Giải pháp phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững
Có được thành quả này, những năm qua tỉnh triển khai nhiều giải pháp đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình công tác khảo nghiệm và định hướng ứng dụng các sản phẩm khoa học nông nghiệp cây, con giống mới, thiết bị mới như: chế phẩm sinh học EM, hầm bioga, phân bón Nep26, sản xuất theo quy trình Vietgap, phục tráng giống thuần, đi cùng với đó xây dựng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý các sản phẩm… đã thúc đẩy nông dân sử dụng và ứng dụng KH&KT vào trong sản xuất, đời sống, tăng giá trị sản phẩm. Lúa tẻ râu, khẩu ký, khẩu hốc, nếp tan co giàng và giống lúa lai BC15, đạt 52 tạ/ha; giống TBR36, đạt 56,5 tạ/ha; giống TBR45, đạt 53,5 tạ/ha.
Nhiều mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh trong nông nghiệp, kinh tế vườn đồi, vườn rừng được hình thành đem lại hiệu quả kinh tế và đã trở thành phong trào đem lại thu nhập cho người lao động, tạo tiền đề cho việc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn miền núi. Có thể nói, ý thức áp dụng các cây, con giống mới trong tỉnh được nâng lên rõ nét, tạo thành ý thức tự giác trong Nhân dân. Ước khoảng 60 đến 70% các giống mới được đưa vào sản xuất tại các huyện trong tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật ở một số địa phương trong tỉnh còn “e dè”, thiếu tính chủ động và tính cạnh tranh để trở thành sản phẩm hàng hóa sâu rộng. Các hoạt động khoa học kỹ thuật trong thời gian qua đã tập trung theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng mới là chuyển giao giống mới. Việc nghiên cứu tại chỗ vẫn chưa được thực hiện, các kết quả nghiên cứu và áp dụng vào sản xuất còn chưa đủ mạnh. Hiệu quả của việc áp dụng KH&CN chưa cao do nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp nông thôn còn có những điểm chưa phù hợp, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, độc canh. Ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống còn chậm. Trung tâm Giống Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thành lập được hơn 10 năm, song việc nghiên cứu cây tại địa phương chưa bắt nhịp. Công nghệ chế biến nông lâm sản vẫn còn thủ công. Cơ chế bảo hộ cho các đối tượng sở hữu công nghệ còn yếu.
Thiếu một cơ sở có khả năng nghiên cứu, ứng dụng đủ mạnh. Năng lực hoạt động khoa học kỹ thuật của các tổ chức, cơ quan chuyển giao KH&CN còn thiếu về nhiều mặt: điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu, do vậy có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật không đủ điều kiện để áp dụng, nhiều mô hình sản xuất tốt chưa được tập trung đầu tư nhân rộng. Một số đề xuất chuyển giao KH&CN còn mang nặng tính định hướng không khuyến khích được người dân đồng tình ủng hộ. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật tuy được tăng lên nhưng còn hạn chế về năng lực, bất cập về cơ cấu, chưa tổ chức khai thác tốt thông tin về KH&CN, sự hợp tác cũng như chỉ đạo trong công tác chuyển giao tiến bộ KH&CN của các cơ quan chưa mạnh, thiếu tính đồng bộ và phối hợp giữa các ngành, các đơn vị… Khả năng tiếp thu và ứng dụng KHCN vào sản xuất của lực lượng lao động trong nông nghiệp còn hạn chế.
Trước thực trạng đó, để đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp và nông thôn, thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
* Đổi mới về tổ chức và chính sách huy động lực lượng KH&CN. Tỉnh cần ban hành quy hoạch KH&CN theo hướng chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Hình thành hệ thống chính sách phù hợp, chính sách cơ cấu ngành nghề, chính sách KHKT và phải được nhất quán từ tỉnh đến huyện, xã.
* Tăng cường cơ sở vật chất và đầu tư kinh phí cho KH&CN: Tập trung đầu tư cho KH&CN phục vụ sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Đại hội lần thứ XIV tỉnh Đảng bộ Lai Châu, đồng thời có biện pháp huy động tối đa sự tham gia của các thành phần kinh tế vào nghiên cứu và chuyển giao KH&CN.
* Thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trên cùng một địa bàn để hình thành chương trình tổng hợp: Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, đẩy mạnh triển khai đưa chương trình phát triển cây, con giống mới, đưa cơ khí hoá, công nghệ chế biến sau thu hoạch, dịch vụ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Công nghệ sản xuất giống cây trồng, nông – lâm nghiệp, cây dược liệu, cây hoa cảnh, phân bón và thuốc bảo vệ sinh học, công nghiệp bảo quản - chế biến sau thu hoạch, công nghệ vi sinh...
* Về phát triển nguồn nhân lực KH&CN: Đổi mới chính sách đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tôn vinh, khuyến khích những lao động sáng tạo, có kết quả nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn sản xuất.
* Xã hội hoá công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm. Công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm phải được thực hiện tới hộ gia đình. Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp nhận và ứng dụng KH&CN để sản xuất kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm KH&CN phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, gắn với phát triển du lịch trong nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện nghiêm chỉnh các qui định về sở hữu trí tuệ trong việc bảo hộ quyền tác giả và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (bản quyền giống cây trồng, vật nuôi, qui trình công nghệ, vi sinh vật…).
* Phát triển hệ thống thông tin KH&CN: Đẩy mạnh công tác thông tin phổ biến tri thức trong nông thôn, trước hết là tri thức trong sản xuất nông lâm nghiệp, về ngành nghề, dịch vụ, thị trường tiêu thụ, văn hoá lối sống, những kiến thức về bảo vệ môi trường.
* Mở rộng hợp tác về KH&CN. Chủ động và tích cực xây dựng các chương trình, đề tài, dự án hợp tác với các tổ chức KH&CN trong nước và nước ngoài, đặc biệt quan tâm chú trọng hợp tác với các Viện, các trường Đại học, các Trung tâm nghiên cứu KH&CN trong nước và với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, để tranh thủ tối đa sự giúp đỡ về trí tuệ, các nguồn lực cho tỉnh. Triển khai hiệu quả các cam kết giao thương xuất khẩu và mở rộng hoạt động Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng.
Hồng Vân
Bình luận