Thứ năm, 25/04/2024, 23:35 [GMT+7]

Lớp học chữ đặc biệt nơi vùng cao Than Uyên

Thứ hai, 21/09/2020 - 16:39'
Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC), nhiều năm qua, huyện Than Uyên đã mở nhiều lớp học xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao. Qua đó, nâng cao trình độ, nhận thức của Nhân dân, góp phần đẩy mạnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngày nào cũng vậy, cứ đến 19 giờ 30 phút, chị Mùa Thị Mảy (bản Tu San, xã Tà Mung, huyện Than Uyên) lại gọi các chị em trong bản soi đèn đến điểm trường học chữ. Trên con đường mịt mờ chỉ có những ánh đèn pin chiếu le lói, tiếng bước chân, tiếng nói chuyện râm ran của các chị khiến cả khoảng không gian tĩnh lặng bỗng trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn. Chị Mảy bảo: Tôi đi học lớp XMC được gần 4 tháng rồi, đi học vui lắm, thích lắm!

Nghe chị nói vậy, chúng tôi tò mò về lớp học nên quyết định đi cùng. Vừa tới điểm trường tiểu học của bản, khi ấy gần 8 giờ tối, lớp học đã đông đủ với hơn 20 học viên. Chúng tôi gọi là “lớp học đặc biệt”, bởi trong lớp người lớn tuổi nhất năm nay gần 60 tuổi, người nhỏ tuổi nhất ngoài 20 tuổi; còn có cả các bà đeo kính đi học, người mẹ trẻ địu con trên lưng đi tìm “cái chữ”. Vào tiết tiếng Việt, những “học sinh đặc biệt” này được thầy giáo trẻ Thào A Rủa dạy cách đánh vần, ghép âm rồi đọc thành tiếng. Tiếng thước kẻ của thầy giáo gõ trước, chỉ chữ trên bảng đến đâu, học viên đồng thanh đọc theo đến đó. Âm thanh vang trong trẻo hòa quyện với nhau làm cho không khí lớp học trở nên vui hơn, ấm cúng hơn, xua tan đi cái se lạnh của màn đêm.

Người dân bản Tu San, xã Tà Mung (huyện Than Uyên) tích cực đến lớp học xóa mù chữ.

Thầy Thào A Rủa, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Tà Mung cho hay: Đây là lớp thứ 3 tôi dạy từ năm 2017 đến nay, các lớp học của tôi toàn là người lớn tuổi, bây giờ mới tiếp cận với tiếng phổ thông, nên việc dạy học cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo thời gian, giúp cho người dân đọc được chữ, tôi phải dạy song song 2 ngôn ngữ là tiếng phổ thông và tiếng Mông của dân tộc mình; dùng phương pháp ghép âm đánh vần cũ đơn giản để mọi người dễ đọc. Đối với phần viết chữ, viết số, với người trẻ tuổi thì không mất nhiều thời gian, nhưng với các ông, các bà lớn tuổi, tôi phải chỉ cách cầm bút, cầm tay dạy viết từng nét, từng chữ một; dạy học sinh mới vào lớp 1 như thế nào thì dạy mọi người ở đây thế đó, nhưng cần sự kiên trì nhiều hơn. Sau khoảng 2 tháng, những người dân này đã biết đọc, biết viết chữ rồi. Với các lớp học XMC, chúng tôi dạy môn toán, tiếng Việt, tự nhiên - xã hội từ lớp 1 đến lớp 3.

Được biết, thời điểm này, toàn huyện có khoảng 10 lớp học XMC ở các xã Tà Mung, Mường Kim, Khoen On, Tà Hừa… Trước thực trạng trình độ dân trí của người dân trên địa bàn thấp, không đồng đều; nhất là ở các xã vùng cao tỷ lệ người không biết chữ, không biết tiếng phổ thông cao khiến cho công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện… gặp nhiều khó khăn. Để giảm tỷ lệ mù chữ cho người dân, những năm qua, huyện Than Uyên đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân về tầm quan trọng của việc biết chữ; quan tâm, thành lập Ban Chỉ đạo PCGD, XMC của huyện, xã/thị trấn; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ PCGD, XMC giai đoạn 2016-2020. Đồng thời chỉ đạo BCĐ PCGD, XMC các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tích cực vận động người dân trong độ tuổi còn mù chữ ra học các lớp XMC và lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (GDTTSKBC) nhằm nâng cao kết quả biết chữ, duy trì sỹ số, tỷ lệ chuyên cần.

Ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Hằng năm, phòng tích cực tham mưu các cấp về kinh phí để mở các lớp XMC; huy động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ học viên về đồ dùng học tập (đối với những xã khu vực I, II không có kinh phí mở lớp). Bên cạnh đó, phòng thường xuyên kiểm tra, tư vấn về phương pháp dạy học cho các giáo viên đứng lớp XMC; chỉ đạo nhà trường phân công những thầy cô giáo là người địa phương, có kinh nghiệm giảng dạy để tham gia giảng dạy các lớp XMC mở tại địa phương mình.

Từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở 49 lớp với 906 học viên, trong đó có 46 lớp XMC với 827 học viên, 3 lớp GDTTSKBC với 79 học viên. Nhờ đó, đã nâng cao tỷ lệ biết chữ của toàn huyện ở các độ tuổi, cụ thể như: độ tuổi 15-60 tuổi, tỷ lệ biết chữ đạt 83,4% (tăng 5,3% so với năm 2015); độ tuổi 15-35 tỷ lệ biết chữ đạt 95,3%; độ tuổi 15-25 có 98,9% người biết chữ. Điều này đã góp phần nâng cao dân trí, giúp người dân tiếp cận tốt hơn với các thông tin văn hóa, kiến thức chuyển giao khoa học, kỹ thuật; tham các lớp đào tạo nghề ngắn hạn để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, tăng thu nhập. Mặt khác, đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân mong muốn đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh ở các cấp bậc học...

Anh Sùng Chờ Dê (bản Đán Tọ, xã Tà Mung) chia sẻ: Nhờ có lớp XMC, đến nay tôi đã đọc thông, viết thạo tiếng Việt, biết soạn, đọc tin nhắn trên điện thoại; hiểu hơn về các chính sách, hỗ trợ của Đảng; nghe thông tin trên tivi, đài truyền thanh hiểu thêm các kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc lúa, chè để áp dụng vào sản xuất tốt hơn.

Hy vọng, thời gian tới, huyện tiếp tục mở các lớp XMC để những người dân nơi vùng cao còn nhiều khó khăn học chữ. Qua đó, giúp họ biết, hiểu thêm các kiến thức, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế thoát nghèo; tăng cường các hoạt động giao lưu, buôn bán giữa các dân tộc trên địa bàn huyện.

 Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...