Thứ sáu, 19/04/2024, 07:01 [GMT+7]
Huyện Tân Uyên

Chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu

Thứ tư, 19/08/2020 - 07:54'
(BLC) - Trước sự nguy hiểm và tình hình lây lan, bùng phát bệnh bạch hầu nhanh, có trường hợp tử vong tại một số tỉnh Tây Nguyên từ đầu tháng 6/2020 đến nay, thực hiện công văn chỉ đạo của ngành Y tế tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm ngăn ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu lây lan, phát sinh trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Lò Văn Tiến - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên) cho biết: Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan qua đường hô hấp và có thể gây tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bệnh có thể dự phòng bằng tiêm vắcxin và điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu. Thời gian qua, bệnh có diễn biến phức tạp tại một số tỉnh Tây Nguyên, đáng quan tâm là phần lớn các trường hợp mắc được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa và chưa được tiêm vắcxin bạch hầu hoặc chưa tiêm đầy đủ, đúng lịch. Mặc dù trên địa bàn huyện chưa xuất hiện bệnh bạch hầu và tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt 95,7% so với kế hoạch đề ra nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần đa, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức không đồng đều là trở ngại lớn trong công tác phòng, chống nếu dịch bệnh xảy ra. Do đó, công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát các loại dịch bệnh, nguồn lây nhiễm cũng như chuẩn bị nhân lực, vật tư y tế sẵn sàng cho công tác chống dịch được Trung tâm Y tế huyện chủ động triển khai thực hiện ngay sau khi có công điện tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu của Chính phủ, tỉnh, văn bản chỉ đạo của ngành Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

trung tâm

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên tổ chức tọa đàm y tế và sức khỏe với chủ đề: Phòng, chống bệnh bạch hầu tại xã Nậm Cần. 

Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng kế hoạch, ban hành công văn về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu, chỉ đạo các khoa, phòng của Trung tâm, trạm y tế các xã, thị trấn đồng loạt triển khai thực hiện nhiệm vụ. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS huyện phối hợp với các trạm y tế xã, thị trấn rà soát đối tượng, địa bàn có nguy cơ mắc bệnh, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp; tổ chức tiêm chủng vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng trong tiêm chủng mở rộng. Chuẩn bị đầy đủ bình phun, hóa chất, thuốc để phun khử khuẩn môi trường khi có chùm ca bệnh hoặc ổ dịch cũng như công tác điều trị, khoang vùng dập dịch bệnh bạch hầu nếu xảy ra. Trong tháng 7, Khoa đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn phòng, chống bệnh bạch hầu năm 2020 cho toàn bộ nhân viên y tế làm công tác dự phòng, xét nghiệm huyện và các trạm y tế xã, thị trấn nhằm nâng cao kiến thức trong công tác giám sát, chẩn đoán, cách xử lý ổ dịch bạch hầu.

Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe được Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS phối hợp chặt chẽ với Khoa Y tế công cộng - An toàn thực phẩm và dinh dưỡng, trạm y tế xã, thị trấn tích cực triển khai với nhiều hình thức. Ngoài kiểm soát tại trạm, tổ chức truyền thông lồng ghép tại nhà văn hóa bản, tổ dân phố, cán bộ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà phổ biến kiến thức liên quan đến bệnh bạch hầu, hướng dẫn bà con biện pháp bảo vệ sức khỏe: vệ sinh cá nhân, thường xuyên lau rửa sàn nhà, vật dụng bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường, kịp thời đưa các trường hợp có triệu chứng: sốt, đau họng đến các cơ sở y tế để được khám sàng lọc và điều trị.

Tại Việt Nam hiện nay không có vắcxin đơn phòng bệnh bạch hầu mà chỉ có những vắcxin phối hợp, trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu. Đối với chương trình tiêm chủng mộng quy định: vắcxin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib- viêm gan B (DPT-VGB-Hib) tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi; vắcxin bạch hầu - ho gà - uốn ván tiêm khi trẻ 16 - 18 tháng tuổi; vắcxin bạch hầu - uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập… Do đó, tiêm vắcxin đầy đủ, đúng lịch là biện pháp hữu hiệu nhất để trẻ phòng bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu, nhận thức về tiêm chủng mở rộng của các bà mẹ không đồng đều, thậm chí nhiều bà mẹ chủ động đưa con đi tiêm nhưng không nắm rõ hoặc không nhớ tác dụng của mũi tiêm đó. Trường hợp chị Lò Thị Thái (bản Phiêng Lúc, xã Nậm Cần) là một điển hình. Gia định chị có 2 con 6 tuổi và 4 tuổi, các cháu đều được tiêm đầy đủ các loại vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi chúng tôi hỏi về bệnh bạch hầu nói riêng, các bệnh truyền nhiễm nói chung, chị Thái nói: Mình không biết chữ nên chỉ nhớ ngày cán bộ y tế viết trong sổ tiêm phòng cũng như y tế bản thông báo để đưa con đi tiêm. Kiến thức phòng bệnh thì chỉ nhớ mang máng. Mình ở đây bao năm không thấy ai bị bệnh bạch hầu, được cán bộ trạm y tế xã, huyện và tỉnh về truyền thông nói rất kỹ, mình cũng tiếp thu được nhiều và nhận thấy rất nguy hiểm, về sẽ vận động gia đình, chị em trong bản vệ sinh nơi ở sạch sẽ, cho con đi tiêm phòng đầy đủ.

Đây cũng là vấn đề bác sỹ Lò Văn Tiến - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS trăn trở: Những năm qua, trên địa bàn có xảy ra các chùm ca bệnh: thủy đậu, quai bị, chân - tay - miệng, hội chứng lỵ… nhưng chưa xuất hiện bệnh bạch hầu. Xác định rõ những khó khăn đặc thù của huyện, chúng tôi phối hợp hỗ trợ, giám sát các trạm y tế xã, thị trấn tổ chức tốt công tác truyền thông, tổ chức tiêm chủng thường kỳ hàng tháng thành 2 đợt (tại điểm tiêm ở trạm và lưu động tại các bản) và kết quả đạt cao. Điều đáng lo ngại là số % chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ các loại vắcxin còn lại có nguy cơ cao tạo thành nguồn lây nhiễm. Ngăn ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu lây nhiễm vào địa bàn, ngoài vai trò chủ lực của ngành Y tế, cần hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như tinh thần chủ động của Nhân dân trên địa bàn

Nam Phong

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...