cũng là mùa đem lại những “trái ngọt” cho những ông chủ vườn ong. Mật ong ở Hố Mít khác nhiều so với nơi khác về chất liệu, là bởi nguồn hoa rất đa dạng và chủ yếu trên những cánh rừng già. Mật hoàn toàn tự nhiên và một năm chỉ lấy 1 lần/thùng; lấy vào mùa khô nên mật đặc và chất lượng. Nếu trước đây mỗi nhà chỉ để vài thùng cho ong về làm tổ, lấy mật dùng thì đến nay, toàn xã đã có khoảng 600-700 thùng, trong đó 90% đặt trên rừng để lấy mật hoa tự nhiên. Gia đình anh Giàng A Phình (bản Thào) là hộ có tổng số thùng ong lớn nhất (130 thùng) với thâm niên nuôi ong lên tới hàng chục năm. Với sự độc đáo riêng biệt, mật ong Hố Mít được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021. Mật làm ra không đủ cung ứng cho thị trường.
Chiều ở Hố Mít xuống nhanh bởi những đỉnh núi cao che mặt trời sớm. Cái lạnh cũng buông xuống tự lúc nào, nhưng lòng người luôn ấm. Là vì nơi đó không chỉ dạt dào tình cảm chân chất, mộc mạc của đồng bào, mà còn bởi ý chí quyết tâm vươn lên dẫu có muôn ngàn ngăn trở, chông gai.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...