Thứ bảy, 20/04/2024, 04:54 [GMT+7]

Siết chặt mua - bán thuốc theo đơn

Thứ sáu, 10/07/2020 - 12:08'
(BLC) - Để quản lý hiệu quả các cơ sở bán lẻ thuốc, hạn chế tình trạng bán thuốc kháng sinh tràn lan, ngày 27/2/2018 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 182/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh”(gọi tắt là đề án). Qua đó, nhận thức của người mua và người bán thuốc được nâng lên.

Nâng cao nhận thức

Một lần mua thuốc tại Quầy thuốc số 1 Hoa Hồng (tổ 14, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) chúng tôi gặp chị Phạm Việt Hà (bản Nậm Loỏng 3, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu) mang đơn thuốc được bác sỹ kê mua cho con gái 3 tuổi bị ho, sốt. Nghe chị Hà kể chúng tôi được biết, con gái chị bị sốt, ho dẫn đến viêm phổi đã vào viện điều trị một tuần nhưng giờ cháu vẫn còn bị ho. Với mong muốn điều trị dứt điểm cho con, chị Hà đã đưa con đến khám ở phòng khám tư nhân và còn mang theo đơn thuốc bác sỹ kê đến mua thuốc. Chị Hà chia sẻ: “Trước đây, tôi bị ốm vặt không đi khám nhưng cứ ra hiệu thuốc mua thuốc về dùng. Nhưng từ khi có thai con gái đầu lòng, tôi đều tìm hiểu rất kỹ về cách sử dụng thuốc và mua thuốc phải có đơn kê của bác sỹ đảm bảo an toàn cho mẹ và con. Từ đó mỗi khi gia đình có ai ốm, tôi đều khuyên đi khám để được bác sỹ kê đơn, không tự ý mua thuốc về điều trị”.

Cũng như chị Hà, gia đình chị Đinh Thị Hòa ở bản Hô Ta (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) có 2 con nhỏ, mỗi khi các con ốm, chị đều đưa đi khám cẩn thận và sử dụng thuốc theo đơn của bác sỹ kê. Ngoài ra, chị còn chụp ảnh lại đơn đã điều trị để mỗi khi con bị ốm, chị nói bác sỹ biết con mình đã dùng loại thuốc kháng sinh nào để bác sỹ kê thuốc hợp lý tránh nhờn thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo dược sỹ đại học Phạm Việt Thắng - chủ Quầy thuốc số 1 Hoa Hồng (tổ 14, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu), hiện nay nhận thức của người dân đã tiến bộ lên rất nhiều, khi bị ốm mà uống thuốc chưa khỏi hẳn, bà con đều đi khám lại để được tư vấn mua thuốc nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, tránh tình trạng sử dụng thuốc không đúng, không theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

-	Người dân mang đơn đến mua thuốc tại Nhà thuốc tư nhân Đức Phong (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu).

 Người dân mang đơn đến mua thuốc tại Nhà thuốc tư nhân Đức Phong (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu).

Theo đánh giá của Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), trước đây do nhận thức việc mua - bán thuốc không theo đơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình điều trị bệnh nên người dân vẫn tự ý đi mua thuốc về điều trị. Còn người bán thì vô tư tư vấn và tự do bán thuốc mà không cần đơn kê của bác sỹ, khiến cho việc chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện đề án, tỷ lệ người dân đi mua thuốc theo đơn đạt 62,4% (tăng 38,7% so với năm 2017), tỷ lệ người dùng kháng sinh cho rằng cần dùng theo đơn của bác sỹ tăng lên 65,6% (tăng 25% so với năm 2017). Bên cạnh đó, kiến thức, năng lực và thái độ của người bán thuốc được nâng lên thể hiện qua chỉ số đánh giá có 97,1% người bán thuốc trả lời đúng quy định về đơn thuốc và 97,1% người bán thuốc không đồng ý việc bán thuốc không có đơn. Qua con số này có thể thấy nhận thức của Nhân dân đã được nâng lên rõ rệt.

Đồng thời, Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017- 2020 trên địa bàn tỉnh” cũng đã quản lý chặt chẽ hơn việc bán thuốc theo đơn. Do vậy, nhiều dược sỹ tại các nhà thuốc, quầy bán thuốc trên địa bàn cũng không tự ý bán thuốc mà đều căn cứ vào việc khám chữa bệnh theo đơn thuốc của bệnh nhân được các bác sỹ kê.

Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra

Anh Vũ Bằng Phi - Phó Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: Thực hiện đề án, nhận thức của hầu hết người dân đã được nâng lên song bên cạnh đó còn nhiều người vẫn không mặn mà khi đến các cơ sở y tế. Nhiều người do thói quen mỗi khi đau ốm là đến các nhà thuốc kể triệu chứng bệnh, sau đó nhân viên bán thuốc sẽ tư vấn để mua những loại thuốc gì. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân, Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc kê đơn, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, hậu quả của việc kháng thuốc kháng sinh, lợi ích mang lại khi khám bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thanh cơ sở. Đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ y tế về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, trọng tâm là thuốc kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh để lồng ghép tuyên truyền nội dung trong các buổi giao ban, sinh hoạt chuyên môn, chỉ đạo tuyến.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức y khoa liên tục với nội dung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định về kê đơn thuốc. Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh cho người kê đơn với nội dung như: phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến việc bán thuốc kê đơn; việc cần thiết thuyết phục bệnh nhân khi mua thuốc phải mua đủ đơn thuốc, dùng thuốc đủ liều và tuân thủ dùng đủ liều điều trị, đặc biệt là thuốc kháng sinh đối với người hành nghề dược. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở bán lẻ thuốc; rà soát, nâng cao chất lượng các nhà thuốc đạt chuẩn GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc). Qua đó, phát hiện những nhà thuốc, quầy thuốc vi phạm để xử lý kịp thời.

Theo đề án, đến năm 2020, 100% cơ sở bán lẻ thuốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông giữa cơ sở cung ứng, nhà thuốc với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 167/228 cơ sở nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện kết nối liên thông với cơ quan quản lý Nhà nước. Số nhà thuốc, quầy thuốc còn lại chưa triển khai là do nằm ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nên hạn chế về kỹ năng tin học và một phần bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Anh Vũ Bằng Phi - Phó Phòng Nghiệp vụ y cho biết thêm: Thời gian tới, Sở Y tế tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, phối kết hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ, đảm bảo 100% các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, tuyên truyền các chủ nhà thuốc, quầy thuốc hiểu rõ tầm quan trọng của việc kết nối liên thông, các quy định của pháp luật về bán thuốc theo đơn, cập nhật dữ liệu thường xuyên, liên tục lên hệ thống. Qua đó, sẽ kiểm soát được nguồn gốc thuốc, giá cả, các trường hợp đơn thuốc kê quá nhiều thuốc, kê thuốc chưa đúng liều và dễ dàng thực hiện các báo cáo theo quy chế dược và trao đổi thông tin 2 chiều với cơ quan quản lý Nhà nước.

Để siết chặt quản lý mua - bán thuốc theo đơn, Sở Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, tư nhân, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn. Xử lý nghiêm các vi phạm về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn theo quy định của pháp luật.

Tường Lam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...