Thứ tư, 24/04/2024, 10:29 [GMT+7]

"Gieo chữ" trên vùng cao

Chủ nhật, 22/01/2023 - 01:17'
(BLC) - Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề và tình yêu đối với học sinh vùng cao, các thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Tả Lèng (xã Tả Lèng, huyện Tam Đường) đã và đang nỗ lực để mang con chữ đến với các em. Qua đó, thắp sáng những ước mơ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn xã.

Ngày đầu tuần của giữa tháng 1, chúng tôi đến với Tả Lèng. Nghe theo tiếng đọc ê a của học sinh, chúng tôi ghé thăm Trường PTDTBT Tiểu học Tả Lèng. Dưới những tia nắng nhẹ len qua cửa sổ, những em nhỏ lớp 1 đồng thanh đọc bài dưới sự hướng dẫn của cô giáo. Giọng của các em sao mà ngộ nghĩnh và đáng yêu đến thế.

1

Cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học Tả Lèng ((xã Tả Lèng, huyện Tam Đường) ân cần chỉ bảo học sinh.

Qua lời kể, chúng tôi được biết, nơi đây có nhiều giáo viên đã gắn bó với trường, với lớp hơn 20 năm. Điển hình trong đó có cô giáo Trần Thị Lan Anh. Trong hồi tưởng của cô, Tả Lèng khi ấy còn hoang sơ lắm, đường đi gập ghềnh, chông chênh vất vả đến nhường nào. Nhiều bản ở trên cao, phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ. Nhận thức của học sinh còn hạn chế, nhất là giao tiếp tiếng phổ thông.

Cũng như cô giáo Anh, 21 năm qua cô Ngọc luôn gắn bó với mảnh đất Tả Lèng này. Với cô, Tả Lèng là một thời thanh xuân, tuổi trẻ đẹp nhất. Biết bao thế hệ học trò được cô dìu dắt, dạy bảo nay đã trưởng thành, thành đạt.

Như lời chia sẻ của các cô giáo, ở trường học hầu hết là các em nhỏ là người dân tộc thiểu số, như người Mông, người Dao, trình độ hiểu biết còn hạn chế. Để giúp các em biết con chữ, học số, đọc, viết, kể chuyện hay… đòi hỏi sự cần mẫn và kiên trì của mỗi thầy cô. Nhất là sự sáng tạo, linh hoạt đổi mới phương pháp dạy học, gắn nội dung lý thuyết với thực hành. Đặc biệt, trong giao tiếp hàng ngày, bản thân mỗi “nhà giáo” đều tự trau dồi, tìm hiểu phong tục tập quán và học tiếng phổ thông để có thể nói chuyện, dạy song ngữ nhằm giúp các em hiểu bài nhanh hơn.

Cùng với đó là sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng cao.

Mặt khác, trường chú trọng công tác nuôi ăn bán trú cho học sinh thuộc diện được hưởng chính sách theo quy định của Nhà nước. Đảm bảo về chế độ dinh dưỡng, sức khoẻ giúp các em có thể lực tốt để học tập. Hàng năm, các thầy cô giáo trong trường tích cực xã hội hoá các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho học sinh. Quan tâm mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học...

2

Cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học Tả Lèng (xã Tả Lèng, huyện Tam Đường) chăm lo bữa ăn bán trú cho học sinh.

Năm học 2022-2023, Trường PTDTBT Tả Lèng có 25 lớp, 596 học sinh, trong đó có 183 học sinh bán trú. Với nhiều giải pháp từ nhà trường, các thầy cô giáo nên phụ huynh yên tâm tích cực cho con đến trường học đầy đủ. Nhờ vậy, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường luôn đạt trên 98%; số học sinh khá giỏi ngày càng tăng. Đặc biệt là học sinh trong nhà trường có thêm nhiều kỹ năng sống, tự tin giao tiếp, hoà nhập với môi trường sống, học tập đầy năng động.

Với cô Ngọc, cô Lan Anh hay bất kỳ giáo viên nào ở Trường PTDTBT Tả Lèng, “gieo chữ" ở vùng cao không khó, bởi đó là sứ mệnh của mỗi nhà giáo. Chỉ cần niềm tin, sự cố gắng, nhiệt huyết với nghề và tình yêu với học sinh, khó khăn nào cũng sẽ khắc phục vượt qua. Để các em nơi non cao được cắp sách đến trường, dệt lên những ước mơ cho tương lai của dải đất ven trời Tây Bắc - Lai Châu.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...