Thứ sáu, 19/04/2024, 05:25 [GMT+7]

Thành phố Lai Châu tăng cường chăm sóc cây xanh

Thứ năm, 20/07/2017 - 21:39'
(BLC) - Mùa mưa, độ ẩm cao khiến nhiều cây xanh tại các tuyến đường thành phố Lai Châu bị sâu bệnh, mối mọt gây hại, thậm chí gãy đổ ảnh hưởng đến nhà dân và an toàn giao thông. Xây dựng các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, thành phố tăng cường công tác chăm sóc, cắt tỉa, trồng dặm giúp mỗi tuyến phố luôn rợp bóng cây.

Những ngày tháng 7, trên các tuyến đường chính của thành phố Lai Châu, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị (CPMTĐT) tranh thủ thời điểm nắng ráo tiến hành cắt tỉa cành cây cao đang bị nhiễm sâu bệnh và ảnh hưởng đến khuôn viên các gia đình sinh sống ven đường. Trao đổi với chúng tôi, anh Khúc Văn Phong - Phó Phòng Quản lý Đô thị thành phố cho hay, đây là đợt chăm sóc cây xanh thứ 2 trong năm (đợt 1 từ tháng 3 và đợt 3 vào tháng 12). Mỗi đợt chăm sóc, thành phố hợp đồng với các đơn vị tư nhân cắt tỉa, tạo tán, phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh. Thời điểm này, trời mưa nhiều, trên thân cây hoàng yến được trồng rải rác trên các tuyến phố nhiễm rệp và một số loại sâu, bướm nhỏ, nếu không diệt trừ kịp thời có thể gây hại nặng nề đối với thân cây. Một số cây xanh khác bị rệp trắng trực tiếp hút nhựa từ lá, làm cho lá đen lại, thậm chí bám cả vào thân hút toàn bộ dinh dưỡng khiến cây lụi dần. Tại một số vườn cây tập trung của thành phố như: khu vực hồ Thủy Sơn (hồ Hạ và hồ Thượng), vườn cây khu hợp khối tỉnh bị mối gốc cũng được các tổ công nhân phun thuốc diệt trừ.

Công nhân Công ty CPMTĐT chặt tỉa cây sấu trên đường Ngô Quyền.

Được biết, khu vực có tỷ lệ cây xanh nhiễm bệnh nhiều nhất là tuyến đường Ngô Quyền (khu dân cư số 4, phường Đoàn Kết), đường Trần Phú, đường Trần Hưng Đạo. Đây là khu vực thuộc diện cấp đất ở sớm nhất cho cán bộ, công chức, viên chức… thuộc các cơ quan nhà nước của tỉnh và khu dân cư sinh sống lâu đời nên tuổi đời của cây xanh cũng đã dài. Tuy nhiên, công tác chăm sóc cây xanh sẽ được tiến hành tổng thể trên địa bàn toàn thành phố với dự kiến số lượng 18.000 cây bao gồm các loại: sấu, xà cừ, sao đen, phượng, bằng lăng…

Về sự phù hợp của các chủng loại cây xanh trong điều kiện địa hình, thời tiết ở tỉnh ta, anh Phong cho biết thêm, khi mới chia tách, thành lập tỉnh, thành phố Lai Châu (trước đây là thị xã Lai Châu) chủ trương trồng các loại cây sinh trưởng và phát triển nhanh để lấy bóng mát. Thời điểm đó, điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, việc cắt tỉa không kịp thời nên cây mọc cao, bộ rễ phát triển và tạo tán ít. Chẳng hạn như xà cừ, khi cây lớn, không những bộ rễ mọc đùn lên phá vỉa hè, ảnh hưởng hạ tầng đô thị mà còn xuất hiện loại sâu róm đen gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Hiện nay, thành phố Lai Châu đang dồn lực chỉnh trang đô thị, hệ thống cây xanh từng bước được bổ sung, tạo cảnh quan thiên nhiên, bầu không khí trong lành. Ngoài các tuyến đường trồng cây tập trung, vừa lấy bóng mát, vừa cho hoa như: bằng lăng (đường Chu Văn An), ban (đường Thanh Niên), phượng (đường Trần Phú)… tại một vài vị trí, các loại cây như: sấu, xà cừ không còn phù hợp, thành phố đang đề xuất chuyển đổi bằng một số loại cây khác như: viết, long não. Đây là những loại cây thân thẳng, có tán thấp và tự tạo tán hình mâm xôi, ít bị sâu bệnh và đặc điểm rễ cọc nên không phá vỉa như một số cây xanh khác. Sau khi trồng mới thay thế, thành phố sẽ tiến hành điều chuyển các loại cây cũ đến vườn cây tập trung, tránh lãng phí.

Vấn đề đặt ra là nguồn kinh phí và chủ trương này có nhận được sự đồng thuận của người dân hay không? Để thực hiện việc này, thành phố Lai Châu đã triển khai đến các xã, phường tổ chức lấy ý kiến của các gia đình trong khu dân cư về chủng loại cây xanh đô thị dự kiến trồng tại các vỉa hè trên địa bàn. Song song với đó là tổ chức cho các tập thể, cá nhân trên địa bàn ký cam kết thực hiện các quy định về bảo vệ cây xanh, trong đó thống nhất: không tự ý trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, nút giao thông và các khu vực sở hữu công cộng không đúng quy định; không tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép; không đục khoét, đóng đinh, buộc dây thép vào cây xanh, lột vỏ thân cây, không chăn thả gia súc trong khuôn viên vườn hoa…; không treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác lên cây; không lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh hiện có…

Theo định mức quy chuẩn với lượng cây xanh trên địa bàn thành phố Lai Châu cần 18 - 19 tỷ đồng/năm nhưng hiện nay mức phân bổ chỉ có 8 tỷ đồng/năm, điều này rất khó cho thành phố khi cân đối chăm sóc cây xanh. Do đó, thành phố ưu tiên tối đa cho việc chăm sóc các loại cây xanh trên tuyến đường chính, còn lại thảm cỏ và các loại cây hoa lá màu, đường viền sẽ hạn chế chăm bón. Để thành phố trẻ có thêm bầu không khí trong lành, địa phương đề xuất tỉnh có cơ chế “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” nhưng phải đảm bảo quy hoạch mỹ quan chung thì vấn đề kinh phí sẽ được san sẻ.

 

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...