Thứ tư, 17/04/2024, 06:46 [GMT+7]

Cải cách hành chính: Đôi điều trăn trở

Chủ nhật, 30/06/2019 - 18:44'
(BLC) - Dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng công tác cải cách hành chính (CCHC) ở Lai Châu vẫn xếp ở nhóm các tỉnh có chỉ số thấp của cả nước. Điều này khiến các ngành chức năng luôn “căng mình”, nỗ lực tìm giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Nội vụ trăn trở: Công tác CCHC của Lai Châu hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc triển khai nhiều nội dung CCHC chưa quyết liệt, đồng bộ; thủ tục hành chính (TTHC) mặc dù đã được rà soát, đơn giản hóa nhưng một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC vẫn còn bất cập do chưa theo kịp được thực tiễn; vẫn còn tình trạng sách nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC; việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử chậm, kết quả khiêm tốn so với yêu cầu đặt ra… Chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SISAS) của tỉnh, mặc dù có cải thiện về điểm số nhưng thứ hạng giảm và xếp ở nhóm các tỉnh có chỉ số thấp của cả nước.

Theo phân tích của ngành chức năng, tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ những khó khăn trong thực hiện công tác CCHC nói chung và thực hiện cơ chế “một cửa” nói riêng. Với đặc thù là tỉnh miền núi cao, địa hình hiểm trở chia cắt phức tạp, dân số không tập trung, nhiều dân tộc, phong tục, tập quán khác nhau, giao thông đi lại không thuận lợi, trình độ, năng lực cán bộ cơ sở còn hạn chế... gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, lãnh chỉ đạo công tác cải CCHC và thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị cấp xã, bản.

Trình độ, năng lực của một bộ phận công chức làm công tác tham mưu trong thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được nâng cao. Do đó, chưa có sự đổi mới, sáng tạo, bứt phá trong công tác CCHC. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng một bộ phận công chức, viên chức, nhất là việc bố trí nhân sự cấp trưởng, cấp phó tại các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

 Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” xã San Thàng, thành phố Lai Châu.

Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” xã San Thàng, thành phố Lai Châu.

Việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là một vấn đề khó khăn cần nhiều thời gian, từng bước và có lộ trình cụ thể để bồi dưỡng, đào tạo lại hoặc giải quyết chế độ chính sách cho phù hợp. Bởi qua rà soát còn nhiều công chức, viên chức đang công tác có trình độ chuyên môn chưa phù hợp với vị trí việc làm, hoặc một số trường hợp dôi dư do sáp nhập, giải thể có trình độ chuyên môn không phù hợp với các vị trí việc làm còn thiếu trong các cơ quan, đơn vị.

Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW đặt ra yêu cầu tinh gọn theo nguyên tắc quy định số biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó cho từng tổ chức. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên trong quá trình thực hiện còn lúng túng và mới chủ yếu dừng lại ở sáp nhập cơ học, số lượng giảm chưa được nhiều. Kinh phí của tỉnh khó khăn nên chưa hỗ trợ, khuyến khích công chức, viên chức dôi dư sau sáp nhập cơ quan, đơn vị nghỉ tinh giản biên chế. Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập của một số lĩnh vực nên việc triển khai lúng túng và chưa kịp thời như ở các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế.

Các Bộ, ngành hiện đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý chuyên ngành trong việc tiếp nhận giải quyết TTHC như: phần mềm quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp; quản lý đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường; cấp giấy phép liên vận quốc tế, cấp đổi phù hiệu, biển hiệu, cấp giấy phép lái xe của Bộ Giao thông Vận tải; quản lý cấp phép đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Do vậy, việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các hệ thống phần mềm với Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử chưa thực hiện được. Cán bộ, công chức “một cửa” khi tiếp nhận hồ sơ phải đồng thời thực hiện rất nhiều khâu. Ví dụ như: một công chức tư pháp cấp xã khi tiếp nhận hồ sơ về hộ tịch, vừa phải nhập lên phần mềm quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp, vào sổ hộ tịch theo dõi và vừa phải nhập lên hệ thống “một cửa” tại cấp xã, vào sổ theo dõi “một cửa”…

Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh phí nên việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất và việc luân chuyển, điều động công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông ở một số đơn vị chưa phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động.

Trong bối cảnh chung của bộ máy hành chính, biên chế địa phương hạn hẹp nên đội ngũ công chức được giao thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa đồng đều (chủ yếu kiêm nhiệm), dẫn đến hiệu quả của công tác này hạn chế.

Trao đổi về giải pháp khắc phục những khó khăn trên, đồng chí Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Là đơn vị thường trực tham mưu UBND tỉnh về công tác CCHC, Sở Nội vụ đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường rà soát, đơn giản hóa TTHC, nhất là cắt giảm thời gian giải quyết TTHC liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan, đơn vị, tập trung vào các đơn vị sự nghiệp công lập. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ điều kiện theo quy định, sáp nhập các thôn, bản, tổ dân phố. Đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với CCHC, tinh gọn bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. Kiên quyết xử lý, sắp xếp những CBCCVC năng lực chuyên môn hạn chế, không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ cho nghỉ tinh giản biên chế hoặc thôi việc theo quy định. Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng CBCCVC nhằm lựa chọn được những người có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngoài ra, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, khách quan trong đánh giá, sử dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ CBCCVC. Bố trí kiêm nhiệm đối với những vị trí có thể kiêm nhiệm để tránh lãng phí biên chế. Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá theo tiêu chuẩn chức danh gắn với từng vị trí công việc và kết quả thực thi nhiệm vụ của CBCCVC. Lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ là thước đo chính.

Đồng thời, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi cho CBCCVC phát huy tính sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ. Quan tâm nâng cao đời sống cho đội ngũ CBCCVC để họ yên tâm công tác, tập trung trí lực, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBCCVC.

Tháo gỡ khó khăn trong CCHC trên địa bàn tỉnh là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh. Để thực hiện được hiệu quả vấn đề này cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.

Phương Thảo

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...