Thứ sáu, 19/04/2024, 09:31 [GMT+7]

Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 20/11/2019 - 10:57'
Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; các mô hình kinh tế hiệu quả được đầu tư và nhân rộng. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, người dân và lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, lồng ghép các nguồn lực đầu tư để xây dựng NTM.

Nông dân xã Bản Bo (huyện Tam Đường) nâng cao thu nhập từ cây chè.

Từ khi xây dựng NTM đến nay, diện mạo vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi, khang trang, sạch đẹp hơn; đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm ngày càng đáp ứng và nâng dần mức hưởng thụ của người dân. Riêng ngành Nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; an ninh lương thực được đảm bảo cả về trước mắt và lâu dài; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội dần được đồng bộ, hiện đại. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất ngày càng rõ nét hơn. Qua đó, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn xây dựng NTM với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định hơn; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh chính trị được giữ vững.

Theo kết quả đánh giá của tỉnh sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, Nhân dân đã phát huy vai trò chủ thể, chủ động bàn bạc, thống nhất nội dung, tự nguyện góp trên 2.142.500m2 đất, gần 991.600 ngày công lao động. Hệ thống đường giao thông nông thôn toàn tỉnh tăng 1.759km, thủy lợi đảm bảo nước tưới cho 96% diện tích, 54/96 xã đạt tiêu chí về giao thông, 96/96 xã được sử dụng điện lưới quốc gia, 46/96 xã đạt tiêu chí xóa nhà tạm, 96/96 xã đạt tiêu chí giáo dục, 100% xã có đủ tổ chức hệ thống chính trị cơ sở. Đến hết năm 2018, có 29 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 13,43 tiêu chí/xã, không có xã dưới 5 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2019 đạt 37 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,23%...

Một trong những yếu tố quan trọng để đạt được kết quả trên là công tác huy động và lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng NTM. Theo ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Với chức năng là cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách đầu tư xây dựng cơ bản. Thời gian qua, Sở tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong việc toàn dân xây dựng NTM. Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư được chú trọng từ khâu xây dựng cơ chế, chính sách; lập, phê duyệt dự án, xây dựng, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển. Trong quá trình thực hiện phải giám sát, đánh giá kết quả, đảm bảo hiệu quả sử dụng các nguồn vốn cho các dự án; việc lồng ghép vốn đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình, tổng kinh phí đầu tư phát triển được giao. Ưu tiên công trình, theo từng tiêu chí, nhất là tiêu chí đạt thấp, tiêu chí ở xã đăng ký đạt chuẩn trong từng năm.

Để huy động nguồn lực xây dựng NTM, hàng năm tỉnh dành 50% số tiền vượt thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, huyện, thành phố được hưởng để bố trí cho chương trình NTM. Đồng thời, ban hành cơ chế thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh như: quy định cụ thể mức hỗ trợ của Nhà nước, Nhân dân góp đất, công lao động… Vận dụng Nghị định 161/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 với việc quy định danh mục dự án áp dụng cơ chế đặc thù, ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ một phần, phần còn lại do Nhân dân đóng góp. Ngoài ra, tỉnh huy động các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn.

Trên cơ sở huy động vốn, tỉnh thực hiện lồng ghép nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ 2 chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương; nguồn kinh phí đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, Nhân dân (ngày công, hiến đất, khai thác vật liệu tại chỗ). Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn dành cho NTM với tổng số 13.628,328 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp 1.233,111 tỷ đồng; lồng ghép ngân sách Trung ương, địa phương 12.174,178 tỷ đồng; huy động 221,039 tỷ đồng.

Người dân xã Mường Kim (huyện Than Uyên) xây nhà ở kiên cố.

Huyện Than Uyên, những năm qua, cũng rất chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, vận động người dân góp sức người, sức của, hiến vật kiến trúc, cây lâu năm, quyền sử dụng đất… tham gia xây dựng NTM. Đồng thời, huyện vận dụng linh hoạt các chương trình (135/CP, 30a/CP, tái định cư), dự án, nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện hiệu quả các nội dung chương trình. Ông Hoàng Văn Hiêng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên chia sẻ: “Giai đoạn 2010 - 2020, toàn huyện có 3.041 hộ dân hiến 113.555m2 đất, góp 94.755 ngày công lao động, 300 triệu đồng; huy động các nguồn lực thực hiện chương trình NTM với tổng số 928,002 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số lên 7/11 xã; bình quân đạt 14,27 tiêu chí NTM/xã”.

NTM đã và đang làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân các dân tộc địa phương.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...