Thứ sáu, 26/04/2024, 06:14 [GMT+7]

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng dân số

Thứ hai, 14/09/2020 - 17:06'
Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (SLTS&SLSS) là biện pháp hữu hiệu để phát hiện, can thiệp sớm những dị tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Qua đó, giúp các cháu được sinh ra và lớn lên hoàn toàn khỏe mạnh.

Có mặt tại Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chúng tôi thấy có rất nhiều phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh đăng ký khám SLTS&SLSS. Trò chuyện với chị Má Thị Pa (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên) chúng tôi được biết, chị vừa sinh bé Giàng A Nam được 2 ngày tuổi và được bác sỹ tư vấn SLSS những bệnh lý bất thường ở trẻ nên chị đã đăng ký cho con lấy máu gót chân làm xét nghiệm.
Chị Pa tâm sự: “Lúc mang thai tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra và khám SLTS để biết con mình phát triển thế nào. Bây giờ sinh cháu ra, tôi cũng muốn làm xét nghiệm sớm, nếu con có mắc bệnh lý gì sẽ được can thiệp kịp thời”.
Chị Đặng Thị Diên (xã Phúc Than, huyện Than Uyên) từ khi biết mình mang thai, chị thường xuyên đi kiểm tra tại Trạm Y tế xã và khám SLTS tại bệnh viện huyện, tỉnh để chẩn đoán các dấu hiệu bất thường của thai nhi. Vào lúc thai kỳ được 16 tuần, chị Diên đi khám và xét nghiệm SLTS, các bác sỹ phát hiện thai nhi bị dị dạng, bánh rau dầy, nhiều biểu hiện của bệnh tan máu bẩm sinh. Gia đình chị đã được các bác sỹ tư vấn để có hướng xử trí kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe.

Cán bộ y tế Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) lấy máu gót chân để xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho trẻ.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGÐ) tỉnh phối hợp với các trung tâm y tế, đơn vị y tế tạo điều kiện để y, bác sỹ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về SLTS&SLSS; đào tạo nâng cao về siêu âm, kỹ thuật lấy máu gót chân trẻ sơ sinh; vận chuyển mẫu máu; kỹ năng tuyên truyền, vận động, quản lý đối tượng SLTS&SLSS cho viên chức làm công tác dân số, y tế bản. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ đang mang thai bằng nhiều hình thức: nói chuyện chuyên đề, lồng ghép trong sinh hoạt câu lạc bộ, hội, nhóm; trên hệ thống phát thanh - truyền hình tỉnh, huyện; truyền thông trực tiếp đến các xã, bản, khu phố… Tuyên truyền phụ nữ mang thai, định kỳ đi khám thai, siêu âm và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, rối loạn di truyền, chuyển hóa ngay trong giai đoạn bào thai. Vận động bố, mẹ, người giám hộ hợp pháp của trẻ sơ sinh lấy máu gót chân làm các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến rối loại nội tiết, chuyển hóa, di truyền bẩm sinh nhằm tránh tử vong hoặc hạn chế tối đa những hậu quả do bệnh lý gây ra.
BSCKI Hoàng Hải Hưng - Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGÐ tỉnh cho biết: SLTS&SLSS có rất nhiều lợi ích đến sức khỏe của thai nhi hoặc trẻ sơ sinh với hai quy trình tách biệt. Cụ thể SLTS được thực hiện bằng các xét nghiệm máu hoặc lấy bệnh phẩm từ thai nhi và siêu âm cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, 3 tháng giữa thai kỳ giúp phát hiện sớm các loại bệnh: Down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh… SLSS là biện pháp dự phòng hiện đại được tiến hành trong vòng 24 - 72 giờ sau khi trẻ được sinh ra, nhưng tốt nhất sau 48 giờ sinh. Thời điểm này, trẻ sẽ được nhân viên y tế lấy máu gót chân để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh như: thiếu men G6PD (bệnh gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động); suy giáp trạng bẩm sinh (bệnh rối loạn hoặc thiếu hụt tổng hợp hormone tuyến giáp, chậm phát triển trí tuệ)… Cả hai biện pháp sàng lọc trên đều rất cần thiết đối với sự phát triển toàn diện của trẻ và tránh những hậu quả xấu trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ.
Từ năm 2016 đến hết tháng 7/2020, toàn tỉnh đã thực hiện SLTS cho 2.863 phụ nữ mang thai. Qua sàng lọc chẩn đoán đã phát hiện 124 trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh, tật bẩm sinh. Trong đó 91 trường hợp nghi mắc hội chứng Down, 6 trường hợp nghi ngờ mắc hội chứng Edawrds, 3 trường hợp mắc hội chứng Patau, 23 trường hợp dị tật ống thần kinh, 7 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khác. SLSS cho 6.639 trẻ, đã phát hiện 768 trẻ nghi ngờ mắc bệnh tật bẩm sinh, trong đó 696 trường hợp nghi mắc bệnh thiếu men G6PD, 40 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh suy giáp bẩm sinh, 11 trường hợp nghi ngờ mắc các bệnh tật khác.
Được biết, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGÐ tỉnh đang tham mưu cho Sở Y tế, UBND ban hành Đề án thực hiện công tác dân số và phát triển tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, dự kiến đến năm 2025 có 30% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất và 50% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Để đạt được chỉ tiêu này, chi cục tiếp tục tham mưu cho tỉnh: Đầu tư kinh phí mua trang thiết bị (máy siêu âm màu xách tay). Hỗ trợ kinh phí thực hiện dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tăng cường đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các y, bác sỹ thực hiện chương trình SLTS&SLSS. Đẩy mạnh truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức của người dân và cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh gần dân hơn, hướng tới tất cả phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh đều được khám sàng lọc. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh

Tường Lam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...