Thứ bảy, 20/04/2024, 02:44 [GMT+7]

Giảm nguy cơ gây tai nạn thương tích trong trường học

Chủ nhật, 28/02/2021 - 22:55'
(BLC) - Cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, vấn đề phòng tránh, giảm thiểu tai nạn thương tích trong môi trường học đường được các trường học và nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh

Đầu năm 2021, chị Phan Hương Giang ở phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) hoảng hốt khi con trai Trần Anh Tuấn (học tiểu học) đi học về khuôn mặt xước sát, trên trán dán băng gâu y tế. Đầy lo lắng, chị hỏi han con và được biết do trong giờ ra chơi, con chị và các bạn trong lớp trêu đùa, đuổi nhau và bị vấp ngã ở sân trường. Rất may chỉ bị nhẹ bên ngoài da và được cán bộ y tế nhà trường kịp thời vệ sinh vết thương.

Trước đó, đầu năm học 2020 - 2021, con chị Nguyễn Út (đồng nghiệp chị Giang, học sinh THCS) còn bị chấn thương nặng hơn. Đang làm việc ở cơ quan, chị Út được cô giáo gọi điện báo con bị tai nạn cần đến trường ngay. Qua lời kể của các bạn trong lớp, chị Út được biết, con chị do tò mò, chưa đi xe máy điện bao giờ nên mượn xe của bạn cùng lớp đi thử trong khuôn viên trường (khi hết giờ học). Vì lúng túng chưa biết điều khiển nên xe đổ, va đập chân vào thành bồn hoa, chảy nhiều máu, phải vào viện cấp cứu, khâu nhiều mũi.

Trò chuyện về chủ đề này, em Lê Hà Linh (học sinh lớp 6, Trường THCS Đoàn Kết) nhớ lại: Năm học lớp 5, cháu còn 2 lần bị bó bột tay. Vừa bó bột lần 1 chưa khỏi hẳn do ngã xe đạp thì lại tiếp tục bị bó bột lần 2 do nô nghịch với bạn, phải nghỉ học mấy ngày. Cũng may là cháu chỉ bị tay trái, không thì không ghi chép được bài và làm bài kiểm tra.

Năm 2020 trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận cũng hết sức bàng hoàng khi một số học sinh vùng cao ở tỉnh Lào Cai bị cổng trường đổ vào người, hoặc ở thành phố Hồ Chí Minh cây phượng bỗng nhiên bật gốc đổ làm nhiều em bị thương, đau lòng hơn là có em đã mãi ra đi khi giấc mơ còn dang dở.

Việc thanh thiếu nhi, lứa tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” hiếu động, tinh nghịch, trêu đùa, rượt đuổi nhau trong giờ ra chơi; leo trèo cây, cầu thang; tò mò khám phá, không may bị tai nạn thương tích là chuyện khá phổ biến ở các trường học trong toàn tỉnh thời gian qua. Các tai nạn này chủ yếu là do vô tình, xảy ra ngoài ý muốn. Trong đó, các em học sinh, nhất là bậc mầm non, tiểu học còn nhỏ tuổi, chưa có hoặc thiếu kỹ năng, kiến thức phòng tránh nên bị tổn thương nhiều hơn.

Trước thực trạng trên, ngành Giáo dục tỉnh chỉ đạo các trường học trên địa bàn tiến hành rà soát việc đảm bảo an toàn, thực hiện cắt tỉa tán cho cây xanh đã nhiều năm tuổi, kiểm tra lại chất lượng các phòng học, hệ thống điện, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích… tạo môi trường học đường an toàn cho học sinh học tập, vui chơi.

Xây dựng môi trường học đường an toàn

Xây dựng môi trường học đường an toàn để học sinh được bảo vệ và phát triển toàn diện.

Xây dựng trường học an toàn

Về việc này, từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành quy định xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông. Theo đó, các trường huy động các nguồn lực, xã hội hóa để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả. Chú trọng khắc phục các nguy cơ gây thương tích trong trường học. Lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng chống tai nạn thương tích vào các môn học, hoạt động ngoại khóa. Không chỉ vậy, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh để trang bị thêm cho con em mình kiến thức, kỹ năng cơ bản để bảo vệ bản thân…

Trường Tiểu học số 1 (thành phố Lai Châu) những năm học qua luôn chú ý công tác phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh. Ngay từ đầu mỗi năm học, trong các buổi họp phụ huynh, giáo viên quán triệt quy định về việc cấm học sinh không được mang các vật cứng, nhọn, sắc đến lớp. Ở các khối lớp có nhà cao tầng, học sinh lớp 1, 2 bố trí học ở tầng 1, giờ ra chơi không được lên tầng cao. Hàng năm, nhà trường mời các lực lượng chức năng đến hướng dẫn học sinh cách phòng cháy chữa cháy, tham gia giao thông an toàn… bằng những tình huống cụ thể. Đồng thời, thường xuyên cắt tỉa cành đối với cây to ở sân trường, cấm học sinh leo trèo cây.

Còn tại huyện Phong Thổ, đồng chí Phan Như Thắng - Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Cùng với chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, Phòng yêu cầu các trường học quan tâm xây dựng trường học an toàn, thân thiện; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội… Có hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ, Tháng hành động Vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, góp phần hạn chế các vụ tai nạn thương tích trong trường học.

Cùng với sự vào cuộc của ngành Giáo dục, Hội đồng Đội tỉnh chỉ đạo liên đội các trường chú ý tuyên truyền cách phòng tránh tai nạn thương tích tới đội viên, thiếu niên, nhi đồng. Tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để các em nâng cao kiến thức hiểu biết. Hội đồng Trẻ em tỉnh cũng thường xuyên quan tâm lắng nghe ý kiến của thành viên về các giải pháp bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ tai nạn thương tích nói chung, trong học đường nói riêng. Bên cạnh đó, các nhà trường còn duy trì tổ chức tập huấn sơ cấp cứu ban đầu, thực hành thoát nạn khi gặp hỏa hoạn, hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, phòng tránh bạo lực học đường…; chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, y tế để xử lý kịp thời khi các em không may bị chấn thương.

Song song với thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo dạy tốt học tốt, để xây dựng môi trường học đường an toàn, một trong những giải pháp quan trọng là các nhà trường cần chủ động giám sát, phát hiện, khắc phục ngay các nguy cơ gây tai nạn thương tích, giúp học sinh được bảo vệ và phát triển toàn diện.

Thảo Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...