Thứ năm, 25/04/2024, 12:35 [GMT+7]

Nhọc nhằn bước chân y tá bản vùng cao

Thứ năm, 07/05/2020 - 06:25'
Đội ngũ nhân viên y tế thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế tại cơ sở; đóng góp lớn trong việc trực tiếp chăm sóc sức khỏe tuyến đầu cho người dân tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Sìn Hồ. Tuy nhiên, sau hơn nhiều năm lặng lẽ gắn bó và cống hiến cho cộng đồng, nghề y tế bản vẫn còn nhiều khó khăn.

Sìn Hồ là huyện vùng cao, biên giới có địa bàn rộng, với 21 xã và thị trấn, điều kiện tự nhiên khắc nhiệt, địa hình bị chia cắt, khí hậu diễn biến thất thường, kinh tế còn nhiều khó khăn, trang thiết bị y tế thiếu thốn, lạc hậu. Đội ngũ y tế thôn bản đã nhiều năm làm việc trong môi trường như vậy. Để đội ngũ này gắn bó với công việc, tạo được nguồn nhân lực cho thế hệ tiếp theo còn là một câu chuyện dài.
Chiều muộn nắng đã gần tắt sau những vạt đồi cao su, anh Phổng Lao Sử, y tá bản Nậm Mạ Dạo, xã Ma Quai mới vội vã trở về nhà sau một ngày dài đi làm công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid - 19. Cùng với đó anh còn khám sức khỏe cho một số người cao tuổi, tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, hướng dẫn các hộ gia đình làm vệ sinh môi trường tránh dịch bệnh, nhắc nhở lịch tiêm chủng cho trẻ em… Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, cũng bởi xuất phát từ gia đình có 4 người con gái nhưng 2 đứa con đầu từ khi sinh ra đau ốm thường xuyên, đi khám, bác sỹ cho biết bị hội chứng chậm phát triển. Thương con thuốc thang đủ cả, ai mách gì anh đều nhớ làm theo. Dần dà, anh đi học và trở thành y tá bản lúc nào chẳng hay. Thế rồi, nghề y tá bản đã gắn bó với anh Sử hơn 10 năm.

Anh Phổng Lao Sử (bên trái)- y tá bản Nậm Mạ Dạo, xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ) hướng dẫn người dân trong bản cách phòng chống dịch bệnh.

Anh Phổng Lao Sử (bên trái) - y tá bản Nậm Mạ Dạo, xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ) hướng dẫn người dân trong bản cách phòng, chống dịch bệnh.

“Công việc vốn đã vất vả cùng với địa bàn miền núi thì càng thêm khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân bị hạn chế; phụ cấp mỗi tháng không đủ tiền xăng xe, điện thoại; nếu không thương mọi người, sợ nhiều đứa trẻ sinh ra cũng đau ốm như con mình, tôi bỏ nghề lâu rồi” - anh Sử chia sẻ.
Không riêng gì anh Sử mà hầu hết các y tá bản tại các xã của huyện Sìn Hồ đều có nhiều trăn trở về nghề. Đặc thù của từng xã đều khác nhau nhưng mỗi tuần họ đều phải làm 3 ngày, ngoài ra còn những việc phát sinh, rồi các ngày giao ban, họp, tập huấn ở trạm, ở trung tâm, họ đều phải tham gia. Rồi sau đó hướng dẫn cho người dân trong bản từ việc phòng dịch, ăn uống, vệ sinh, theo dõi sức khỏe, rà soát danh sách trẻ em đến kỳ tiêm chủng; nhiều khi phải gọi điện nhắc hoặc đến tận nhà đưa trẻ em ra Trạm Y tế xã tiêm.
Nghề y tá bản như con thoi miệt mài qua lại, chẳng tính thiệt hơn, nhưng lại là việc làm có trách nhiệm với người dân; vậy mà mức hỗ trợ cũng chỉ được 745 nghìn đồng/tháng - đây là mức tiền phải kiêm nhiệm thêm công tác văn hóa, dân số… Với mức thu nhập như thế này không mua đủ 10 kiện mỳ tôm, thì lấy đâu ra tiền đổ xăng xe, nạp tiền điện thoại.
Anh Hà Duy Thiện - Trưởng Trạm Y tế xã Ma Quai cho biết: Thực trạng đội ngũ y tá bản nguồn thu nhập không đáp ứng so với lượng công việc phải đảm nhận. Trên địa bàn xã Ma Quai nói riêng và các xã khác nói chung, thời gian qua có nhiều y tá bản xin nghỉ việc. Tôi đã nhiều lần phải động viên, hỗ trợ họ tiếp tục làm việc.
Toàn huyện hiện có 181 cán bộ y tá bản. Đây là đội ngũ vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Do đó, việc đảm bảo đời sống, tập huấn về kỹ năng chuyên môn, trang thiết bị làm việc cho đội ngũ cán bộ tuyến đầu này ngày càng trở nên cấp thiết.
Trao đổi về những khó khăn của đội ngũ cán bộ y tá bản, ông Hoàng Việt Bắc - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cho biết: Do địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, việc di chuyển của cán bộ y tá bản gặp nhiều khó khăn, nhất là những ngày mưa lũ, tắc đường. Bên cạnh đó, mức thu nhập của đội ngũ này hiện nay không đảm bảo cuộc sống. Trung tâm cũng có nhiều chủ trương tạo điều kiện hỗ trợ tuy nhiên vì còn nhiều khó khăn về ngân sách nên chưa giúp gì nhiều; huyện cũng khuyến khích cán bộ y tá bản kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ để nâng cao thu nhập trước mắt.
Cũng như nhiều huyện vùng cao khác, đồng bào sống tại các xã vùng sâu của huyện Sìn Hồ nhiều nơi vẫn còn duy trì các tập tục lạc hậu như: sinh con tại nhà, ngoài lán nương; ốm đau vẫn tin vào cúng lễ; trẻ em chưa được quan tâm chăm sóc đúng cách. Các cán bộ y tá bản là người địa phương, ngoài kỹ năng chuyên môn được học và tập huấn họ còn hiểu về văn hóa phong tục tập quán và ngôn ngữ nên việc vận động tuyên truyền, khám, chữa bệnh cho người dân luôn đạt hiệu quả cao tại tuyến đầu cơ sở.
Mong rằng, các cấp, các ngành quan tâm có chế độ chính sách phù hợp hơn đối với đội ngũ y tá bản để duy trì, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; qua đó góp phần đắc lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...