Thứ tư, 24/04/2024, 11:46 [GMT+7]

Chế độ, chính sách cho học sinh bán trú: Nâng bước em đến trường

Thứ tư, 20/01/2021 - 11:54'
(BLC) - Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục huyện Tân Uyên có tổng số 32 trường trực thuộc với 17.539 học sinh. Tính đến 30/12/2020, toàn huyện có 5 trường phổ thông dân tộc bán trú, 4 trường có học sinh bán trú với số học sinh bán trú 2.467 em. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường nghiêm túc thực hiện đảm bảo chế độ, chính sách được Nhà nước, tỉnh hỗ trợ, đây là món quà ý nghĩa nâng bước các em đến trường.

Trường Tiểu học và THCS xã Tà Mít là trường liên cấp duy nhất của huyện. Năm học này, nhà trường có 383 học sinh, trong đó 107 học sinh bán trú. Mặc dù thuộc địa bàn vùng sâu, xa nhất huyện Tân Uyên, giao thông khó khăn nhưng với nguồn lực hỗ trợ, đầu tư của ngành Giáo dục, UBND huyện, cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, nuôi dưỡng bán trú được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu. Học sinh bán trú có đủ phòng ở, trang cấp thiết bị thiết yếu như: chăn, màn, chiếu… Với số tiền hàng tháng được nhận là 596 nghìn đồng/học sinh/ tháng từ Nghị định 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đối với học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Nghị định 116) cũng như 15kg gạo/tháng/học sinh theo Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND, ngày 10/12/2018 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học học và THCS ở các xã thuộc khu vực II không được hưởng chế độ theo Nghị quyết 116 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 19) giúp nhà trường tổ chức tốt bữa ăn bán trú và gia đình học sinh giảm bớt gánh nặng kinh tế khi cho con đi học xa nhà.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hoàng Đình Dũng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xã chỉ có 3 bản, tuy nhiên, bản Nậm Khăn cách trung tâm xã 15km, năm học này chúng tôi đưa học sinh khối lớp 4 - 5 tại điểm trường về ở bán trú. Là xã vùng sâu, giao thông khó khăn, giá cả thực phẩm khi đưa vào đến xã khá cao. Trong khi đó, các em ăn 3 bữa/ngày, với số tiền được hỗ trợ hằng tháng khó đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Nhà trường phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất trong các khối lớp nhằm góp thêm thực phẩm tươi sống và rèn kỹ năng sống cho học sinh. Hiện tại, nhà trường tận dụng diện tích đất trống quanh khuôn viên trồng rau xanh, nuôi gà và đang thử nghiệm mô hình nuôi chim cút. Nhờ có nguồn thực phẩm tại chỗ bổ sung, chúng tôi lên thực đơn khá dễ dàng và thay đổi thường xuyên món ăn cho các em. Không như các trường thuận lợi, đơn vị thường chỉ có thể nhập 1 tuần/lần thịt lợn, gà hoặc 2 lần/tuần từ nhà cung ứng tại thị trấn huyện, do đó tổ chức bữa ăn có thịt gà và lợn đầu tuần, giữa tuần đến cuối tuần ăn cá, lạc, đậu phụ, trứng. Trong quá trình chế biến, nhân viên nhà trường tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở tất cả các khâu. Ở bán trú, các em được thầy, cô giáo chăm lo chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ, rèn ý thức tự lập, sắp xếp đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập gọn gàng, ngăn nắp, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích, nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống chung, tự lập và tự tin trong giao tiếp. Bởi vậy, nếu như trước đây, việc huy động học sinh đến trường gặp rất nhiều khó khăn thì nay các em đi học đều đặn hơn, việc duy trì sỹ số của nhà trường luôn đạt cao.

Chia sẻ với chúng tôi, em Hoàng Thị Ban (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học và THCS xã Tà Mít) vui vẻ nói: Từ năm lớp 1 - 4 em học ở bản Nậm Khăn, năm học này về ở bán trú tại trường trung tâm. Ban đầu nhớ bố mẹ lắm nhưng ở đây được ăn rất ngon, buổi tối thầy, cô giáo hướng dẫn ôn bài và tổ chức nhiều trò chơi, văn nghệ, cuối giờ học lại cùng các bạn chăm sóc vườn rau, cho gà, chim cút ăn. Các bạn cùng phòng giúp nhau học tập, em dần quen và giờ không buồn nữa.

Được chăm lo chu đao, giúp học sinh bán tru Trường Tiểu học và THCS xã Tà Mít mỗi ngày ở trường đều là ngày vui.

Được hưởng các chế độ, chính sách giúp các em học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Tà Mít giảm bớt khó khăn khi đến trường.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngay từ đầu các năm học, UBND huyện Tân Uyên đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, UBND xã tổ chức hướng dẫn và triển khai thực hiện Nghị định 116 và Nghị quyết 19 đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh ở các xã, bản đặc biệt khó khăn các khoản được hỗ trợ như: tiền ăn, tiền nhà ở, gạo, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, tủ thuốc, thiết bị thể dục thể thao… Hình thức tuyên truyền phù hợp điều kiện thực tiễn từng đơn vị (cuộc họp toàn trường, họp phụ huynh học sinh, niêm yết công khai tại bảng thông tin của các nhà trường, thông báo tại cuộc họp bản). Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn đơn vị trường phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông có học sinh bán trú thực hiện nghiêm túc chế độ, chính sách hỗ trợ.

Theo đó, các đơn vị trường phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện, rà soát, hướng dẫn phụ huynh học sinh lập, thu hồ sơ, tổng hợp danh sách học sinh thuộc từng loại đối tượng được hưởng chế độ chính sách. Tham mưu thành lập Hội đồng xét duyệt và tổ chức thực hiện quy trình xét duyệt học sinh đủ điều kiện hưởng chế độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo đúng quy định. Căn cứ quyết định phê duyệt của UBND huyện, với định mức hỗ trợ tiền ăn của học sinh là 596 nghìn đồng/tháng (40% mức lương cơ sở) và hưởng không quá 9 tháng/năm học, các nhà trường thực hiện chi trả thông qua mua thực phẩm nấu ăn tập trung cho học sinh ở bán trú tại trường. Hồ sơ, chứng từ thanh toán kinh phí mua thực phẩm nấu ăn tập trung cho các em được lập đầy đủ, rõ ràng và lưu trữ theo quy định.

Định mức hỗ trợ gạo 15kg/học sinh/tháng và hưởng không quá 9 tháng, đảm bảo sử dụng hiệu quả, phù hợp điều kiện từng đơn vị, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu các nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh và thống nhất giữ lại gạo để tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh tại trường. Số lượng gạo ăn mỗi ngày của từng em, số ngày tổ chức nấu ăn tại trường, số lượng gạo không ăn hết nhà trường trả lại cho học sinh. Đồng thời, mở sổ kế toán theo dõi, ghi chép đầy đủ số lượng, giá trị, chất lượng gạo được hỗ trợ. Số học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú tập trung tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nậm Sỏ cũng đã được nhận hỗ trợ là 149 nghìn đồng/học sinh/tháng (10% mức lương cơ sở).

Huyện Tân Uyên có 10 xã, thị trấn, trong đó chiếm phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống không tập trung, đời sống còn nhiều khó khăn. Triển khai thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 và Nghị quyết 19 góp phần giúp đỡ gia đình học sinh bậc tiểu học, THCS ở các xã khu vực II, III trên địa bàn huyện giải quyết những khó khăn về kinh tế khi cho con đến trường. Tạo điều kiện giúp các em học tập, sinh hoạt trong điều kiện môi trường tốt hơn, nâng cao tỷ lệ chuyên cần, chất lượng phổ cập giáo dục. Hơn hết là rèn kỹ năng sống, giảm tình trạng học sinh bỏ học, góp phần nâng cao dân trí, duy trì vững chắc kết quả xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Điều đó minh chứng cụ thể bằng những con số rất ấn tượng: kết thúc năm học 2019 - 2020, bậc giáo dục tiểu học và THCS đều cơ bản thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu. Trong đó, tiểu học có chất lượng giáo dục 99,9% học sinh xếp loại hoàn thành tất cả các môn học và hoạt động giáo dục; 99,99% học sinh xếp loại đạt mức độ hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Giáo dục THCS có tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở lên đạt 99,94% (tăng 0,04% so với năm học trước); hạnh kiểm khá, tốt đạt 96,4% (tăng 1,0%); học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên đạt 97,6% (giảm 0,8%); 100% học sinh tốt nghiệp THCS. Đến thời điểm này, huyện Tân Uyên có 26 trường đạt chuẩn quốc gia, riêng năm học 2019 - 2020 có tới 19 trường được công nhận, trong đó 2 trường công nhận mức độ II.

Nam Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...