Thứ năm, 25/04/2024, 11:38 [GMT+7]

Sống thuận tự nhiên

Thứ hai, 06/02/2023 - 18:27'
Ước mơ có một cuộc sống thân thiện, hài hòa với thiên nhiên, nâng niu từng nhánh cây, ngọn cỏ, nhiều người đã quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế sinh thái, vừa giữ mầu xanh thiên nhiên vừa góp phần tạo sinh kế cho nhiều người dân.

2



Chị Ngọc Hiện cùng cộng sự chăm chút từng cây xanh.

Nhiều người biết đến chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, một cô gái người dân tộc Thổ trồng rừng khởi nghiệp. Sau 5 năm làm việc ở một cơ quan truyền thông tại Hà Nội, chị đã quyết định về lại quê hương, trồng rừng và lập mô hình hợp tác xã "Vườn rừng bản Thổ" ở xã Hóa Quỳ, huyện miền núi Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa).

Hồi đầu, ai biết tin cũng cản, bảo Linh "dở người", tự dưng lao đầu vào cái khó. Nhưng cô gái trẻ có niềm tin cứ đi là sẽ thành đường. Linh kể, mỗi lần về thăm nhà, nhìn thấy đất đai quê hương rộng lớn nhưng gần như chỗ nào cũng bị khai thác theo kiểu tận diệt, chị nuôi ước mơ làm xanh hóa dần những cánh rừng. Chị xin được toàn quyền sử dụng 3ha đồi trọc của cha mẹ, bắt đầu gây dựng mô hình trồng cây gỗ quý xen canh cây dược liệu, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất. "Một số bạn bè thấy công việc của tôi đã ngao ngán lắc đầu bảo đi vào ngõ cụt, chọn gì không chọn lại đi trồng rừng" - Linh chia sẻ.

Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh kiểm tra thùng nuôi ong trong vườn rừng. Ảnh: Nguyễn Nam

 

Chị Nguyễn Lê Ngọc Linh kiểm tra thùng nuôi ong trong vườn rừng. Ảnh: Nguyễn Nam

Từ khu đồi trọc 3ha không điện, không nước, không đường bê-tông dẫn lối, "vườn rừng bản Thổ" của Linh hiện có hơn 100 loài cây, từ cây lấy gỗ như lim, trám, dẻ đến cây ăn trái, dược liệu. Linh liên kết với bà con sống cạnh bìa rừng để nuôi ong lấy mật, phát triển một dòng sản phẩm chủ lực "lấy ngắn nuôi dài" của Hợp tác xã nhưng bảo đảm tiêu chí hoàn toàn từ tự nhiên. Linh tìm đến các nhà khoa học nhờ hoàn thiện công nghệ chế biến: Mật ong được lên men kết hợp với một số loại dược liệu bản địa như gừng ré, tỏi tía, nghệ, chùm ngây, lá bạc hà sấy lạnh... tạo thành các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, phù hợp xu hướng sống xanh, an lành của người tiêu dùng hôm nay.

Thấm thoát 5 năm trôi qua, mô hình vườn rừng của Nguyễn Lê Ngọc Linh hiện cho doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận chừng 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 15 bạn trẻ. Nhưng điều mà chị muốn nhấn mạnh từ thành công của mô hình này là rừng sẽ được phục hồi, góp phần phòng, chống thiên tai, tạo động lực cho người dân trên địa bàn quyết tâm lập nghiệp, tiến tới thoát nghèo, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.

Tương tự câu chuyện của Ngọc Linh là ý tưởng khởi nghiệp của chị Trịnh Thị Ngọc Hiện, trước đây công tác ở Trung tâm FACOD thuộc Hội Thủy sản tỉnh Bến Tre. Ban đầu, chị cùng đồng nghiệp triển khai dự án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Tuy nhiên khi dự án kết thúc, người dân lại chạy theo lợi nhuận trước mắt: Phá rừng để nuôi tôm. Đều tốt nghiệp bậc cao học về quản lý tài nguyên-môi trường tại Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, hai vợ chồng chị biết rõ lợi ích lâu dài nếu rừng được quản lý tốt và họ cùng nhau gây dựng mô hình nông trại "Người giữ rừng".

Chị Hiện xin nghỉ việc tại Hội Thủy sản tỉnh, toàn tâm toàn ý khởi nghiệp với 25ha đất rừng, thuê ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Chị thiết kế nông trại sinh thái với đập nhử tôm, cá và các loài thủy sản vào sống trong môi trường thiên nhiên. Chị trồng thêm 10ha cây đước mới ở bãi bồi và ven bờ, tạo cảnh quan đẹp đồng thời là nơi trú ẩn của các loài thủy sản. Rừng ở nông trại được chăm chút từng ngày. Theo chị Hiện, vận động người dân ngay lập tức giữ rừng rất khó, bởi nhiều người còn nghèo, chỉ cần sinh kế trước mắt. Vì vậy, chị chưa vội hướng người dân vào du lịch sinh thái mà tìm cách giúp họ có thu nhập ổn định. Chị tập trung hướng dẫn bà con đánh bắt thủy sản ở rừng ngập mặn nhưng không theo cách tận diệt: Chị thu mua cao hơn 15% giá bán ở chợ địa phương nhưng phải là tôm, cá lớn đủ chuẩn, không mua loại nhỏ. Từ đó, người dân thấy lợi sẽ theo. Bà con còn tranh thủ trồng thêm rừng, đắp đập thả cua, tôm và nhử các loài thủy sản vào ở, sinh sản trong môi trường thiên nhiên rộng lớn. Song song với nâng giá thu mua thủy sản tại nguồn, chị xây dựng kênh phân phối "Người giữ rừng" để cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho cá nhân người tiêu dùng và các siêu thị bán hàng hữu cơ. "Muốn người dân giữ rừng tốt thì phải bảo đảm thu nhập ổn định cho họ. Vì thế, tôi nghĩ đến việc tạo cầu nối thị trường trực tiếp với người dân và các đầu mối bán hàng khác" - chị Hiện bộc bạch.

Đến nay, nhờ hiệu quả kinh tế thiết thực của mô hình nông trại "Người giữ rừng", nhiều hộ dân có rừng ngập mặn ở Bến Tre đã thấy rõ hơn đa dạng lợi ích của rừng. Họ bắt đầu tham khảo và làm theo, trồng thêm cây đước, cây bần, dừa nước... mang lại mầu xanh bạt ngàn trên quê hương cùng nhiều nguồn thu nhập cho chính mình từ đó.

Tại các địa phương, ngày càng có nhiều người dân chú trọng tự tạo cho mình cuộc sống thanh bình, giản dị, thuận theo tự nhiên. Nhiều người có điều kiện kinh tế cũng đã chuyển hướng đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên như ở các xã Bình Lư (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), xã Hòa Minh (huyện Châu Thành, Trà Vinh)…

Theo một số chuyên gia về sinh thái, nhiều năm qua, con người khai thác và tận dụng thiên nhiên một cách vô tội vạ mà không nhận ra rằng: Thiên nhiên đang cần chúng ta yêu mến, bảo vệ, bởi đó chính là nền tảng - nguồn vật chất và cả tinh thần quý giá giúp con người tồn tại, phát triển. Tàn phá môi trường sống đồng nghĩa tàn phá chính cuộc sống chúng ta. Vì vậy, cần sự chung tay của tất cả mọi người để cùng thay đổi nhận thức về việc khai thác thiên nhiên bằng cách chăm sóc lại thiên nhiên, nuôi dưỡng thiên nhiên để nuôi dưỡng chính con người.

Cập nhập Thứ sáu, ngày 03/02/2023 - 16:40/Tùng Nguyễn/https://nhandan.vn/

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...