Thứ sáu, 29/03/2024, 08:15 [GMT+7]

Kiểm soát chặt chẽ rác thải y tế

Thứ năm, 21/05/2020 - 15:05'
(BLC) - Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, đặc biệt là xử lý chất thải lỏng đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.

BVĐK tỉnh là cơ sở y tế quy mô lớn nhất tỉnh, số lượng bệnh nhân đông, lại nằm trong khu vực đông dân cư. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 300 – 400 bệnh nhân, có thời điểm lên tới 600 bệnh nhân. Vì vậy, lượng rác thải y tế rất lớn, theo báo cáo của BVĐK tỉnh trung bình hàng năm lượng nước thải y tế phát sinh 55.000m3/năm; chất thải y tế thông thường 1.440 tấn/năm; chất thải lây nhiễm sắc nhọn 450kg/năm; chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao 450kg/năm. Do đó, để hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu vực dân cư sống xung quanh, Bệnh viện chỉ đạo các khoa lâm sàng, cận lâm sàng và các phòng chức năng thực hiện nghiêm ngặt các quy trình phân loại, tập kết và xử lý chất thải y tế.

Chia sẻ với chúng tôi, Bác sỹ chuyên khoa II Đào Việt Hưng - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Tại mỗi khoa, phòng, Bệnh viện đều đặt các thùng rác và túi đựng chất thải có mã màu đúng quy định cho từng loại, có bảng hướng dẫn phân loại chất thải y tế gắn tại các vị trí cần thiết. Theo đó, tất cả các chất thải đều được phân loại tại nơi phát sinh và ngay tại thời điểm phát sinh, các nhân viên y tế sẽ tiến hành phân loại cho vào thùng, theo túi màu đã quy định như: màu vàng đựng chất thải lây nhiễm, màu xanh đựng chất thải không lây nhiễm, có hộp đựng vật sắc nhọn. Đồng thời, chỉ đạo các khoa hướng dẫn cho các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về nội quy khoa, phòng, nơi đổ rác, phân loại rác để giữ gìn vệ sinh xanh - sạch - đẹp”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay quy trình xử lý rác thải rắn của Bệnh viện được đầu tư đảm bảo các điều kiện không ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, hàng năm đều có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá, xét nghiệm của các cơ quan chức năng. Riêng với chất thải y tế nguy hại (chất thải phẫu thuật, chất thải sắc nhọn, chất thải lây nhiễm) đều được phân loại tại các khoa phòng phát sinh nguồn thải, sau đó được vận chuyển về nhà lưu giữ chất thải y tế của Bệnh viện. Từ năm 2011 - 2015, BVĐK tỉnh xử lý chất thải y tế bằng công nghệ đốt nhưng đến năm 2016 chất thải y tế nguy hại của Bệnh viện được xử lý bằng công nghệ hấp ướt tích hợp nghiền cắt chất thải. Riêng với chất thải lỏng thì toàn bộ nước thải Bệnh viện được thu gom trực tiếp vào cống thoát nước và được dẫn về khu xử lý. Tại đây toàn bộ nước thải của Bệnh viện phát sinh trong quá trình hoạt động được thu gom đưa về xử lý tập trung bằng công nghệ Biofast – AAO.MBR/MBBR với công suất khoảng 300m3/ngày/đêm. Nước thải sau xử lý đảm bảo đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế trước khi xả vào nguồn tiếp nhận thì mới được đấu chung hòa vào hệ thống xử lý nước thải của thành phố. Toàn bộ rác thải bệnh nhân, rác thải sinh hoạt thu gom riêng, Bệnh viện cũng ký kết với Công ty Cổ phần môi trường đô thị Lai Châu để quét dọn vệ sinh, thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt để mang đi xử lý.

Rác thải y tế được nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đưa vào máy xử lý theo đúng quy trình.

Rác thải y tế được nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BVĐK tỉnh đưa vào máy xử lý theo đúng quy trình.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực lò đốt rác của Bệnh viện, anh Đỗ Xuân Chung - Phó Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BVĐK tỉnh) cho biết: “Hiện tại 28 khoa, phòng đều làm tốt việc phân loại chất thải rắn y tế theo quy định, quy trình xử lý rác thải thực hiện đúng quy trình. Chất thải y tế phát sinh ngay tại các khoa, phòng sẽ được thu gom tại nơi phát sinh, phân loại theo đúng quy định các bảng màu, đến 16h hàng ngày nhân viên của Công ty Cổ phần môi trường đô thị Lai Châu thu gom vận chuyển đến nơi xử lý rác thải tập trung. Chất thải nguy hại sẽ được xử lý bằng công nghệ nghiền cắt tích hợp hấp ướt có ưu điểm đảm bảo, thân thiện với môi trường, còn một số ít sẽ được xử lý đốt như: chất thải sắc nhọn. Chất thải sinh hoạt thì được nhân viên Công ty Cổ phần môi trường đô thị Lai Châu chuyển đi vào buổi tối. Ngoài ra, tất cả bệnh nhân khi vào viện được hướng dẫn quy định phân loại rác (rác thải sinh hoạt cho vào thùng màu xanh), trên các thùng rác có biểu tượng, dòng chữ, hình ảnh để người dân tiện theo dõi, phân loại. Nhờ vậy, ý thức của bà con trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung được nâng lên”. 

Bên cạnh đó, hướng tới mục tiêu giảm thiểu và loại bỏ dần chất thải nhựa trong ngành Y tế, BVĐK tỉnh đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”. Bệnh viện tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy. Trong các hoạt động của cơ quan, sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ, bình đựng nước khi hội họp, tiếp khách. Đồng thời, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho toàn bộ cán bộ viên chức và người lao động động trong Bệnh viện.

Từ việc phân loại, kiểm soát chặt chẽ các loại rác thải y tế, rác thải sinh hoạt cũng như quá trình xử lý chất thải nguy hại tại BVĐK tỉnh đã và đang góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...