Thứ tư, 24/04/2024, 15:48 [GMT+7]

Sẵn sàng tiêm vaccine phòng Covid-19 an toàn cho trẻ

Thứ năm, 21/04/2022 - 21:20'
Với các nguồn vaccine phòng Covid-19 được viện trợ và mua, việc tiêm chủng cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi đang được các địa phương trong cả nước ráo riết triển khai. Dự kiến, chương trình được hoàn thành trong quý II/2022.

Công tác chuẩn bị đã hoàn tất

Theo Bộ Y tế, đến nay lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi do Chính phủ Australia hỗ trợ với 921.600 liều đã về đến Việt Nam vào ngày 8/4. Lô thứ hai hơn hai triệu liều do Australia viện trợ, về Việt Nam vào ngày 13/4 và lô thứ ba hơn bốn triệu liều, dự kiến về trước ngày 18/4. Cùng với nguồn vaccine hỗ trợ của Australia, Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng đã và đang tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và chính phủ các nước để sớm có cam kết tài trợ khoảng tám đến mười triệu liều vaccine phòng Covid-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ hai liều cơ bản cho tất cả trẻ năm đến dưới 12 tuổi của Việt Nam.

Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, ngành Y tế đã tiến hành tập huấn an toàn tiêm chủng cho trẻ ở độ tuổi năm đến dưới 12 tuổi và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã gần như hoàn tất chỉ chờ Bộ Y tế phát lệnh và có nguồn phân bổ là tiến hành.

Trả lời câu hỏi về công tác chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng, ông Trương Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội cho biết, thống kê sơ bộ có khoảng hơn 900 nghìn trẻ trong độ tuổi trên tiêm chủng. Song theo khảo sát chưa đầy đủ, có khoảng 60-70% số phụ huynh đồng ý tiêm vaccine với nhóm trẻ này. Tỷ lệ này ở TP Hồ Chí Minh là 77,58%. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, HCDC đã tổ chức các lớp tập huấn dành cho các đội tiêm, trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời, ôn tập kiến thức đã có, cung cấp và cập nhật nội dung mới cho học viên nhằm chuẩn bị trước việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ lứa tuổi này một cách an toàn nhất.

Trước thực tế còn có một tỷ lệ các phụ huynh băn khoăn chưa đăng ký cho con tiêm phòng, các chuyên gia cho rằng, việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ năm đến 11 tuổi ở thời điểm này là phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Thực tế tại Mỹ, châu Âu đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này và kết quả cho thấy đều an toàn, hiệu quả. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ năm tuổi để bảo vệ khỏi nguy cơ SARS-CoV-2 xâm nhập.

Lô vaccine phòng Covid-19 cho trẻ đầu tiên do Chính phủ Australia hỗ trợ về đến sân bay Nội Bài ngày 8/4/2022. 

An toàn phải đặt lên hàng đầu

Theo PGS,TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 63 tỉnh, thành phố sẽ triển khai tiêm từ tháng 4/2022, ngay sau khi được cung ứng vaccine. Số đối tượng đăng ký của 63 tỉnh, thành phố là 11.809.740 trẻ. Chiến dịch tiêm chủng được thực hiện tại các trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động. Đối tượng tiêm tại cộng đồng là trẻ trong độ tuổi từ năm đến dưới 12 tuổi không đi học. Triển khai trước cho nhóm tuổi lớn từ 11 tuổi (học lớp 6) và hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai tiêm cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Bà Hồng cho biết, trong chiến dịch tiêm cho trẻ từ năm đến dưới 12 tuổi, Việt Nam sử dụng hai loại vaccine là Pfizer và Moderna.

Bộ Y tế khuyến cáo với vaccine Pfizer, trẻ có thể gặp phản ứng thông thường như đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, ớn lạnh, sốt, buồn nôn… Phản ứng ít gặp hơn gồm nổi hạch, phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch, giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, suy nhược... Phản ứng gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim rất hiếm gặp (thấp hơn 1/10.000). Với vaccine Moderna, trẻ có thể gặp một số phản ứng thông thường như: sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, đau sưng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt... Theo PGS,TS Dương Thị Hồng, chỉ có 0,5%-10% số trẻ được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường. Nếu so sánh với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như của nhà sản xuất, phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam nhẹ hơn so với số liệu đã ghi nhận. "Trong hơn 17 triệu mũi đã tiêm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ghi nhận năm trường hợp trên một triệu liều vaccine có phản ứng nặng, phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị", bà Hồng dẫn chứng.

Để bảo đảm an toàn tối đa trong tiêm chủng, những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm phòng Covid-19 sẽ được khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng trong bệnh viện. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp của các thầy cô giáo, bậc cha mẹ. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng. Cùng đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh truyền thông, giúp các bậc cha mẹ hiểu đúng và đủ về nguy cơ của bệnh với sức khỏe trẻ em, hiệu quả và tính an toàn của vaccine, đưa con đi tiêm đầy đủ.

Cập nhật Thứ Năm, 14-04-2022, 18:06/Lê Nguyễn/nhandan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...