Thứ tư, 24/04/2024, 07:01 [GMT+7]

Không đâu bằng quê hương

Thứ sáu, 20/09/2019 - 09:23'
(BLC) - Đó là đúc kết sau 7 năm bán hết ruộng đất, nhà cửa đưa vợ con di cư tự do sang xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để tìm “miền đất hứa” và mất tới 5 năm ổn định cuộc sống sau khi trở lại quê hương của anh Sùng A Vàng (SN 1963, bản Hô Be, thị trấn huyện Tân Uyên).

Được Trưởng bản Giàng A Cháng đưa đến thăm nhà, dù gần trưa nhưng chỉ có con trai Sùng A Chờ (SN 1994) ở nhà trông con nhỏ, anh Vàng và vợ đi làm đồng chưa về. Khi đề cập đến câu chuyện ly hương 12 năm trước, Chờ bất chợt trầm giọng: Lúc đó em mới 13 tuổi, nghe bố nói sẽ đưa mẹ và 3 anh em (1 anh trai ở lại) đến nơi ở mới để cuộc sống được sung sướng hơn vì có rất nhiều đất đai, muốn canh tác gì cũng được thấy vui vui. Nhưng quả thực vỡ mộng chị ạ. Đến giờ, đôi lúc ngủ em vẫn giật mình vì sự nghèo khó, vất vả khi ở nơi đất khách.

Theo lời Chờ, tuổi còn nhỏ, mấy anh em khi ấy chưa hiểu hết chuyện của người lớn cũng như sự vất vả của bố mẹ để lo chỗ ăn, nghỉ và phát nương gieo trồng lúa, ngô nhưng thấy tủi thân vì không có bạn, bởi các gia đình ở cách nhau cả quả đồi. Sáng nhìn thấy núi, đồi, cây cối rậm rạp, tắt nắng là màn đêm tăm tối bao phủ ánh đèn dầu leo lét cùng tiếng thở dài, trách móc nhau của bố mẹ. Không được đi học vì quá xa trường lại không đăng ký hộ khẩu nên hằng ngày, mấy anh em Chờ đều phải lên nương giúp bố mẹ làm việc hoặc tự trông nhau. “Về quê hương, có anh em, bạn bè, làng xóm mới thấy cuộc sống có ý nghĩa” - Chờ bảo.

Đang dở câu chuyện thì vợ chồng anh Vàng về. Nhanh chóng rửa tay, thay bộ quần áo lấm bùn ruộng, anh Chờ rót cốc nước cây lá rừng mời chúng tôi. Nhắc đến chuyện cũ, anh nói với giọng chắc nịch: “Cho tiền tôi cũng không đi nữa đâu. Không đâu bằng quê hương cô ạ!”.

anh vàng

Anh Vàng chăm sóc mía tím.

Được biết, anh Vàng quyết định dẫn vợ con ly hương là do ý chủ quan. Bởi, khi ấy cuộc sống gia đình tuy không quá vất vả nhưng vì trong bản đã có vài hộ di cư sang xã Nậm Kè, một lần đi thăm thân, anh thấy đất đồi, nương ở đó rất nhiều, dễ dàng khai hoang trồng trọt. Ở bản, đất canh tác hạn chế, chỉ trồng 1 vụ lúa, nương trồng thảo quả ít nên anh cho rằng: Có đất là có cái ăn, cái mặc và thêm cơ hội đổi đời chứ không nghĩ quá xa về chuyện tương lai, chuyện học hành của bọn trẻ cũng như vi phạm pháp luật khi di cư tự do.

Sau khi vợ chồng bàn bạc và ngầm thống nhất với một số hộ trong bản, anh quyết định bán hết ruộng, nhà, 5 con trâu được 37 triệu đồng rồi khăn gói trốn khỏi bản trong đêm (không thông báo với chính quyền địa phương). Phương tiện duy nhất là đi xe máy, rồi thuê xe ô tô chở cả mấy gia đình đến khu vực định cư. Chi phí đi đường, mua thêm 1 con lợn, vật liệu dựng lán, đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, số tiền mang theo dần cạn. Khó khăn nhất lúc này là đến phần đất đồi nào ở khu vực gần nguồn nước đều có chủ, gia đình anh phải lui vào khu vực rừng sâu, tìm những quả đồi chưa có ai đánh dấu để khai phá, trồng trọt. 

Ngày ngày vợ chồng anh Vàng cùng các con phát nương, đốt cỏ, cuốc đất để gieo hạt. Nhưng vì mưa nắng thất thường, xa nguồn nước và thiếu đầu tư phân bón nên cây lúa, cây ngô còi cọc qua mỗi vụ sản xuất. Đất canh tác mở rộng dưới đôi bàn tay cần cù, chịu khó của vợ chồng anh nhưng lương thực lại không đầy bồ bao giờ. Các con dần lớn, nhu cầu chi tiêu tăng thêm, anh cố gắng phát rồi lại đốt và vòng quay luẩn quẩn ấy kéo dài 7 năm, cuối cùng anh cũng quyết định bỏ lại “miền đất hứa” đưa gia đình về bản cũ. Vì như vậy mới có đường sống bởi sức người có hạn mà mùa vụ thất bát liên tục.

Anh Vàng trầm ngâm: Quyết định quay về là cả sự trăn trở vì khi đi gia đình tôi không hề báo cáo chính quyền, thậm chí đến bố mẹ, anh em cũng không biết (bán tài sản đều được giấu kín), giờ liệu có được chào đón, tạo điều kiện. Nhưng dù sao đó cũng là quê hương, đồng bào mình nên chắc chắn sẽ có cơ hội làm lại từ đầu. Đến bây giờ, quyết định đó của tôi hoàn toàn đúng.

Khi trở về, gia đình anh ở nhờ nhà người con trai cả và cùng 3 hộ trở về báo cáo cấp ủy, chính quyền, nhờ giúp đỡ, tạo điều kiện về mặt pháp lý (nhập khẩu), chính sách hỗ trợ của nhà nước trong sản xuất để sớm ổn định cuộc sống. Các con đã lớn, gia đình anh tập trung đi làm thuê và vay mượn thêm anh em mua đất ruộng, nương chè của bà con sở tại để canh tác. Đồng thời, đảng viên trong Chi bộ cũng giúp đỡ lúc cân gạo, khi con gà, vịt giống để gia đình anh có thêm điều kiện phát triển kinh tế.

Cần cù, chịu khó, quyết tâm làm lại, gia đình anh Vàng dần có nguồn thu ổn định và tích cóp làm được nhà riêng, xây dựng gia đình cho các con. Đến nay, cuộc sống thực sự ổn định cả về kinh tế và tinh thần.

Trao đổi với chúng tôi, anh Giàng A Cháng - Trưởng bản Hô Be khẳng định: Đối với các hộ bỏ quê sang địa phương khác làm ăn, khi trở về, một mặt chúng tôi hoan nghênh, tạo mọi điều kiện để sớm ổn định cuộc sống nhưng cũng tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật. Gia đình anh Vàng là điển hình về sự nỗ lực vươn lên khi 12 năm xa quê quay lại với đôi bàn tay trắng sớm xây dựng được cơ ngơi khang trang và tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân trong bản “an cư” để lạc nghiệp.

Trong câu chuyện với bố con anh Vàng, chúng tôi được nghe rất nhiều lần câu nói: “Không đâu bằng quê hương”. Hy vọng, câu chuyện này sẽ giúp nhiều gia đình có ý định ly hương đi tìm “miền đất hứa” tỉnh mộng nếu chưa thực sự chắc chắn về tương lai.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...