Thứ bảy, 20/04/2024, 06:12 [GMT+7]

Bài toán thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư

Thứ sáu, 07/08/2020 - 14:35'
Cấp ủy, chính quyền huyện Than Uyên tập trung triển khai nhiều giải pháp thực hiện tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư. Nhưng, đến thời điểm này, đây thực sự là một bài toán khó đối với huyện vì số lượng nhà tạm, nhà dột nát còn nhiều, tập trung ở các xã nghèo, trong khi các hộ nghèo không có nguồn lực để thực hiện.

Tiêu chí nhà ở dân cư là một trong những tiêu chí quan trọng của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần nâng cao chất lượng đời sống của từng hộ dân, giúp diện mạo nông thôn khang trang, đổi mới. Những năm qua, nhằm hỗ trợ thực hiện tiêu chí về nhà ở, huyện Than Uyên chú trọng khâu rà soát các hộ có nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn để lập danh sách; đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp cùng chính quyền các xã, đội ngũ người uy tín trong cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang ở địa phương cùng vào cuộc vận động các hộ gia đình có nhà tạm tập trung nguồn lực để thực hiện xóa nhà tạm; khi xây dựng nhà ở quan tâm đến các loại hình công trình phụ trợ như: bếp ăn, công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi... bố trí sao cho thuận lợi trong việc sinh hoạt gia đình.
Ông Lò Văn Hương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, huyện quan tâm lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ về nhà ở của Chính phủ, các tổ chức. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; huy động lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên, công chức, viên chức, đóng góp ngày công hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ gia đình. Đồng thời, chỉ đạo các xã, các phòng chuyên môn, chức năng hỗ trợ tối đa về cây, con giống giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để có nguồn lực xây dựng nhà ở; tập trung triển khai các mô hình, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.

Lãnh đạo xã Tà Mung (huyện Than Uyên) vận động hộ nghèo bản Lun 2 xóa nhà tạm.

Huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông liên xã, liên bản tạo điều kiện thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên vật liệu vào từng hộ dân.
Được biết, toàn huyện Than Uyên có 12.239 hộ/11 xã, trong đó có 1.179 hộ nhà tạm, nhà dột nát cần được xóa. Từ năm 2016 đến nay, huyện mới xóa được 575 nhà tạm với tổng kinh phí thực hiện trên 14 tỷ đồng, còn lại 604 nhà tạm ở 11 xã chưa được xóa. Vì các hộ có nhà tạm đều thuộc diện hộ nghèo, hộ đơn thân; trong khi đó nguồn lực hỗ trợ làm nhà ở từ các chương trình, dự án chỉ ở mức độ tương đối, cần có thêm nguồn kinh phí từ các hộ gia đình để đảm bảo theo quy định “3 cứng” là nền cứng, khung cứng, mái cứng, diện tích nhà ở đạt từ 10m2/người trở lên.
Đồng chí Lê Văn Minh - Bí thư Đảng ủy xã Tà Hừa cho hay, hiện nay xã còn 9 hộ có nhà tạm. Mặc dù, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã đến tận hộ gia đình giải thích, tuyên truyền, vận động nhưng các hộ không có đủ điều kiện kinh tế, nguồn lực để thực hiện xóa nhà tạm.
Mặt khác, một số hộ dân còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ hoàn toàn từ Nhà nước; một số trường hợp lấy lý do không hợp tuổi nên bàn lùi năm này sang năm khác; nhiều người lại có tâm lý e ngại, lo sợ vay vốn làm nhà xong không thể trả nợ.
Bà Lường Thị Hịa (bản Lun 2, xã Tà Mung) chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo đã nhiều năm nay, chồng mất sớm, một mình tôi nuôi 3 con. Hiện nay, con gái lớn đã đi lấy chồng nhưng vẫn về đây ở với tôi. Nhà nghèo, bữa ăn hàng ngày còn tạm bợ, huống chi xây nhà cần khoản tiền lớn. Tôi chỉ lo, vay vốn ngân hàng làm nhà xong, tôi không làm gì ra tiền để trả nợ vì ruộng có mấy trăm mét vuông, diện tích đất nhà hạn hẹp nên không chăn nuôi được nhiều.
Nhiều chuyến công tác vào các bản khó khăn của các xã, chúng tôi chứng kiến được cuộc sống còn thiếu thốn đủ bề của người dân. Tài sản đáng giá nhất trong nhà là những bao lúa, bao ngô mới được thu hoạch về; đến mùa giáp hạt, bữa ăn chỉ có cơm trắng, rau luộc còn không đủ no.
Quả thực tiêu chí nhà ở dân cư là một bài toán khó không chỉ riêng đối với huyện Than Uyên mà còn là tình trạng chung của nhiều huyện trong tỉnh. Được biết, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổng hợp, rà soát các hộ có nhà tạm, dột nát trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng chung tay xóa nhà tạm; đồng thời tăng cường triển khai thực hiện công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực, phát huy hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh, huyện trên tinh thần “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ và cộng đồng giúp đỡ”. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Để giải được bài toán nhà ở dân cư, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, các doanh nghiệp, tấm lòng hảo tâm giúp đỡ và đặc biệt là ý thức tự lực, vươn lên của các hộ nghèo, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Có như vậy, chất lượng đời sống của các hộ mới từng bước được nâng lên; diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc, xã hội phát triển không còn đói nghèo.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...