Thứ sáu, 29/03/2024, 02:08 [GMT+7]

Giao thông nội đồng - Tạo đà phát triển kinh tế

Thứ bảy, 10/04/2021 - 15:39'
(BLC) - Triển khai xây dựng nông thôn mới, một trong những tiêu chí được xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) xác định tạo tiền đề để thực hiện tiêu chí khó như : thu nhập, hình thức sản xuất đó là giao thông. Đến nay, không chỉ cây chè mà giao thông nội đồng, vùng sản xuất đã minh chứng vai trò “đi trước mở đường” trên hành trình “bắt đất nhả vàng” của đồng bào nơi đây.

Không chỉ là xã cửa ngõ của huyện, nói đến Phúc Khoa, hẳn nhiều người dễ dàng nhớ về một vùng đất với những đồi chè trải dài, xanh ngút tầm mắt; bản làng ven quốc lộ sôi động hoạt động kinh doanh dịch vụ, thu mua, chế biến chè búp tươi; cánh đồng bằng phẳng phủ kín lúa, ngô… Đặc biệt, ấn tượng với hình ảnh đường sản xuất, nội đồng được bê tông hóa, mở rộng có mặt ở khắp nơi. Cũng chính từ con đường của “ý Đảng, lòng dân ấy”, Phúc Khoa ngày thêm khởi sắc.

Trong tổng số hơn 400ha chè toàn xã thì vùng chè Phúc Khoa (của các hộ dân bản Phúc Khoa, Ngọc Lại, Đoàn Kết) chiếm một nửa, nhiều diện tích trồng đầu tiên (năm 1999). Theo chia sẻ của anh Nguyễn Kim Tuyền - Phó Chủ tịch UBND xã, hiện toàn bộ vùng chè đã có đường sản xuất (còn 2km khu vực giáp chân núi cũng đã có nguồn vốn triển khai thực hiện trong năm 2021). Tuyến đường được mở rộng, bê tông hóa không chỉ có các nhánh nhỏ đến tận đầu lô mà chạy song song với quốc lộ 32, khi có sự cố sạt lở, ách tắc tại khu vực trung tâm xã, phương tiện và người tham gia giao thông có thể di chuyển lên để lưu thông. Các đoàn thể xã, đặc biệt là Đoàn Thanh niên đã xây dựng các chòi ngắm cảnh trên vùng chè, tham gia bảo vệ môi trường, cảnh quan, bước đầu thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Tuyến đường sản xuất này được thi công năm 2016 từ nguồn vốn tài trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Mặc dù khi ấy, cả vùng chè đều là đường dân sinh, nhỏ hẹp, trơn trượt, bà con vận chuyển vật tư, phân bón, chè búp sau thu hái chủ yếu bằng sức người. Nhưng khi vận động bà con hiến đất tạo mặt bằng khá khó khăn, bởi “tiếc của” khi phải chặt chè đang thời kỳ thu hoạch. Nhưng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, tuyến đường vùng sản xuất sớm hoàn thành. Giờ đây, khi nhắc đến, các hộ sản xuất đều khẳng định: đó là quyết định đúng.

Chị Đoàn Thị Bảy (bản Phúc Khoa) - một trong những hộ đầu tiên đưa cây chè bén rễ trên đồng đất Phúc Khoa và thời điểm hiện tại có tới 13ha chè tại vùng chè chia sẻ: Trước đây, mỗi vụ thu hái hoặc chăm sóc nghĩ đến cảnh chùn chân xuôi dốc rồi lại còng lưng đẩy xe đạp chở phân bón lại thấy ngại. Bây giờ, xe ôtô tải rồi xe máy đến tận đầu lô, nhàn và tiện, hiệu quả lao động tăng. Đất đồi phủ kín cây chè, dân bản có đời sống khấm khá.

Đường sản xuất vùng chè Hô Bon.

Đường sản xuất vùng chè Hô Bon.

Còn với vùng chè của bản Hô Bon. Năm 2009, Công ty Cổ phần Minh Sơn (Hà Nội) triển khai thực hiện dự án trồng rừng kinh tế (cây keo) đã đầu tư mở đường sản xuất. Sau đó, UBND huyện đầu tư kinh phí hoàn thành tuyến đường nối từ bản Hô Bon sang bản Phiêng Sản (xã Mường Khoa). Nhờ đó, góp phần thu hẹp khoảng cách từ bản khó đến bản thuận lợi; hộ trồng chè của 2 xã được hưởng lợi.

Năm 2016, cây keo đến kỳ thu hoạch, Công ty Cổ phần Minh Sơn không trở lại thu mua, gia đình chị Hàng Thị Ai (bản Hô Bon) cùng nhiều hộ dân khác trong bản quyết định chặt bỏ và trồng chè thay thế. Cũng nhờ có tuyến đường trên vùng sản xuất được bê tông hóa, giúp công đoạn vận chuyển cây giống, máy móc làm đất dễ dàng hơn. Từ thuận lợi đó, gia đình chị quyết định canh tác cả những thửa đất có địa hình khó với mong muốn, cây chè sẽ cho thu nhập bền vững.

Trong câu chuyện với chúng tôi về sự đổi thay trong tư duy làm kinh tế của đồng bào Mông trong bản, anh Sùng A Vư - Trưởng bản Hô Bon nói: Người Mông cuộc sống thường phụ thuộc vào rừng, đó là trồng thảo quả và nương lúa. Nhưng giờ đây, phần lớn hộ dân trong bản đã thay đổi cách làm, tập trung nhiều vào cây chè. Đường xá thuận lợi, chè thu hái xong đưa lên xe máy chở về. Tôi còn đầu tư xe tải vừa làm dịch vụ vừa phục vụ gia đình vận chuyển chè về xưởng xuất bán. Chính từ con đường này, dân bản tôi đã đẩy lùi cái đói, cái nghèo đấy.

Trên nương đồi là vậy, dưới cánh đồng từ bản Hô Bon đến Hô Tra, mùa nào cây nấy, người dân đi thăm đồng, sản xuất dù gần hay xa đều có thể sử dụng xe máy. Bởi đường nội đồng cũng đã được cứng hóa từ chính sự đồng lòng, tự nguyện hiến đất, góp công của người dân cùng Nhà nước hoàn thành.

Tích hợp từ nhiều nguồn vốn, chương trình, đến nay, xã Phúc Khoa đã được đầu tư cứng hóa đạt chuẩn 16,6km (đạt 100%) đường giao thông nội đồng, vùng sản xuất tập trung. Giao thông thuận lợi, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, đồng nghĩa nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế cây trồng.

So với năm 2019, hết năm 2020, diện tích cây lương thực của xã đạt 451,1ha, tăng 12,1ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.165/2.245 tấn. Trong đó, cây lúa thực hiện 386,1ha, năng suất 48,33 tạ/ha; ngô 65,2ha (tăng 12,86ha); 14,2ha dưa hấu. Riêng diện tích chè đạt 401,8ha , sản lượng chè búp tươi 4.540 tấn (tăng 666 tấn); 86ha mắc ca xen chè đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Phát huy lợi thế đồng đất, giao thông để quy hoạch vùng sản xuất tập trung với nhiều cây trồng lợi thế và chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt có đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người của Phúc Khoa đã đạt 36 triệu đồng. Đáng tự hào hơn là Phúc Khoa không chỉ giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới mà còn tự tin bắt tay xây dựng xã nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...