Thứ sáu, 19/04/2024, 19:48 [GMT+7]

Giấc mơ thoát nghèo ở “ốc đảo chim”

Thứ hai, 15/11/2010 - 14:28'
Đoạn cuối của khúc sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội thuộc xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên. Đây là nơi cư ngụ và mưu sinh của gần 100 hộ dân lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính. Tuy nhiên, do kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư nên kinh tế và đời sống của người dân đều chậm phát triển.

Đường giao thông ở Bãi Chim vẫn là đường đất.

Kinh tế khó khăn
 
Bí thư chi bộ khu dân cư Bãi Chim, xã Khai Thái Nguyễn Văn Dũng cho biết: Bãi Chim được bồi lắng hình thành từ thuở nào đến nay không ai rõ. Chỉ nhớ rằng, những năm 60 của thế kỷ XX, nhiều người dân vạn chài đánh cá dọc theo bờ sông Hồng từ khắp các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây (cũ)... đã chọn Bãi Chim là bến neo đậu. Từ năm 1980 đến 1985, phong trào đi xây dựng kinh tế mới ở các địa phương phát triển mạnh. Nhận thấy không phải đi đâu xa, chỉ cần sang ngay bên kia sông, qua một bến đò ngang là tới vùng đất bãi rộng hàng trăm hécta màu mỡ nên nhiều người dân xã Khai Thái đã chuyển sang Bãi Chim sinh sống.
 
Hiện nay, khu dân cư Bãi Chim có 85 hộ với gần 320 nhân khẩu sinh sống. Cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là các loại ngô, khoai, đậu 2 vụ/năm. Tuy nhiên, do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đặc biệt là mùa nước lên của sông Hồng nên chỉ chắc ăn được một vụ, còn một vụ bấp bênh. Nếu năm nào nước lên sớm thì hoa màu mất trắng. Cũng do nằm ở bãi giữa sông Hồng nên không hộ nào dám làm bè thả cá hay đào ao, cải tạo vườn tạp thành các mô hình trang trại chăn nuôi, kết hợp với trồng cây ăn quả. Bởi vậy mà khó thoát nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân ở đây chỉ đạt 350 ngàn đồng/người/tháng, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ rất cao.
 
Giao thông cách trở
 
Ngoài khó khăn về sản xuất thì cơ sở hạ tầng của khu dân cư cũng còn thiếu thốn nhiều. Theo Trưởng khu Nguyễn Văn Lập, đến năm 2000, người dân Bãi Chim mới có điện sinh hoạt. Năm 2009 mới có nhà văn hóa. Hiện 100% đường giao thông ở đây vẫn là đường đất, con đường độc đạo sang Bãi Chim phải qua một con lạch nhỏ, mùa nước phải đi đò; mùa cạn đi bộ nhưng khá gập ghềnh. Khu dân cư hiện có 30 cháu trong độ tuổi mẫu giáo nhưng vẫn chưa có trường. Toàn bộ việc học hành của con trẻ đều phải về khu trung tâm của xã phía trong đê, cách Bãi Chim gần 2km.
 
Bà Trần Thị Sử, sinh sống ở Bãi Chim từ ngày đầu, cho hay, khoảng 3 năm trở lại đây, nước sông Hồng ít lên to nên đời sống các hộ dân có ổn định hơn, không phải sơ tán người và tài sản vào trong đê. Cả khu Bãi Chim chỉ có 2 con đò nên nhiều hôm đò chở đến 9 giờ đêm không hết khách. Nhỡ đò không những ảnh hưởng đến việc trao đổi hàng hóa của người lớn mà trẻ em cũng thường xuyên tới trường muộn. Cũng do giao thông cách trở nên bà con ít có điều kiện giao lưu buôn bán nông sản, kinh tế phát triển chậm.
 
Theo ông Nguyễn Đình Tình, Chủ tịch UBND xã Khai Thái, với đặc thù dân cư Bãi Chim sống tách biệt ở bãi sông, giao thông cách trở, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro bởi thiên tai, nên nơi đây từ trước đến nay vẫn là khu dân cư khó khăn nhất của xã. Do ngân sách xã còn nhiều khó khăn nên chính quyền chưa hỗ trợ được là bao cho khu vực này. Hiện mới chỉ hỗ trợ được đò cho cư dân Bãi Chim vào mỗi mùa mưa lũ và đắp đường ra bãi khi bị sạt trượt.
 
Mong ước cháy bỏng của hàng chục hộ dân Bãi Chim là được Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó cấp thiết nhất là làm đường giao thông và nhà trẻ, tạo cơ hội cho Bãi Chim bứt phá. Ngoài ra, những hướng dẫn, giúp đỡ của các ngành chức năng trong chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ người dân trồng cây gì, nuôi con gì mang lại hiệu quả cao hơn cây ngô, cây đậu cũng là chuyện vô cùng cần thiết đối với các hộ dân nơi đây, giúp họ cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững.

Theo Hà Nội Mới

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...