Thứ sáu, 29/03/2024, 20:04 [GMT+7]
Nhân ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3):

Bệnh lao kháng thuốc - vấn đề cần được quan tâm

Thứ tư, 24/03/2021 - 21:51'
Theo BSCKI. Nguyễn Văn Lương - Phó trưởng Khoa Lao (Bệnh viện Phổi tỉnh), lao kháng thuốc là tình trạng bệnh mà vi khuẩn lao kháng lại một hoặc nhiều loại thuốc chống lao khiến việc điều trị trở nên khó khăn và bản thân bệnh nhân trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng.

Nguyên nhân chính do một số bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị. Quá trình điều trị dở dang, bệnh không khỏi mà còn nhanh tái phát trở lại. Nguy hiểm hơn còn có trường hợp siêu kháng thuốc, tức kháng thêm với cả kháng sinh thế hệ 2 - loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc. Không chỉ chịu hàng loạt tác dụng phụ tổn hại trầm trọng đến sức khỏe, điều trị lao kháng thuốc còn tốn kém gấp hàng chục lần so với bệnh lao thông thường. Hơn nữa, bệnh lao chỉ cần chữa trong 6 tháng với tỷ lệ khỏi cao tới 91% nhưng với lao kháng thuốc, phác đồ tiên tiến nhất cũng phải kéo dài 9 tháng mà tỷ lệ khỏi chỉ 75%. Bệnh lao kháng thuốc rất nguy hiểm và đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo WHO, Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng cao nhất trên thế giới, xếp thứ 16/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao đa kháng thuốc nhiều nhất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi năm phát hiện từ 1 - 2 trường hợp bệnh nhân lao kháng thuốc. Tại Bệnh viện Phổi tỉnh hiện đang có 2 bệnh nhân lao kháng thuốc điều trị. Ông Phàn Diếu Sân (47 tuổi, ở xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) đang điều trị lao kháng thuốc cho biết: “Tôi nằm điều trị bệnh lao kháng thuốc tại Bệnh viện hơn 2 tháng nay, tuy được miễn phí thuốc điều trị, song thời gian điều trị dài cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ và gây tốn kém chi phí cho gia đình”.

Bác sỹ Bệnh viện Phổi tỉnh chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.

Bác sỹ Bệnh viện Phổi tỉnh chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.

Thực tế, điều trị bệnh lao kháng thuốc khó khăn hơn nhiều so với điều trị lao thông thường do thời gian điều trị dài, người bệnh phải điều trị phối hợp nhiều loại thuốc lao, tác dụng không mong muốn của thuốc cũng ảnh hưởng rất nhiều tới người bệnh, chi phí tốn kém. Nguy hiểm hơn nếu người bệnh không được phát hiện để điều trị thì sẽ là nguồn lây bệnh cho cộng đồng.
Năm 2020, toàn tỉnh có 3.661 lượt bệnh nhân nghi lao đến khám tại các tuyến đạt 98,3% kế hoạch; trong đó đã phát hiện 99 bệnh nhân lao AFB (+) đạt 77,3% và 42 bệnh nhân lao các thể khác. Năm 2019, số bệnh nhân lao dương tính đăng ký điều trị là 152 bệnh nhân, trong đó có 100 bệnh nhân được đánh giá điều trị khỏi đạt 90,1% (chương trình phòng, chống lao quốc gia đề ra là >85%). Tỷ lệ hoàn thành điều trị đạt 100% bệnh nhân.
Bệnh viện Phổi tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh lao; qua đó, người dân biết cách phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng. Đồng thời, tổ chức khám sàng lọc, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc lao, lao kháng thuốc để tiếp cận điều trị. Tăng cường quản lý người bệnh trong giai đoạn điều trị ngoại trú. Năm 2020, Bệnh viện Phổi tỉnh tiếp tục triển khai dịch vụ gửi tin nhắn SMS miễn phí thông báo thời gian uống thuốc, lấy thuốc, phòng chống lao tại cộng đồng cho bệnh nhân lao; triển khai gói kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử GeneXpert từ Bệnh viện Phổi Trung ương để phát hiện bệnh nhân lao, lao kháng thuốc, lao trẻ em. Bệnh viện triển khai công tác khám phát hiện, điều trị, quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh; kiểm tra giám sát tại các tuyến nhằm trực tiếp đánh giá hiệu quả công tác điều trị và quản lý bệnh nhân ngoại trú tại cơ sở, kịp thời nhắc nhở, sửa chữa những sai sót trong việc triển khai công tác phòng chống lao.
Để phòng bệnh lao nói chung, lao kháng thuốc nói riêng, những người mắc bệnh lao cần tránh tiếp xúc tập trung nơi đông người để phòng lây nhiễm lao cho cộng đồng. Thực hiện uống thuốc đầy đủ, đúng phác đồ điều trị, không được bỏ thuốc; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để việc điều trị bệnh lao đạt hiệu quả cao hơn; trẻ nhỏ cần được tiêm phòng lao đầy đủ; nơi ở phải thông thoáng, sạch sẽ; khi có các triệu chứng bất thường của cơ thể như: ho, sốt kéo dài, gầy sút cân… cần đến cơ sở y tế để được khám tư vấn và tiếp cận điều trị kịp thời nếu mắc lao.
Với sự phát triển của nền y học hiện đại, bệnh lao nói chung và bệnh lao kháng thuốc đều có thể chữa khỏi hoàn toàn. Điều cần thiết nhất là mỗi người dân trong cộng đồng cần có kiến thức về bệnh lao để biết cách phòng, chống và không xa lánh kỳ thị với người mắc lao.

Hồng Thơm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...