Thứ năm, 25/04/2024, 13:07 [GMT+7]
Nội soi phế quản bằng ống mềm

Hỗ trợ tích cực trong chẩn đoán bệnh phổi

Thứ sáu, 25/09/2020 - 17:43'
Với nhiều ưu điểm vượt trội: ít gây đau, nguy cơ tai biến thấp, mô tả cụ thể các tổn thương bên trong của phế quản…, giải pháp sáng tạo “Ứng dụng kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm trong chẩn đoán bệnh phổi” của đoàn viên Công đoàn cơ sở (CĐCS) Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đánh giá cao, đưa vào áp dụng. Giải pháp này góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh, giảm chi phí, thời gian điều trị cho bệnh nhân.

Có mặt tại Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) những ngày tháng 9, chúng tôi thấy có rất đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến khám, điều trị, chăm sóc người bệnh. Trong số đó, không ít người có liên quan đến các bệnh về phổi. Ông Hà Quang Huy ở Tổ dân phố số 1 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) đến chăm sóc vợ, chia sẻ: “Tháng 3/2019, tôi bị ho kéo dài, lâu ngày đờm đặc tích tụ ở cổ. Vào Khoa Nội tổng hợp khám được các bác sỹ chẩn đoán viêm phổi, chỉ định nội soi rửa phế quản, hút đờm. Lúc đó, tôi khá lo lắng nghĩ phải về Hà Nội điều trị. Thật may, được các bác sỹ thông tin từ khi có giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm trong chẩn đoán bệnh phổi”, bệnh viện kết hợp trang thiết bị sẵn có để thực hiện. Sau khi nội soi kết hợp điều trị thêm bằng cách tiêm, truyền, sức khỏe tôi dần hồi phục, ổn định trở lại và sau 12 ngày, tôi được xuất viện. Đến nay, sức khỏe tốt, chưa bị viêm phổi trở lại”.

Cán bộ y tế Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) nội soi phế quản bằng ống mềm cho bệnh nhân.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây việc chẩn đoán, điều trị các bệnh về phổi chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh XQ, CT lồng ngực. Tuy nhiên, với các trường hợp u phổi trên phim XQ, CT không xác định được tính chất của khối u lành hay ác tính, không quan sát được bề mặt khối u. Trường hợp bệnh viêm phổi nghi lao mà bệnh nhân không khạc được đờm thì khó khăn lấy bệnh phẩm xét nghiệm, khó chẩn đoán bệnh cụ thể. Các trường hợp này đều phải chuyển tuyến trên điều trị hoặc dùng phương pháp ít đặc hiệu hơn để chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân. Ngay sau khi bác sỹ Lý Thị Thúy Hường (Khoa Nội tổng hợp) được tập huấn sử dụng kỹ thuật nội soi và qua nghiên cứu, tìm tòi cùng kinh nghiệm thực tiễn rút ra trong quá trình công tác, thạc sỹ Nguyễn Thanh Thủy - Trưởng Khoa Nội tổng hợp đề xuất ý tưởng 2 chị cùng điều dưỡng Nguyễn Thị Anh Đào (Khoa Nội tổng hợp) mạnh dạn xây dựng giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm trong chẩn đoán bệnh phổi”.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Thủy tâm sự “Giải pháp chúng tôi xây dựng được chỉ định áp dụng trong các trường hợp nội soi phế quản để chẩn đoán: bệnh lý ác tính, khối u trung thất, nhiễm khuẩn, xẹp phổi không rõ nguyên nhân, bệnh phổi kẽ, ho máu, ho kéo dài, tiếng rít khu trú… Kỹ thuật nội soi có 5 bước tiến hành gồm: khám lâm sàng, cận lâm sàng; chuẩn bị (dụng cụ, bệnh nhân, kíp làm thủ thuật); tiêm thuốc Atropin để tránh tăng tiết ở miệng và phế quản; thực hiện kỹ thuật nội soi; theo dõi sau thực hiện kỹ thuật”.

Điểm nổi bật của giải pháp chính là: kỹ thuật thực hiện không quá phức tạp, ít gây đau rát, ít gây chảy máu cho người bệnh, nguy cơ tai biến thấp. Tất cả bệnh nhân có bệnh đường phế quản cần thăm khám đều có thể áp dụng. Đặc biệt, giải pháp đã khắc phục được các nhược điểm của phương pháp trước đây (khi sử dụng ống mềm nội soi thấy được các tổn thương bên trong phế quản, có thể lấy được bệnh phẩm để xét nghiệm). Từ đó, xác định nguyên nhân, tiên lượng bệnh, giúp bác sỹ quyết định các phương án chẩn đoán và tiến hành các thủ thuật điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Bác sỹ Lý Thị Thúy Hường cho biết: “Giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm trong chẩn đoán bệnh phổi” được Bệnh viện Đa khoa tỉnh áp dụng từ tháng 1/2018 đến nay. Đã có hàng trăm lượt bệnh nhân hưởng lợi từ giải pháp này, kết quả nội soi phục vụ cho chẩn đoán và tiên lượng bệnh chính xác hơn. Trong và sau thủ thuật không có trường hợp nào xảy ra tai biến. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu tiên áp dụng (từ tháng 1 - 10/2018), toàn tỉnh đã có 107 bệnh nhân áp dụng nội soi phế quản bằng ống mềm. Bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên đã giảm thời gian, chi phí đi lại.
Hiện, giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm trong chẩn đoán bệnh phổi” được thực hiện rộng rãi ở các khoa, phòng khác của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cụ thể, Khoa Hồi sức sử dụng trong trường hợp hỗ trợ đặt ống nội khí quản khó, kiểm tra việc đặt ống nội khí quản. Khoa Tai mũi họng ứng dụng khi cần lấy dị vật (tắc te, các loại hạt). Phòng khám, cấp cứu, ứng dụng để lấy dị vật cấp cứu (hóc xương vào đường thở). Khoa ngoại ứng dụng khi chuẩn đoán các trường hợp tràn khí, tràn dịch màng phổi chưa rõ nguyên nhân… Điển hình, ngày 5/3/2018, thông qua nội soi ống mềm cho bệnh nhân Hồ A Nỏ (huyện Mường Tè) các bác sỹ đã phát hiện và gắp ra ngoài khí quản bệnh nhân 1 con tắc te bằng kìm gắp dị vật. Trước đó, ngày 1/3/2018 các bác sỹ cũng gắp thành công 1 con đỉa suối ra khỏi khí quản bệnh nhân Phàn Thủy Ngọc Minh (huyện Phong Thổ).

Bằng sự sáng tạo và say mê tìm tòi, nghiên cứu, đoàn viên CĐCS Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xây dựng thành công giải pháp “Ứng dụng kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm trong chẩn đoán bệnh phổi”. Đây là giải pháp có tính ứng dụng cao, giúp người bệnh được hưởng những lợi ích của tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và mang lại niềm vui cho người bệnh.

Hoa Thủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...