Thứ hai, 16/09/2024, 06:11 [GMT+7]

Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ tư, 10/07/2024 - 09:43'
Trong nhiều năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Phòng Tư pháp huyện Mường Tè quan tâm chỉ đạo thực hiện. 

Công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ rất quan trọng để đưa các chủ trương, chính sách pháp luật vào trong cuộc sống của nhân dân, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm pháp luật. Nhận thức được điều đó trong những năm qua, Phòng Tư pháp huyện với vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện đã làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tích cực tổ chức triển khai thực hiện công tác công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đã đạt được những quả quan trọng.

Trong 5 năm qua, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu nhiều giải pháp triển khai tổ chức thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến các cấp, các ngành, các đơn vị lực lượg vũ trang trên địa bàn huyện triển khai tuyên truyền tại các xã vùng đồng bào dân tộc thểu số.

Từ năm 2019-2024, Phòng Tư pháp huyện tham mưu UBND huyện tổ chức hội nghị tại cấp huyện: 14 hội nghị với 2.835 lượt người; chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức: 2.107 buổi với 166.958 lượt người. Hướng dẫn các tổ hòa giải tổ chức hòa giải: 363 vụ trong đó đã hòa giải thành công 314/363 vụ; thông qua tham gia cuộc thi tìm hiểu pháp luật 03 cuộc với: 9.855 người tham gia; Biên soạn, xuất bản 175.951 tờ gấp pháp luật về liên quan đến quy định pháp luật ma túy, hôn nhân gia đình, pháp luật hình sự, dân sự, an ninh mạng….

Nội dung tuyên truyền tập trung những văn bản luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội của người dân như: về hôn nhân và gia đình, vận động xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết; hộ tịch, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ phát triển rừng, phòng chống tác hại của rượu bia, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tham nhũng, phòng chống, mua bán người, đất đai, ma túy, mại dâm, hình sự, dân sự, thanh niên, cư trú, nuôi con nuôi, hòa giải, phòng chống Covid-19, biên phòng, giao thông, an ninh mạng, lâm nghiệp; về dân chủ ở xã, cải cách hành chính và một số chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về hỗ trợ người nghèo; về phát triển kinh tế - xã hội.

Hình thức PBGDPL không ngừng được đổi mới như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; hội nghị, sinh hoạt Ngày pháp luật; hòa giải cơ sở; hệ thống loa truyền thanh cơ sở, cấp phát tài liệu miễn phí tờ rơi, tờ gấp pháp luật; thông qua phương tiện thông tin đại chúng, qua công tác tố cáo của người dân, trợ giúp pháp lý cho nhân dân, thông các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Tiktok bằng tài liệu, video clip ngắn có nội dung pháp luật và thông qua tổ chức thực hiện quy ước, hương ước của bản, khu phố….

Công tác tuyên truyền đã góp phần ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư, giữ gìn an ninh trật tự, thúc đẩy nhiệm vụ pháp triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật của các cấp chính quyền trên địa bàn huyện. Đặc biệt là hiện nay trên địa bàn huyện đã có 13/14 xã, thị trấn đã được Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tội phạm (PCTP) huyện xét đề nghị BCĐ PCTP tỉnh đưa các xã, thị trấn ra khỏi địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình an ninh trật tự (Theo kết quả họp xét của BCĐ phòng chống tội phạm huyện năm 2023 chỉ còn một xã duy nhất là xã Tà Tổng hiện nay chưa đủ điều kiện ra khỏi xã trọng điểm, phức tạp về tình hình an ninh trật tự.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở huyện Mường Tè còn một số khó khăn chủ yếu đó là: Một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thực sự chặt chẽ, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Một số báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng kiến thức sư phạm dẫn đến thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa thực sự đi sâu vào những nội dung pháp luật thiết yếu, sát thực mà người dân cần và thiếu chủ động tích cực tham gia công tác tuyên truyền.

Việc huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác này còn rất hạn hẹp. Việc thực hiện pháp luật của một số cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ, nghiêm minh và triệt để. Nhiều người dân có biểu hiện coi thường pháp luật hoặc chưa thực sự tin tưởng vào sự công bằng, vào lẽ phải, vào sự công minh của pháp luật. 

Thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện đề xuất một số giải pháp: Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể cần tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt kịp thời, đầy đủ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tuyên truyền, PBGDPL trọng tâm là Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”; gắn việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ huyện và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách, kế hoạch của huyện về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên pháp luật. Phát huy vai trò của các tổ hòa giải ở cơ sở.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng mạnh về cơ sở nhất là Hội viên, đoàn viên, gắn với việc xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; học tập tại cộng đồng.

Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác PBGDPL. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tạo các nhóm Zalo học tập pháp luật tại cộng đồng dân cư để chia sẻ những video clip ngắn về nội dung phổ biến giáo dục pháp luật hoặc những gương điển hình về thực hiện, chấp hành pháp luật, những phiên xét xử lưu động.

Phân công các đồng chí báo cáo viên phụ trách từng điểm bản và giao chỉ tiêu mỗi báo cáo viên tham gia tuyên truyền pháp luật ít nhất 2 buổi/tháng, đưa vào tiêu chí đánh giá xếp loại hàng năm của mỗi đồng chí báo cáo viên. Đồng chí nào không làm được thì miễn nhiệm.

Bổ sung, tăng cường các nguồn lực cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng ưu tiên cho các nhóm đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) triển khai nhiều giải pháp nhằm chung tay phòng, chống tảo hôn (TN), hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trên địa bàn.
Tô thắm hình ảnh của người chiến sỹ công an
Với sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an xã Bản Giang (huyện Tam Đường) đấu tranh thành công nhiều vụ án ma tuý, khai thác...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.