Thứ tư, 24/04/2024, 11:37 [GMT+7]

Hiệu quả từ dạy học theo đối tượng vùng miền

Thứ năm, 16/11/2017 - 15:28'
Đứng chân trên địa bàn xã vùng cao biên giới, hầu hết học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức hạn chế, giao thông khó khăn… nhưng chất lượng giáo dục của Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Mù Sang (huyện Phong Thổ) không ngừng nâng cao. Đó là nhờ nhà trường thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó có việc dạy học theo đối tượng vùng miền.

Vượt chặng đường đèo dốc quanh co, chúng tôi đến thăm thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Mù Sang. Dưới màn sương mờ ảo, ngôi trường vùng biên dần hiện ra. Không to lớn, rộng rãi, bố trí trên cùng một mặt bằng như những trường ở vùng thấp trong huyện mà được phân chia thành từng khu vực cụ thể, nhỏ bé nằm vắt vẻo bên lưng chừng núi song phía trong ngôi trường khá sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Thầy giáo Vũ Quang Thiều - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Mù Sang đón chúng tôi bằng nụ cười thật tươi. Anh cho biết: “Việc nâng cao chất lượng giáo dục đối với các xã vùng cao đã khó, với xã biên giới Mù Sang càng khó khăn hơn. Bởi cuộc sống của người dân trong xã tuy có cải thiện hơn so với trước nhưng vẫn khó khăn. Đường đến các bản xa, một số là đường đất trong khi dân cư phân bố không đồng đều. Sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với việc học của con em ít; một số em học sinh còn mải chơi chưa tập trung vào học tập”.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Mù Sang tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp. 

Để giải quyết vấn đề trên, nhà trường triển khai sâu rộng và hiệu quả các cuộc vận động, phong trào do cấp trên phát động như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”… Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được chú trọng, trong năm học 2016 - 2017, nhà trường huy động được 85 ngày công làm hàng rào quanh trường và các lớp; các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm ủng hộ 390 chiếc áo ấm, 240 thùng sữa; Phòng Giáo dục và Đào tạo đầu tư xây dựng 3 phòng học, 1 sân bêtông tại điểm trường trung tâm trị giá 800 triệu đồng. 

Đặc biệt, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo tập trung dạy học theo đối tượng vùng miền. Đầu các năm học, nhà trường tổ chức khảo sát chất lượng học sinh và phân chia đối tượng học sinh sao cho trình độ nhận thức của các em trong cùng một lớp tương đối đồng đều. Chỉ đạo giáo viên đầu tư thời gian bổ trợ, lấp lỗ hổng kiến thức ở những lớp dưới cho học sinh ngay sau khi khảo sát. Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện để đảm bảo khi học sinh trong lớp cơ bản đạt chuẩn kiến thức theo yêu cầu, mới bắt đầu tổ chức dạy học theo chương trình chính khóa, phù hợp với đối tượng học sinh. 

Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên động viên cán bộ, giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tình yêu, lòng đam mê với nghề để khắc phục, vượt qua mọi khó khăn. Khuyến khích cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Riêng trong năm học 2016 - 2017, trường có 32 cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng thường xuyên, đầy đủ 3 nội dung. Qua đánh giá xếp loại, 100% cán bộ, giáo viên đạt từ trung bình trở lên, trong đó: 16 đồng chí đạt kết quả xuất sắc (tăng 10 đồng chí so với năm học 2015 - 2016). Nhờ những giải pháp phù hợp mà chất lượng giáo dục của trường dần nâng cao. Kết thúc năm học 2016 - 2017, 384/384 học sinh đạt về phẩm chất, năng lực (vượt 1,9% so với cam kết) và 379/384 học sinh chuyển lớp (đạt tỷ lệ 98,7%).

Bước sang năm học 2017 - 2018, trường có 21 lớp 378 học sinh. Với mục tiêu phấn đấu cuối năm học 98,9% học sinh chuyển lớp, cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục phối hợp với các bên liên quan vận động học sinh ra lớp. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa, đi học không đều, nghiên cứu các giải pháp đưa các em vào ở bán trú tại trường, chăm lo cho các em từ kiến thức đến bữa ăn, giấc ngủ. Nhà trường cũng tăng cường các hoạt động bề nổi, ngoài giờ lên lớp nhằm giúp học sinh vừa học vừa chơi, gần gũi hơn với bạn bè, thầy cô, từ đó tích cực đến lớp duy trì tỷ lệ chuyên cần. Hiện nay, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường đạt 98%. Việc dạy học theo đối tượng vùng miền được duy trì thường xuyên. “Chỉ còn gần 1 tháng nữa học sinh sẽ bước vào kiểm tra học kỳ I, giáo viên sẽ tập trung vừa truyền đạt kiến thức mới, vừa hệ thống lại kiến thức cũ để các em nhớ lâu” - thầy giáo Thiều cho biết thêm.

Tham dự tiết học tiếng Việt của cô và trò lớp 4C, chúng tôi nhận thấy, ngoài diễn đạt dễ hiểu, hấp dẫn, cô giáo còn thường xuyên đặt câu hỏi và các em học sinh mạnh dạn giơ tay phát biểu ý kiến. Em Lý Thiện Trường (học sinh lớp 4C) nói: “Được các thầy, cô giáo dạy bảo tận tình, em thấy dễ tiếp thu kiến thức và nhớ lâu hơn. Các năm học trước em đều đạt học sinh giỏi, năm học này em sẽ cố gắng đạt thành tích cao nhất có thể để sau này thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo dạy học trên quê hương mình”.

Hy vọng rằng, với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh, Trường PTDTBT Tiểu học Mù Sang sẽ vượt qua mọi khó khăn, gặt hái thành công, đưa sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...