Thứ sáu, 29/03/2024, 03:20 [GMT+7]
Tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2020

“Truyền năng lượng” cho học sinh bằng tình yêu thương

Thứ sáu, 04/09/2020 - 10:29'
(BLC) - “Nghệ thuật sư phạm” đó đã giúp cô giáo Phạm Thu Hiền (Trường Tiểu học Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) chinh phục được cả những học sinh “khó tính” nhất trong sự nghiệp “trồng người”. Và nhờ cảm nhận rõ tình yêu thương, sự chở che của cô giáo như vòng tay yêu thương của “người mẹ hiền thứ hai” mà các em có động lực để vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Ngày tựu trường của năm học mới, trong tiết trời thu trong xanh, trong sự hồi hộp, háo hức của các em học sinh ngày đầu trở lại trường sau thời gian nghỉ hè, chúng tôi gặp cô Phạm Thu Hiền đón các em vào lớp. Cũng giống như những năm học trước, năm nay, cô Hiền tiếp tục được giao chủ nhiệm học sinh lớp 1, là bởi “cái duyên” rèn chữ, luyện người mà cô Hiền luôn được Ban Giám hiệu nhà trường cũng như đông đảo phụ huynh gửi gắm.

Người đi gây dựng phong trào

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên (năm 2001), ngôi trường đầu tiên cô Phạm Thu Hiền gắn bó là Trường Phổ thông cơ sở Tả Lèng (huyện Tam Đường). Năm đầu tiên gắn bó với nghề dạy học cũng là năm cô Hiền được giao phụ trách điểm bản cao nhất, khó khăn, vất vả nhất, đó là Phìn Ngan Lao Chải của xã Tả Lèng. Mỗi buổi sáng lên tới điểm bản là một nỗ lực lớn bởi phải đi bộ hai giờ đồng hồ mới lên đến nơi. Ấy thế nhưng, những ngày tháng đó rồi cũng qua, cô phấn đấu không ngừng nghỉ chỉ bởi: “Không vì cái gì cả, chỉ là còn sức trẻ, sức khỏe và niềm đam mê, trách nhiệm với nghề thì còn cố gắng thôi!” - tâm niệm của cô Hiền thật đơn giản nhưng thật đáng trân trọng.

co Hien

Cô giáo Phạm Thu Hiền bên các em học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới.

Nỗ lực không mệt mỏi của cô Hiền đã được cấp trên ghi nhận và bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng vào năm 2007. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, nhìn thấy sự tâm huyết, trách nhiệm, làm gì cũng “dốc hết ruột gan” như lời đồng nghiệp của cô nhận xét, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tam Đường lại điều động cô Hiền đến công tác tại Trường Tiểu học xã Khun Há. Lúc bấy giờ, Khun Há là xã vùng cao, khó khăn, giao thông cách trở nhất huyện, bởi thế nên trình độ dân trí thấp, lạc hậu, việc học tập của con em chưa trở thành phong trào mà mới là “nhiệm vụ” do cấp ủy, chính quyền đoàn thể và trường học vận động mà phụ huynh cho con em đến lớp. Bởi thế, những nơi nào gian nan, nơi đó có bóng dáng cô Hiền.

Trong ký ức của ngày đầu nhận lớp, cô Hiền không thể hình dung nổi một ngôi trường chơ vơ, không rào chắn, không sân vườn, không có đường vào… chỉ có vật nuôi thả rông, xú uế, rác… Làm thế nào để tạo ra môi trường học tập thân thiện, để thay vì phải đến từng nhà vận động và các em sẽ tự giác đến lớp bởi yêu trường, yêu cô? Ngay từ tuần đầu tiên tiếp cận ngôi trường mới, cô Hiền vận động phụ huynh học sinh chung sức che chắn, bao quanh khuôn viên trường, chăng cờ, trang trí lớp học; tổ chức các hoạt động tập thể thu hút học sinh tham gia. Sau khi khuôn viên trường lớp đã gọn gàng, khang trang hơn, cô chú trọng giáo dục văn hóa cho các em. Là cán bộ quản lý giáo dục song cô Hiền đã xóa nhòa khoảng cách cô - trò, cô mang kéo, lược, mua dầu gội đến cắt tóc, gội đầu, buộc tóc rồi tắm rửa cho học sinh như chăm sóc cho chính con mình. Thời điểm đó, con gái đầu của cô cũng trạc tuổi học sinh đang phải gửi lại cho bà và bố chăm sóc. Cứ sáng thứ 2 cô mang gạo, thức ăn vào trường, cuối tuần mới được về thăm gia đình.

Năm học đầu tiên đó, cô Hiền được Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tam Đường đánh giá rất cao về sự hòa nhập, ý tưởng sáng tạo đổi mới, tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh.

Năm 2011, cơ hội đến với cô Hiền song cũng là sự lựa chọn khó khăn nhất: nếu ở lại, cô vẫn giữ vị trí là Phó Hiệu trưởng nhà trường, còn cơ hội mới là được chuyển về Trường Tiểu học số 1 (thị xã Lai Châu cũ) nhưng phải làm lại từ đầu từ vị trí của một giáo viên. Đó còn chưa kể gần 10 năm gắn bó với học sinh vùng cao, phương pháp giảng dạy cũng đơn giản theo cách cầm tay, chỉ việc; giải thích nhiều và phải bằng việc cụ thể, rõ ràng, rành mạch thì học sinh mới tiếp thu được. Còn với học sinh thị xã, trình độ nhận thức cao, yêu cầu về học tập của học sinh, phụ huynh cũng cao hơn, buộc giáo viên cũng phải tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu người học. Nhưng với suy nghĩ: Cuộc đời học sinh chỉ trải qua một lần, đến trường phải vui, hứng thú thì tiếp thu kiến thức mới hiệu quả. Vì vậy, cô Hiền đã vận dụng tất cả những kiến thức, kinh nghiệm và khả năng có thể để làm tròn vai của người giáo viên ở ngôi trường mới. Cũng chính vì luôn có niềm tin ở phía trước và sự sáng tạo không giới hạn, cô Hiền lại được giao là “thủ lĩnh Đoàn” của Trường Tiểu học số 1, gây dựng phong trào cho đoàn thanh niên, đưa các hoạt động của trường trở nên sôi nổi, sinh động, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.

Cảm hóa học sinh bằng tấm lòng rộng mở

Có thể ai đó nghĩ, trong thời đại công nghệ 4.0, chữ viết đẹp hay xấu không còn quan trọng nữa, nhưng với chúng tôi, chữ viết luôn có một vị trí quan trọng trong việc rèn nét chữ, luyện nết người. Thời xa xưa, nhiều người còn có thể phán đoán được tính cách con người qua chữ viết. Và bây giờ, nếu nhìn vào nét chữ của cô Phạm Thu Hiền, sẽ thấy được tâm hồn phong phú, phóng khoáng và sáng tạo thế nào!

Không chỉ có nét chữ đẹp, cô Hiền còn có nghệ thuật sư phạm khéo léo, tấm lòng nhân hậu, luôn thấu hiểu, yêu thương học sinh nên Ban Giám hiệu thường giao cho cô chủ nhiệm khối lớp 1 với những học sinh ngây thơ, hồn nhiên vừa rời trường mầm non, bỡ ngỡ tiếp xúc với môi trường tiểu học có kỷ luật cao hơn. Không ít em có tính cách bướng bỉnh, khó bảo, thậm chí có biểu hiện tự kỷ. Qua nhiều năm học, thấy cô Hiền có khả năng “cảm hóa” những đối tượng học sinh này nên nhiều phụ huynh gửi gắm trông nhờ cô. Có những học sinh vào năm học mới đã gần hết một kỳ học vẫn chưa nhận thức được nề nếp lớp học, tự do ra, vào lớp khiến cô nhiều phen “hết hồn” vì chỉ trong nháy mắt đã không thấy học trò đâu. Ngoài giờ học trên lớp, nhiều phụ huynh “bó tay” trong cách dạy con mình, lại gọi nhờ cô “cứu trợ”. Không quản đêm hôm, mất cả tuần cô Hiền đến và xin phép phụ huynh cho cô được “giáo dục” học sinh theo cách của mình, lúc cứng rắn, lúc mềm dẻo, lúc lại vui đùa, động viên không ngớt… hoặc đôi khi chỉ là những cái ôm ấp áp đầy yêu thương. Cứ như thế, nhiều học sinh cá biệt đã xem cô Hiền như người mẹ thứ hai. Những thay đổi tiến bộ của học sinh đã làm cô rơi nước mắt.

Phương pháp dạy học của cô Hiền luôn biến hóa, phân chia cách dạy phù hợp với từng đối tượng. Học sinh nhút nhát, mạnh dạn tự tin hay nghịch ngợm… cô đều có cách uốn nắn, rèn luyện khác nhau. Nhưng hơn cả, cô luôn xem học sinh như con của mình, gần gũi và luôn động viên khi cần. Cô cũng luôn công bằng, không bênh vực, chiều chuộng bạn nào trong lớp; đồng thời thẳng thắn, thường xuyên trao đổi về kết quả cũng như phương pháp dạy con với các bậc phụ huynh.

Còn đối với những học sinh đã trưởng thành, là học sinh cũ của cô Hiền thì dường như những lần sinh nhật của các em không bao giờ thiếu cô. Vì nhớ và yêu cô nên cứ lâu lâu các em lại ghé qua nhà thăm cô, ôm cô và tặng những món quà nhỏ xinh tự làm, khiến cô thật ấm lòng. Cuối mỗi năm học, cô Hiền lại nhận được những lá thư cảm ơn với nét chữ ngây thơ, trong sáng. Kể cả khi không còn dạy các em nữa, cô Hiền vẫn luôn nhớ đến học sinh với những tình cảm chân thành nhất. Để động viên, khích lệ kịp thời những nỗ lực cố gắng của học sinh, cô Hiền thường tự bỏ tiền cá nhân để mua tặng các em những món quà, hay tổ chức múa hát, trò chơi có thưởng, giúp các em có động lực vươn lên trong học tập. Cô nói: Được dạy, được vui đùa cùng các em, tôi như được sống lại những năm tháng tuổi thơ của mình, quên hết đi những âu lo bộn bề của cuộc sống.

Nhận xét về cô giáo Phạm Thu Hiền, cô Nguyễn Thị Phương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Hiền là giáo viên nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao, có nghị lực vươn lên và không ngừng sáng tạo, là niềm tự hào của trường”.

Bởi đam mê với những nét chữ cách điệu, chữ hoa sáng tạo, chữ nghệ thuật, cô Hiền đã từng lặn lội về tận Hà Nội để học chữ thầy Ánh. Cô còn mở Trung tâm luyện viết chữ đẹp và các môn năng khiếu khác, uy tín và trách nhiệm của cô đã thu hút nhiều phụ huynh gửi gắm con em. Tâm niệm và ước ao lớn nhất của cô hiện nay là luyện viết được chữ thư pháp thật đẹp và truyền thú chơi tao nhã, trí tuệ này đến với mọi người.

Không chỉ 2 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 3 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, mới đây, chúng tôi nhận được tin vui cô Hiền đang được Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen và sáng kiến kinh nghiệm về nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp, rèn luyện học sinh hòa nhập, phát triển tốt năng lực của cá nhân cũng đang được đề nghị Hội đồng cấp tỉnh công nhận. Trong những năm tháng dài cống hiến, cô còn được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen và nhiều thành tích đáng tự hào. Cô Hiền cũng như các cô giáo trên mảnh đất Lai Châu đang từng ngày, từng giờ, với tình yêu nghề và nỗ lực cống hiến đã và đang góp sức mình giúp sự nghiệp giáo dục vùng cao ngày càng phát triển.

Thu Trang - Hồng Thủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...