Thứ năm, 18/04/2024, 12:13 [GMT+7]

Nỗ lực giảm tỷ lệ tảo hôn

Thứ sáu, 10/09/2021 - 10:44'
Mặc dù chính quyền đã vào cuộc quyết liệt, nhưng những năm gần đây, tỷ lệ tảo hôn của xã Dào San (huyện Phong Thổ) vẫn gia tăng. Thậm chí, năm 2020 tỷ lệ tảo hôn của xã ở mức cao đỉnh điểm (chiếm đến 44,3% tổng số cặp kết hôn). Điều này, đặt ra thách thức lớn đối với xã vùng biên nghèo, điều kiện còn nhiều khó khăn.

Các chị Vàng Thị Pai và Vàng Thị Xa ở bản Sểnh Sảng B, xã Dào San (huyện Phong Thổ) làm mẹ khi độ tuổi còn rất trẻ.

Kết hôn khi còn đang đi học

Dào San được biết đến là trung tâm các xã vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ. Nơi đây, diện mạo nông thôn đang từng ngày đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện đáng kể. Dù vậy, theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện, Dào San là một trong những xã có tỷ lệ tảo hôn ở mức cao. Cụ thể, nếu như năm 2016, tỷ lệ tảo hôn của xã chỉ chiếm 11,9% thì đến năm 2017 tỷ lệ tảo hôn đã tăng lên 41,7%, năm 2018 lên 42% và đến năm 2020 tiếp tục lên cao ở mức 44,3% (duy nhất chỉ có năm 2019 tỷ lệ tảo hôn giảm xuống 26,8%).

Đi theo tuyến đường tỉnh lộ 132 vừa được sửa chữa, nâng cấp, chúng tôi đến thăm xã Dào San và tiếp tục cuộc hành trình đến bản Sểnh Sảng B - một trong những bản có nhiều người tảo hôn. Dưới sự dẫn đường của nhân viên Phòng Khám Đa khoa khu vực Dào San, con đường nhỏ, quanh co, dốc đứng về bản sau trận mưa kéo dài nhiều ngày cũng trở nên đỡ vất vả. Vào trung tâm bản đã hơn 11 giờ trưa, cả bản khá vắng vẻ, chỉ lác đác vài người đi đường, mấy phụ nữ trẻ tuổi, dáng người nhỏ nhắn, bế con trước cổng.

Dừng chân trước ngôi nhà vách nứa lâu năm của gia đình chị Vàng Thị Pai (SN 2006) chúng tôi được biết, chị kết hôn với anh Sùng A Tơ (SN 2004) từ tháng 3/2019. Lúc ấy, chị Pai mới 13 tuổi đang học lớp 8 và anh Tơ 15 tuổi, đang học lớp 10. Câu chuyện tình cảm của chị Pai xuất phát từ thực tế thấy nhiều người trong bản lấy chồng trẻ nên khi thích anh Tơ là quyết định đi đến hôn nhân. Việc học của cả anh và chị phải bỏ dở giữa chừng. Cô gái chừng 37kg, mặt còn ngây thơ, hồn nhiên ấy bắt đầu chuyển sang giai đoạn làm vợ, đi làm để chăm lo cho gia đình, rồi sinh con.

Chung vách với gia đình chị Pai là gia đình chị Vàng Thị Xa (SN 2005). Chị Xa lấy anh Sùng A Tu (SN 2004) cũng vào tháng 3/2019, khi ấy chị mới 14 tuổi. Chị Xa chia sẻ: “Thời điểm lấy chồng tôi đang học lớp 9, khi biết tôi có ý định kết hôn, bố mẹ tôi cũng khuyên nhủ, can ngăn, thậm chí có lúc mắng chửi vì lo tôi còn ít tuổi chưa có sức khỏe nhiều, chưa biết làm ăn, vun vén cho gia đình. Song vì tôi cương quyết, nên bố mẹ cũng phải đồng ý theo”.

Được biết, bản Sểnh Sảng B, năm 2020 có 5 cặp kết hôn thì 100% số cặp tảo hôn. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, bản có 2 cặp kết hôn thì có 1 cặp tảo hôn. Thực trạng nghỉ học sớm để lấy chồng như trường hợp của 2 chị: Pai và Xa ở bản Sểnh Sảng B nói riêng, xã Dào San nói chung là khá phổ biến. Bởi khi học hết lớp 9, nhiều học sinh không có ý định học THPT thay vào đó ở nhà lấy chồng. Chủ yếu quyết định này do chính các em lựa chọn, ít có sự can thiệp của phụ huynh.

Những hệ lụy

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại điểm a, khoản 1, Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, một trong số những điều kiện kết hôn là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Nếu kết hôn sớm, có thể để lại nhiều hệ lụy như: người ở tuổi vị thành niên mất cơ hội học tập; bản thân người mẹ kết hôn, mang thai, sinh con khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bà mẹ, làm tăng nguy cơ tử vong thai nhi, trẻ sinh ra dễ bị suy dinh dưỡng. Tảo hôn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, lạc hậu.

Thực tế ở xã Dào San, việc kết hôn khi còn quá trẻ là nguyên nhân khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng. Gia đình chị Pai và chị Xa là minh chứng. Chị Pai kể: “Lúc mới lấy chồng, làm gì tôi cũng phải học, phải cố gắng, thế nhưng chưa được như ý. Gia đình tôi 10 người, cuộc sống còn rất khó khăn, hiện vẫn đang là hộ nghèo”. Theo quan sát của tôi, trong ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Pai không có tài sản gì có giá trị, ở giữa nhà chỉ có vài chiếc xoong nồi để ngổn ngang, chiếc giường sập sệ như muốn đổ. Giữa buổi trưa mà ngôi nhà của chị Pai vẫn thiếu ánh sáng, giống như cuộc đời chị còn bao gian nan phải vượt qua.

Vẻ mặt buồn để lộ nước da rám nắng với nhiều đốm nám, tàn nhang trên khuôn mặt còn non nớt, chị Xa cũng lấy làm đồng cảm với cuộc đời của chị Pai. Hơn ai hết chị thấu hiểu hậu quả của việc kết hôn sớm. “Lấy chồng sớm thì vất vả. Từ giai đoạn đang tuổi ăn, tuổi lớn, được bố mẹ chăm sóc, khi lấy chồng có con tôi lại làm điều ngược lại. Tôi là người cáng đáng công việc gia đình, chăm lo cho chồng, con. Nấu ăn không ngon chồng chửi, làm ruộng không được nhiều cũng bị chửi, để con ốm chồng cũng chửi” - chị Xa bộc bạch.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Trao đổi với chúng tôi, anh Ma A Già - Chủ tịch UBND xã Dào San cho biết: “Hiện nay, xã có 1.661 hộ, 8.445 nhân khẩu với 5 dân tộc cùng sinh sống: Mông, Dao, Hà Nhì, Kinh và dân tộc khác (dân tộc Mông đông nhất, chiếm 77%). Tình trạng tảo hôn ở 13/13 bản của xã xảy ra trong những năm gần đây chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc Mông. Nguyên nhân do trình độ nhận thức của giới trẻ còn hạn chế, muốn kết hôn sớm, một số khác do chưa biết áp dụng biện pháp tránh thai, chửa phải kết hôn. Có nhiều hộ gia đình, cha mẹ không đồng ý cho con kết hôn sớm nhưng vì sợ khi chia cắt, con ăn lá ngón tự tử nên cũng phải chấp nhận”.

Để kiềm chế, tiến đến giảm tỷ lệ tảo hôn, xã Dào San đã tập trung tuyên truyền đến Nhân dân về tác hại tảo hôn bằng nhiều hình thức. Đưa nội dung không tảo hôn vào quy ước bản, tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa. Đồng thời, xã không cho đăng ký kết hôn, không nhập khẩu với những trường hợp tảo hôn. Từ tháng 1/2020 đến nay, xã tiến hành xử phạt hành chính các trường hợp tảo hôn, mức phạt áp dụng từ 2-3 triệu đồng/cặp. Trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, xã phạt tổng số 21 cặp tảo hôn với số tiền 43 triệu đồng.

Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2021 xã giảm tỷ lệ tảo hôn là 22%; nhưng trong 6 tháng đầu năm nay tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao chiếm 21,7%. Do vậy, thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo cán bộ đoàn thanh niên, công chức tư pháp hộ tịch phối hợp với các trường học đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh bậc THCS, THPT. Vận động một số trường hợp tảo hôn có cuộc sống chưa hạnh phúc đến chia sẻ với bà con trong các cuộc họp bản để Nhân dân nâng cao nhận thức.

Hy vọng, với sự cố gắng của xã, Dào San sẽ giảm dần tỷ lệ tảo hôn để Luật Hôn nhân và Gia đình ngày càng đi vào đời sống, từng bước nâng cao chất lượng dân số cũng như chung tay xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...