Thứ sáu, 29/03/2024, 21:46 [GMT+7]

Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Thứ sáu, 16/10/2020 - 10:00'
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh hiện chưa ghi nhận trường hợp nào bị mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Tuy nhiên, số ca mắc bệnh SXH đang có dấu hiệu tăng tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Gần đây nhất là tỉnh Sơn La, 8 tháng đầu năm nay đã có 58 ca mắc bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh SXH, ngành Y tế tỉnh Lai Châu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sớm. Trong đó, có công văn cảnh báo về bệnh SXH gửi đến các huyện, thành phố.

Ngành y tế tỉnh chủ động giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véc-tơ truyền bệnh như: điều tra ổ bọ gây nguồn, giám sát tính nhạy cảm của muỗi với hóa chất, chuẩn bị sẵn thuốc, vật tư, phương tiện, hóa chất, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ động phối hợp với ngành Giáo dục kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại các trường học nhằm hạn chế thấp nhất bệnh SXH lây lan trong học sinh. Đặc biệt, ngành Y tế có nhiều đổi mới trong công tác truyền thông phòng, chống bệnh SXH để phù hợp với từng địa phương như: qua hệ thống loa truyền thanh, loa di động, băngrôn, khẩu hiệu, đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và các cấp chính quyền.

Cán bộ y tế Trường Tiểu học Tân Phong (thành phố Lai Châu) hướng dẫn học sinh rửa tay phòng, chống dịch bệnh.

Trước đây, nhiều hộ gia đình trong xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) không vệ sinh nhà, phát quang bụi rậm, không khơi thông cống rãnh thoát nước, mỗi khi mưa xuống nước đọng thành vũng khu vực quanh nhà, tạo điều kiện cho bọ gậy sinh sôi và phát triển thành muỗi, dẫn đến nhiều người bị mắc bệnh SXH. Thời gian gần đây, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của bệnh SXH cũng như dấu hiệu nhận biết và cách phòng chống dịch bệnh nên ý thức của bà con trong xã được nâng lên.

Bà Sùng Thị Sinh (ở bản Sà Dề Phìn) tâm sự: “Được cán bộ y tế huyện, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động vệ sinh nhà, phát dọn xung quanh khu vực nhà ở và hướng dẫn cách ngủ màn nên bà con trong bản đã biết cách phòng, chống bệnh SXH cho bản thân và gia đình”.

Hiện nay, các trường học trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh SXH nhằm đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Một trong những trường học có cách làm hiệu quả là Trường Tiểu học Tân Phong (thành phố Lai Châu). Chị Lê Thị Hương - Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trẻ em thân nhiệt thường cao hơn người lớn hay ra nhiều mồ hôi, khiến muỗi dễ phát hiện và đốt. Bên cạnh đó sức đề kháng của trẻ yếu và chưa có ý thức phòng muỗi đốt nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đầu các năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh SXH vào thời gian hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ, lồng ghép trong lớp học. Phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố phun thuốc diệt muỗi trong khuôn viên nhà trường, lớp học; khử khuẩn tay nắm cửa, các bề mặt cửa tại các lớp học. Hàng tháng, hàng tuần, vận động giáo viên, học sinh vệ sinh lớp học, vệ sinh trong trường và xung quanh trường, thu gom rác thải và phân loại rác. Nhà trường hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng, tham gia vào các hoạt động trồng cây xanh, loại trừ loăng quăng, bọ gậy tại trường học. Đến nay nhà trường chưa có trường hợp giáo viên, học sinh bị mắc bệnh SXH”.

Bác sỹ CKI. Trần Đỗ Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh SXH thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 11, đỉnh dịch SXH thường rơi vào thời điểm tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày. Nguyên nhân gây bệnh SXH là do vi-rút Dengue gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti đốt. Người mắc bệnh xuất hiện sốt cao đột ngột từ 38 -39oc, người mệt mỏi, nhức đầu, đau sâu hốc mắt, đau cơ, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa kèm theo đau họng, buồn nôn… Ngoài ra, bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt vi-rút thông thường nên nhiều người dân thường chủ quan không đến các cơ sở y tế khám bệnh. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra các biến chứng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim, tràn dịch màng phổi, màng bụng, xuất huyết, sốc do giảm khối lượng tuần hoàn và có thể dẫn đến tử vong. Do đó, trung tâm đang tiếp tục phối hợp với các trung tâm y tế huyện, thành phố tăng cường điều tra, giám sát, lấy mẫu những trường hợp nghi mắc SXH để xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các ca bệnh để điều trị kịp thời và khống chế, không để dịch bệnh lớn xảy ra.

Bác sỹ Kiên cũng khuyến cáo, hiện nay bệnh SXH chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, loăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Cùng với đó, người dân nên phun thuốc muỗi, đậy kín tất các các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá cờ vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt loăng quăng. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, rác trong và quanh nhà. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng, chống muỗi đốt. Sử dụng thuốc bôi, xịt chống muỗi. Thường xuyên tập thể dục, bổ sung thực phẩm tăng cường sức đề kháng. Khi có biểu hiện của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

A.Hồng - T.Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...