Thứ sáu, 29/03/2024, 07:43 [GMT+7]

Than Uyên đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn trường học

Thứ sáu, 07/05/2021 - 07:34'
(BLC) - Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) ở bếp ăn trường học được ngành Giáo dục huyện Than Uyên quan tâm, giúp cho học sinh có sức khỏe tốt để phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.

Chúng tôi đến Trường Mầm non xã Mường Kim đúng vào giờ nhà trường đang chuẩn bị bữa trưa cho trẻ. Tại khu vực bếp ăn rất sạch sẽ có: khu vực sơ chế, khu vực chế biến, khu vực chia khẩu phần ăn. Bếp ăn đều có dụng cụ chế biến thức ăn chín, sống riêng biệt; bát đĩa được vệ sinh hằng ngày. Năm học 2020-2021, nhà trường có 735 trẻ thuộc 27 lớp, có 13 điểm trường. Trường có 8 nhân viên nấu ăn; thực đơn các bữa ăn được nhà trường xây dựng theo mùa, đảm bảo khẩu phần và lượng dinh dưỡng. Trường trồng thêm rau để bổ sung thêm Vitamin vào bữa ăn cho trẻ, vừa sạch vừa đảm bảo ATTP.

Cô Đinh Thị Hường – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Đơn vị luôn quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trong khâu chế biến. Nhà trường hợp đồng với các cửa hàng uy tín trên địa bàn huyện để mua rau sạch, thịt, cá, trứng... thực phẩm được tiếp nhận dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường. Thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày 24/24 giờ theo quy định. Học sinh đến trường đều ăn bán trú, được khám sức khỏe định kỳ, tiêm chủng đầy đủ, được cân đo theo dõi biểu đồ phát triển từng quý”.

Ban Giám hiệu Trường Mầm non xã Mường Kim (huyện Than Uyên) kiểm tra việc nấu ăn của nhân viên nhà bếp.

Ban Giám hiệu Trường Mầm non xã Mường Kim (huyện Than Uyên) kiểm tra việc nấu ăn của nhân viên nhà bếp.

Nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Ta Gia luôn chú trọng nâng cao chất lượng từng bữa ăn. Việc lựa chọn thực phẩm đến giám sát nấu ăn đều được trường thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Nhà trường còn tận dụng khoảng đất trống để trồng rau: bắp cải, muống, cải ngọt, bầu, bí; chăn nuôi: gà, vịt, ngan. Hình thành mô hình vườn rau, chuồng trại cung cấp thực phẩm sạch, cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú.

Thầy giáo Hoàng Quang Hưng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có trên 304 học sinh bán trú. Nguồn kinh phí cấp cho học sinh bán trú còn thấp. Nhà trường thực hiện mô hình nông trại trường học, vừa giúp các em trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, vừa cung cấp thêm thực phẩm sạch trong mỗi bữa ăn, đảm bảo sức khỏe học sinh.

Năm học 2020-2021, toàn huyện có 35 trường, 18.946 học sinh. 100% trường mầm non có "vườn rau cho bé", 14 trường thực hiện mô hình nông trại trường học. Trong đó, 2 trường đã tự cung cấp đủ rau xanh và sản phẩm từ thịt, 10/12 trường tổ chức chăn nuôi, các trường còn lại đã tự cung cấp ít nhất 50% sản phẩm rau xanh. Thực hiện nuôi dưỡng công khai, đúng chế độ và đảm bảo quy định về ATTP.

Để đảm bảo ATTP bếp ăn ở các trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường rà soát cơ sở vật chất, nhất là công trình phụ trợ nơi chế biến, bếp ăn tập thể. Tăng cường kiểm tra công tác nuôi dưỡng, quy định của nhân viên nấu ăn để đảm bảo các điều kiện thực hiện nhiệm vụ nấu ăn tại nhà trường như: giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận kiến thức về ATTP.

Anh Trịnh Ngọc Hải – Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Than Uyên cho biết: “Phòng chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc lựa chọn các loại thực phẩm đảm bảo chất lượng. Không dùng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn. Hàng ngày các trường cập nhật thông tin về thực đơn và thực phẩm xuất kho trên trang Quản lí giáo dục Penta EMS. Đối với hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường, việc thực hiện nhiệm vụ y tế trường học, vệ sinh ATTP trong nhà trường là một nội dung để xem xét, đánh giá, xếp loại cuối năm đối với cán bộ”.

Các đơn vị trường trực tiếp ký kết hợp đồng mua thực phẩm, cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhà trường phải có bản cam kết chất lượng, giá cả của các mặt hàng. Các cơ sở cung cấp không có con dấu trong hợp đồng phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Ngoài ra, Phòng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt việc thực hiện cung ứng thực phẩm cho các đơn vị nhà trường cũng như kiểm tra trang thiết bị phục vụ nhà bếp, đảm bảo khâu chế biến sạch sẽ, an toàn. Nhân rộng mô hình nông trại trường học để tổ chức trồng rau xanh cung cấp đủ cho học sinh, khuyến khích chăn nuôi gia súc, gia cầm đối với những trường có điều kiện. Điều này mang lại lại lợi ích kép vừa gắn kiến thức học tập ở trường với thực tế cuộc sống, vừa có nguồn thực phẩm sạch để cung cấp cho bữa ăn bán trú.

Học kỳ I, chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục của các trường có sự chuyển biến rõ nét; tỷ lệ chuyên cần tiểu học 99%, THCS 96%. Trong đó, bậc mầm non: chất lượng chăm sóc trẻ phát triển bình thường về cân nặng đạt 93,9%; bậc tiểu học: đánh giá về năng lực đạt 96,1%, phẩm chất đạt trên 97,1%; bậc THCS: học lực từ trung bình trở lên đạt 92,8%, hạnh kiểm trung bình trên 99,9%. So với cùng kỳ I năm học 2019-2020, ở các cấp học đều tăng tỷ lệ từ 1-2%.

Từ việc quan tâm đảm bảo ATVSTP trong bếp ăn trường học đã góp phần nâng cao sức khỏe và duy trì sỹ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục của huyện.

Tùng Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...