Thứ sáu, 29/03/2024, 03:04 [GMT+7]

Những chiến binh thầm lặng cho thành phố hồi sinh

Thứ tư, 23/02/2022 - 09:17'
Với những tình nguyện viên xung phong đi chống dịch ở TP Hồ Chí Minh hạnh phúc có mầu xanh, là mầu của sự sống và hồi sinh. Ngước nhìn trời xanh, ngất ngây trong sắc xuân đang tràn về, lại bồi hồi nhớ về một mùa dịch đau thương nhưng cũng thật tự hào về sức mạnh nhân ái trong trái tim mỗi người.

Các tình nguyện viên ngày đêm sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Hạnh phúc là luôn vững tin

Tôi nhận được lời chúc Tết của điều dưỡng Ngọc Diệp từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): "Em sẽ nhớ mãi những ngày tháng chống dịch gian khổ và không thể quên một đám cưới thật đặc biệt của em, được tổ chức online trong Bệnh viện dã chiến số 16. Em mong các tình nguyện viên luôn mạnh khỏe để chung tay với lực lượng y tế và nhiều bệnh nhân sớm khỏi bệnh đoàn tụ với gia đình".

Nhận được tin em trong những ngày xuân đang tràn về, hoa mai rực rỡ khoe sắc ở phương nam, lại nhớ lời bố của em nhắn nhủ từ Hà Nội vào Bệnh viện dã chiến số 16 trong ngày tổ chức đám cưới online cho em vào tháng 8/2021 rằng: "Hạnh phúc là niềm tin chiến thắng đại dịch. Hạnh phúc luôn hiện diện, hồi sinh quanh ta, càng khó khăn, vất vả, gian khổ thì hạnh phúc càng có ý nghĩa... Các con hãy vững vàng, chân cứng đá mềm, để góp phần cứu chữa bệnh nhân". Một đám cưới mà cô dâu ở bệnh viện dã chiến còn gia đình, họ hàng, chú rể ở Hà Nội. Nhưng không gian, khoảng cách địa lý không ngăn cách được tình yêu thương và hạnh phúc lứa đôi. Trong những ngày tháng 8 gian khổ ở TP Hồ Chí Minh, gần 800 y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ y tế của thành phố. Chúng tôi, những tình nguyện viên trong Bệnh viện dã chiến số 16 đặt tại quận 7 đều mong mỏi, đại dịch sẽ nhanh được đẩy lùi, Tết này bắc nam sẽ được sum họp. Thời khắc ấy, mong ước ấy, cảm thấy thật khó khăn. Vậy mà đã thành hiện thực. Đó là nhờ bản lĩnh, trí tuệ và đặc biệt là tình yêu thương.

Hôm ấy, TS Trương Anh Thư, công tác tại Khoa Kiểm soát khử khuẩn của Bệnh viện Bạch Mai vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, đã nhắn tin muốn tôi mượn giúp một bộ quần áo dài mầu trắng vì sắp đến ngày cưới của Ngọc Diệp mà em không thể về Hà Nội, em đang góp sức cứu chữa cho bệnh nhân trong khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 16.

Hy sinh cả hạnh phúc riêng tư để lên đường chi viện cho miền nam. Khi vừa đi trao bình oxy ở Hà Tiên, Kiên Giang quay về, khá mệt, nhưng cảm động trước sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ ở Hà Nội, nên cả nhóm đề nghị được chuẩn bị một đám cưới online ngay tại Bệnh viện dã chiến. Ban đầu chỉ tính tổ chức trong cái phòng 12 m2 nho nhỏ, là phòng nghỉ của y bác sĩ giữa những giờ trực chiến. Nhưng với sự ủng hộ của TS, BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai, cả nhóm đã lên chương trình sao cho giản dị, gọn nhẹ, khắc phục những thiếu thốn trong Bệnh viện dã chiến nhưng vẫn đủ trang trọng và an toàn 5K.

Khi đó, cả thành phố đang bị ốm, các cửa hàng đóng cửa hết, vậy mà đám cưới vẫn đủ hoa tươi, trái cây, quả hộp, phông mầu đỏ và một chiếc bánh cưới. Tôi được giao nhiệm vụ làm MC, chủ hôn, viết lời dẫn, mua quà cưới. Phần văn nghệ, nhóm đã chuẩn bị hát một bài hát về Hà Nội. Các thầy tu và sơ trong nhóm tình nguyện viên cũng có hai tiết mục hát chúc hạnh phúc cho hai bạn. Tất cả phải chuẩn bị trong vòng một buổi sáng, hai xe pickup chở oxy thành xe chở đạo cụ. Đúng 3 giờ chiều đám cưới diễn ra, trong nụ cười và cả những giọt nước mắt, khép lại sau 40 phút.

Tình nguyện viên Mai Hương đi tìm đặt bánh cưới và hoa cô dâu, chị chủ tiệm khi biết về đám cưới đặc biệt này đã không lấy tiền, còn đóng hộp chu đáo. Bác chủ tiệm cửa hàng bán đồ lưu niệm cũng đã tặng cái khung ảnh rất đẹp: "Con cứ tặng cho chu đáo, y bác sĩ vô đây cứu người thành phố mình, mấy quà này nhỏ bé lắm con". Liên tiếp trong những ngày sau đó, rất nhiều bệnh nhân nặng Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện dã chiến số 16 đã được xuất viện trong niềm vui vỡ òa của các thầy thuốc và người thân. Trong đó, có rất nhiều bệnh nhân khi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, phải thở máy.

Chứng kiến những khó khăn vất vả mà y bác sĩ của Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và lực lượng y tế cả nước nói chung đã giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19, những tình nguyện viên chúng tôi thật sự cảm phục. Và nhận ra, hạnh phúc có mầu lấp lánh của những chiếc áo blue trắng, của những y bác sĩ tràn đầy tinh thần trách nhiệm và niềm tin chiến thắng đại dịch.

Hạnh phúc hồi sinh từ tình yêu thương

Ấy vậy mà điều dưỡng Ngọc Diệp lại nói với tôi rằng, hạnh phúc có mầu xanh yêu thương của chúng tôi, các tình nguyện viên của TP Hồ Chí Minh. Hồi trung tuần tháng 7/2021, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một nhóm tình nguyện viên mặc áo xanh choàng vai nhau trên thùng chiếc xe bán tải dưới cơn mưa tầm tã như trút nước. Tác giả bức ảnh gây xúc động đối với nhiều người trong thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch là Mai Xuân Tứ, tình nguyện viên của nhóm "Phản ứng nhanh vì Sài Gòn". Khi ấy, Tứ chở một nhóm tình nguyện viên đang chạy phía sau. Cả đội sau khi phun khử khuẩn xong về gặp trời mưa như trút nước, mà đoạn đường không có chỗ trú. Do tính chất công việc nên người trong và ngoài xe không được tiếp xúc cho đến khi về đến trạm để khử khuẩn nên các bạn choàng vai ôm nhau cho đỡ lạnh dưới trời mưa trắng xóa.

Đội "Phản ứng nhanh vì Sài Gòn" sau này trở thành đồng đội của tôi trong dự án thiện nguyện "Trao oxy-Trao sự sống" bao gồm 100 tình nguyện viên là doanh nhân, kỹ sư, giám đốc các dự án vì cộng đồng, kiến trúc sư, chuyên gia tài chính, nghệ sĩ, họa sĩ... Các bạn dùng xe bán tải cá nhân để vận chuyển hàng hóa, thực phẩm, suất ăn, vật phẩm y tế... hỗ trợ người nghèo ở các khu bị phong tỏa, cách ly, bệnh viện dã chiến.

Từ tháng 8/2021, khi dịch bùng phát chóng mặt, những trái tim nhiệt huyết đó tiếp tục vận hành dây chuyền thứ hai của dự án "Trao oxy-Trao Sự sống", với nhiệm vụ thu vỏ rỗng tại các bệnh viện, nạp đầy oxy và giao tới các khoa cấp cứu. Những con đường từ trạm oxy Linh Trung, Thủ Đức hay từ VICASA Biên Hòa tới các bệnh viện tại trung tâm thành phố đều ghi dấu chân của các tình nguyện viên. Hàng nghìn lượt bình oxy 0 đồng, hàng trăm chuyến xe bán tải 0 đồng, đã được quay vòng không kể ngày đêm như thế.

Tôi gọi các tình nguyện viên là những chiến binh thầm lặng khi họ đã chọn cách sẵn sàng bước qua lằn ranh đỏ sinh tử, không ngại hiểm nguy, lây bệnh để góp phần cứu người. Còn nhớ những cái tên Thái Phương Thanh, Hồ Quốc Thắng, Nguyễn Minh Thiện, Nguyễn Trọng Toàn, Đinh Khánh Nam... đã cùng chúng tôi hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà theo tôi chỉ có thể là mệnh lệnh từ trái tim giàu lòng yêu thương.

Hạnh phúc là khi ta chọn cách sống đẹp

Hòa vào dòng tình nguyện viên yêu thương và dũng cảm của TP Hồ Chí Minh đi chống dịch, tôi đã cảm nhận thật đầy đủ giá trị thiêng liêng về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam giàu lòng yêu thương và nhân ái.

Cái kho mượn tạm từ một nhà hảo tâm, nóng bức, muỗi đốt ở Bến Bình Đông, quận 8 đã trở thành ngôi nhà chung của những nhóm tình nguyện viên. Hàng chục tấn gạo, thực phẩm, oxy, từ những tấm lòng hảo tâm được tập kết tại kho. Thật lạ là cứ vơi lại đầy. Những bữa "buffet" vội vã giữa lúc chống dịch chỉ có mỳ gói, cơm chiên, bánh mì, đều phải ăn vội rồi động viên nhau vững tâm chống dịch. Có những doanh nhân hảo tâm âm thầm giúp bệnh nhân, người nghèo, không một lần kể về mình, ai cũng nói: Tất cả vì cứu đồng bào!

Nhờ những bữa cơm đạm bạc mùa dịch mà các tình nguyện viên có dịp bộc bạch hoàn cảnh của nhau. Có bạn đã từng là F0, vậy mà sau khi khỏi bệnh, vẫn xin đi phát thuốc cho các F0 khác không mệt mỏi. Có bạn cả gia đình là F0, xin vào bệnh viện chăm sóc cho gia đình và chăm luôn cả những bệnh nhân cấp cứu khác nữa. Nhiều bạn có người thân qua đời vì Covid, vậy mà không sợ hãi, vẫn xung phong đi vào tuyến đầu.

Khi tôi hỏi Giang, một tình nguyện viên mới 21 tuổi, ngoài giờ đi giao oxy, em còn là người nhiệt tình nhất khi vác bình oxy cỡ nhỏ đi cứu F0, rằng em có sợ lây bệnh không, lúc ấy em đã tiêm phòng chưa. Giang bộc bạch, lúc đầu tham gia thì chưa được tiêm mũi nào và rất lo lắng việc lây bệnh, nhưng khi nhìn thấy các tình nguyện viên khác lớn tuổi hơn, vẫn dũng cảm chở oxy vào bệnh viện thì em cảm thấy mình không thể nào trú ẩn an toàn trong nhà được.

Mỗi người đều là một chiến sĩ. TP Hồ Chí Minh kiên cường vượt qua gian khó, thử thách để đẩy lùi đại dịch, cuộc sống trở lại bình thường mới, mùa xuân lại về. Hạnh phúc là thành phố đã hồi sinh, bằng bản lĩnh, trí tuệ niềm tin và tình yêu thương lan tỏa trong hàng triệu trái tim người Việt Nam nói chung và người dân thành phố nói riêng.

Các tình nguyện viên ngày đêm sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Cập nhật Thứ Ba, 25-01-2022, 12:16/Bài và ảnh HOÀNG ANH/nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...