Thứ năm, 28/03/2024, 19:44 [GMT+7]

Vượt khó xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 04/10/2021 - 10:46'
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn huyện Sìn Hồ có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, bởi nhiều tiêu chí ngày càng nâng cao, khó hoàn thành hơn trước. Song đến thời điểm này, huyện có 4/21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và quy hoạch bổ sung thêm 3 xã phấn đấu về đích NTM trong năm 2022.

Địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt, mặt bằng chung về đời sống của người dân còn thấp, khiến việc hoàn thành các tiêu chí NTM ở các địa phương huyện Sìn Hồ không thuận lợi. Trước thách thức từ thực tế đó, công tác vận động, tuyên truyền để địa phương phát huy nguồn lực tại chỗ, được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nhờ các kênh thông tin, công tác dân vận, bà con ở hầu hết các xã, bản đều nắm được những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước trong xây dựng NTM. Người dân được giữ vai trò chủ thể trong công việc chung của xã, bản; tư duy, trách nhiệm trong xây dựng NTM được thay đổi, thể hiện qua nhiều việc làm cụ thể từ hiến đất xây dựng hạ tầng, góp công làm đường đến mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, góp phần vào hoàn thành các tiêu chí NTM.

Người dân xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả ôn đới nhờ thụ hưởng từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đời sống dần được nâng cao, tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa đã dần xóa bỏ nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, môi trường sống được bảo vệ, các tệ nạn xã hội bị đẩy lùi. Với đặc thù của địa bàn miền núi, tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí 17 về vệ sinh môi trường khó thực hiện nhất vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để làm tốt các tiêu chí này, cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung cử cán bộ luân phiên xuống các địa phương khó khăn, cùng người dân xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Cán bộ hội viên tại các xã, bản đi đầu trong công tác thu gom chất thải, xử lý theo quy định, giữ gìn vệ sinh công cộng, làm nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, đặc biệt làm gương trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Anh Lò Văn Ín (bản Can Hồ, xã Lùng Thàng) cho biết: Nhờ được thụ hưởng từ nhiều nguồn đầu tư, hỗ trợ xây dựng NTM, bà con trong xã đã đồng lòng trong quá trình thực hiện để vươn lên thoát nghèo. Từ việc hiến đất, ngày công làm đường giao thông, người dân trong xã đã chung sức cùng chính quyền xây dựng NTM. Những mô hình như điện sáng đường quê được chúng tôi chờ mong từng ngày, giờ đây buổi tối đường bản được thắp sáng, trẻ con có điện vui chơi và học tập, chúng tôi rất vui.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang đến cho chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Sìn Hồ nhiều thử thách, nhưng cũng tiếp thêm sức sống cho vùng đất này. Từ khi bắt tay xây dựng NTM tới nay thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5 - 6%/năm; 96% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư khang trang hơn. Đã mở được 2 tuyến đường tới trung tâm xã, 16 tuyến liên thôn bản và hơn 143km đường nội bản, gần 265km đường nội đồng. Đồng thời, đầu tư mới 55 công trình thủy lợi, góp phần nâng sản lượng lương thực lên hơn 44,2 nghìn tấn, bình quân lương thực đạt 530,3kg/người/năm. Đáng mừng hơn nhờ có nền tảng từ NTM mà huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, sử dụng có hiệu quả các hạng mục hạ tầng được đầu tư vào phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Nhờ quy chế dân chủ công khai ở cơ sở nên chương trình xây dựng NTM huy động được tối đa nguồn lực trong Nhân dân, dần thay đổi tư duy làm kinh tế, chủ động vươn lên thoát nghèo, không còn ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước như trước. Thúc đẩy quá trình hình thành nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, các mô hình hợp tác xã được triển khai mạnh. Theo đó, cơ cấu ngành nghề đa dạng hơn, đời sống người dân được thay đổi đáng kể. Có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nâng cao năng lực quản lý điều hành, phân công thực hiện nhiệm vụ từ huyện đến cơ sở, đưa cán bộ chuyên môn tới gần dân, sát dân để cùng thực hiện nhiệm vụ chung.

Không dừng lại ở đó, để đời sống người dân ổn định hơn, có thêm nguồn lực dự trữ trước diễn biến của dịch bệnh, cấp ủy, chính quyền huyện, các phòng chuyên môn, đặc biệt là các tổ chức: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, đoàn kết để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kết nối người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất. Nhờ đó, bà con trong huyện nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức hội. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.000 hộ đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất làm kinh tế giỏi các cấp.

Xây dựng NTM ở huyện vùng cao Sìn Hồ phía trước còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, mục tiêu vẫn xoay quanh việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Để bà con thật sự được thụ hưởng các giá trị bền vững của NTM thì các tiêu chí phải được hoàn thành khi đã hội tụ đủ các yếu tố và phải có tác động lâu dài, nhiều mặt lên đời sống người dân.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...