Thứ sáu, 29/03/2024, 20:37 [GMT+7]

Lai Châu: Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công tăng vượt bậc

Thứ sáu, 12/07/2019 - 10:27'
(BLC) - Với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ khâu tuyên truyền, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá, năm 2018, Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (viết tắt là PAPI) của Lai Châu tăng vượt bậc, đạt 44,42 điểm, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 11,32 điểm và 37 bậc so với năm 2018).

Chỉ số PAPI được đánh giá theo 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân cấp ở cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Theo công bố của UBND tỉnh, trong 8 nội dung trên, 6/6 nội dung đánh giá từ năm 2011 - 2018 đều tăng điểm (chỉ số thành phần tăng cao nhất là 1,37 điểm, tăng thấp nhất là 0,09 điểm). 2 nội dung đánh giá mới được triển khai năm 2018 là chỉ số quản trị môi trường và chỉ số quản trị điện tử, tỉnh Lai Châu cũng nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước.

Theo đó, năm 2018, chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở tăng 0,4% so với năm 2017. Đáng chú ý là sự tham gia quyết định của người dân về các công trình công cộng tăng cao nhất (0,27%). Điều đó khẳng định người dân tỉnh Lai Châu đã tích cực hơn trong việc tham gia thảo luận, theo dõi, giám sát việc xây mới hoặc tu sửa các công trình công cộng trên địa bàn.

Chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân được bổ sung thêm 2 nội dung (giải quyết khiếu nại, tố giác của người dân và tiếp cận dịch vụ tư pháp) thay thế tiêu chí tính tích cực của chính quyền địa phương trong việc đáp ứng kiến nghị của công dân và hiệu quả của Ban Thanh tra Nhân dân. Đối với nội dung đánh giá mức độ hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương, năm 2018 Lai Châu đạt 1,97/3,33 điểm, tăng 0,23 điểm so với năm 2017. Tiêu chí giải quyết khiếu nại, tố giác của người dân đạt 1,09/3,33 điểm, xếp trong nhóm trung bình cao. Tuy nhiên tiêu chí tiếp cận dịch vụ tư pháp chỉ đạt 1,81/3,33 điểm, xếp trong nhóm thấp của cả nước, cần có giải pháp sớm cải thiện trong năm 2019.

Nổi bật là chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,69/10 điểm, xếp hạng 20/63 cả nước (tăng 1,37 điểm và 37 hạng so với năm 2017). 4/4 tiêu chí đánh giá của chỉ số này đều tăng điểm so với năm 2017. Tăng cao nhất là tiêu chí kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, tăng 0,49 điểm xếp trong nhóm có điểm cao của cả nước, tiếp đến là tiêu chí quyết tâm chống tham nhũng tăng 0,36 điểm. Thực tế cho thấy trong năm 2018, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm đảm bảo nguyên tắc “xử lý không có vùng cấm”. Sự vào cuộc của chính quyền các cấp đã được người dân ghi nhận, đánh giá cao, có niềm tin trong công cuộc phòng, chống và xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng trong khu vực công của tỉnh.

Các dịch vụ y tế ngày càng hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh giờ đây chỉ cần làm thủ tục một lần tại bộ phận tiếp đón.

Các dịch vụ y tế ngày càng hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong ảnh: Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh giờ đây chỉ cần làm thủ tục một lần tại Bộ phận tiếp đón.

Với xu thế phát triển chung của xã hội, Lai Châu cũng đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ công, trong đó tập trung vào các dịch vụ y tế, giáo dục (2 dịch vụ thiết yếu, liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân). Tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị, các điểm sinh hoạt cộng đồng, các khu vui chơi, giải trí… được người dân đánh giá cao trong năm 2018. Do đó, chỉ số cung ứng dịch vụ công của tỉnh năm qua tăng cả về số điểm và thứ hạng với 7,01/10 điểm, xếp hạng 36/63 cả nước.

Bà Nguyễn Thị Tính (cán bộ hưu trí ở thành phố Lai Châu) cho biết: Tôi thường đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khác với nhiều năm trước, hơn một năm trở lại đây, Bệnh viện có nhiều cải tiến trong khám chữa bệnh. Nhân viên hướng dẫn thái độ đón tiếp niềm nở, người dân được sử dụng máy bấm số chờ tới lượt khám bệnh, hồ sơ bệnh án điện tử được kết nối giữa các khoa, phòng. Chúng tôi mong Bệnh viện tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ để hạn chế chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Từ năm 2018, chỉ số quản trị môi trường và chỉ số quản trị điện tử bắt đầu được đưa vào đánh giá, nhằm nắm bắt đánh giá của người dân về 2 vấn đề mà môi trường tác động trực tiếp đến sức khỏe con người (chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước sinh hoạt) và 2 khía cạnh mang tính tương tác của Chính phủ điện tử (mức độ sẵn có và sử dụng dịch vụ công trực tuyến do chính quyền cung cấp). Mặc dù các tiêu chí đánh giá, tỉnh Lai Châu đều được xếp trong nhóm các tỉnh có điểm trung bình cao của cả nước, nhưng chất lượng nguồn nước sinh hoạt thì điểm chưa cao. Nội dung tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương, Lai Châu nằm trong nhóm các tỉnh có điểm trung bình thấp.

Để cải thiện chỉ số PAPI, giải pháp tối ưu vẫn là tỉnh tiếp tục tuyên truyền tới các tầng lớp Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đang thực hiện trên địa bàn để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhu cầu tuyển dụng trong khu vực công. Nâng cao trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Ngành Y tế, Giáo dục nâng cao chất lượng, thực hiện phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục đào tạo công lập, y tế công lập trên địa bàn...

Tin rằng, với các giải pháp phù hợp, hướng tới cải thiện, nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân của chính quyền địa phương, năm 2019, chỉ số PAPI tỉnh sẽ tiếp tục tăng điểm, tăng hạng so với năm 2018.

Hải Nam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...