Thứ sáu, 29/03/2024, 13:12 [GMT+7]

Sìn Hồ: Khó khăn trong quản lý tài nguyên khoáng sản

Thứ ba, 24/08/2021 - 17:38'
(BLC) - Sìn Hồ được thiên nhiên ưu ái cho nguồn tài nguyên phong phú, trong đó có nhiều khoáng sản quý. Những năm gần đây, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng địa hình hiểm trở, chia cắt, đẩy mạnh tìm kiếm, khai thác khoáng sản trái phép. Chính quyền huyện gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Việc thăm dò, tìm kiếm và khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Sìn Hồ diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp; thu hút nhiều đối tượng xấu đến, trong đó có cả đối tượng bị truy nã. Vì lợi nhuận cao, cuộc sống khó khăn và do thiếu hiểu biết, một bộ phận người dân địa phương trực tiếp tham gia vào hoạt động này và hỗ trợ hậu cần cho các nhóm khai thác, dẫn đến tình trạng thiên nhiên bị tàn phá; môi trường sinh thái, đất nông nghiệp bị ô nhiễm. Nếp sống của người dân vùng có tài nguyên khoáng sản bị xáo trộn, an ninh trật tự, an toàn xã hội bị ảnh hưởng. 

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác vàng tại xã Noong Hẻo.

Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tại xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ), lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra truy quét các đối tượng khai thác vàng, qua đó tịch thu 5 máy nghiền, 5 máy phát điện... do các đối tượng sử dụng để khai thác khoáng sản; xử phạt 350 triệu đồng đối với 5 trường hợp khai thác vàng trái phép. Ngoài ra, còn áp dụng các hình phạt bổ sung: phải thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn. 

Ông Lò Văn Lương - người dân xã Noong Hẻo tâm sự: Vàng sa khoáng được người dân trong xã phát hiện từ nhiều năm qua. Thời gian đầu cứ nghĩ đây là may mắn của xã, nhưng rồi việc khai thác vàng trái phép diễn ra khiến môi trường sống, nông nghiệp của xã bị ảnh hưởng tiêu cực. Chính quyền xã, huyện đã can thiệp dẹp bỏ bằng cách thu giữ máy móc, phá sập hầm mỏ nhưng khi lực lượng chức năng rút đi, thì các đối tượng quay trở lại hoạt động.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, những năm qua, các phòng chuyên môn huyện phối hợp với chính quyền các xã, thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, thăm dò tìm kiếm khoáng sản trái phép. Đồng thời, vận động người dân không tiếp tay cho các hoạt động này. Ông Nguyễn Đình Định - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sìn Hồ cho biết: Việc tự ý thăm dò, tìm kiếm và khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện đã được một số người dân theo dõi nắm tình hình, báo cáo cơ quan chức năng. Phòng phối hợp với các cơ quan liên ngành thường xuyên kiểm tra, vận động người dân ở địa phương không thực hiện các hoạt động khai thác trái phép, không tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân đến  khai thác trái phép. Đồng thời, xử lý nghiêm các đơn vị đang hoạt động không có giấy phép. Việc rà soát giấy phép hoạt động, cấp phép và kiểm tra các cơ sở khai thác được thực hiện liên tục để đánh giá đúng tiêu chuẩn hoạt động và năng lực của các đơn vị khai thác, đảm bảo đủ điều kiện mới cho hoạt động.

Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nhiều vùng chồng lấn với các địa phương khác, lực lượng chức năng còn mỏng nên hoạt động kiểm tra, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn còn nhiều bất cập, đặc biệt trong mùa mưa lũ, giao thông bị hạn chế. Và đây cũng chính là thời gian hoạt động mạnh của các nhóm khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Cũng vì thế, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Các nhóm khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép đã nhiều lần bị lực lượng chức năng truy quét. Nhưng cũng chỉ hạn chế được một thời gian ngắn. Trong khi đó, chính quyền cấp huyện, xã, gặp nhiều vướng mắc về quyền hạn pháp lý trong quản lý hành chính (cấp xã bị giới hạn về thẩm quyền kiểm tra xử lý).

Theo ông Quàng Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND xã Noong Hẻo, địa bàn xã còn 4 điểm thường xuyên bị đào xới tìm vàng. Tùy thời điểm mà người dân trên địa bàn xã và dân vãng lai thường đến mót vàng tại các hang và khu vực khai thác trước đây đã bị cấm. Chính quyền xã nhiều lần kiểm tra, xử lý hành chính, 3 người dân tại địa phương đã phải viết cam kết không tái phạm, nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra lén lút, có sự tiếp tay của người dân bản địa.

Khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản khiến thất thu ngân sách, kéo theo đó là ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân. Hiện tượng này xảy ra ở một số xã trên địa bàn huyện Sìn Hồ. Có một số xã đã diễn ra nhiều năm như: Noong Hẻo, Nậm Cha, Pa Tần, Phăng Sô Lin... quy mô khai thác thay đổi, phụ thuộc vào từng thời điểm và nhu cầu từ thị trường. Từ việc khai thác khoáng sản “chui” đã xảy ra không ít các vụ tai nạn như: sập hầm, đuối nước, đá rơi... khiến người lao động thương vong, môi trường sống bị phá hủy khó phục hồi trong thời gian ngắn. Cộng đồng dân cư tại địa phương sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu chính quyền không sớm có biện pháp xử lý, tháo gỡ.

Anh Lò Văn Phắt - Trưởng Công an xã Noong Hẻo cho biết: Từ ngày 15/3/2021 đến nay, chúng tôi đã 6 lần lên kiểm tra. Nghe tin báo là anh em lên ngay, nhưng lên lại không thấy người, chỉ thấy có ít vật dụng cá nhân. Đi và về là mất trọn ngày đường, chưa kể có lần trên đường đi lên, các đối tượng còn lăn đá trên núi xuống gây nguy hiểm cho cán bộ kiểm tra. Mong tỉnh, huyện sớm có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng khai thác vàng tại đây, để người dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Sìn Hồ đang gặp nhiều vướng mắc. Khách quan là do điều kiện tự nhiên phức tạp, chủ quan do chính sách chưa hợp lý, thiếu đồng bộ giữa các cấp quản lý, chưa phù hợp thực tế địa phương. Các nhóm đối tượng đã lợi dụng những tồn tại trên, thực hiện khai thác tài nguyên trục lợi bất chính. 

Người dân tại các xã đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng, thực hiện quản lý giám sát chặt chẽ hoạt động của các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản, yêu cầu các đơn vị cải tạo cảnh quan môi trường, khơi thông nguồn nước, sửa lại hệ thống đường giao thông bị xuống cấp để người dân yên tâm sản xuất. Với những khu đất nông nghiệp bị ảnh hưởng không thể phục hồi, người dân xin hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi mới để bà con đảm bảo ổn định cuộc sống, nhưng mọi việc diễn ra khá chậm.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách quản lý, thẩm quyền từng cấp, sao cho phù hợp với thực tế các địa phương. Để người dân được chủ động tham gia bảo vệ, sử dụng và được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên tại địa phương mình. Cần kiểm soát chặt các đơn vị đang trong thời hạn khai thác, yêu cầu tuân thủ nghiêm các yếu tố về kỹ thuật, bảo hộ lao động, đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt cần phải phục hồi cải tạo lại khu vực mỏ đã khai thác.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...