Tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số
Mồ Sì San là xã vùng cao biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, đường sá đi lại khó khăn, đa số người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp, phong tục tập quán lạc hậu còn phổ biến, trình độ nhận thức cũng như dân trí còn thấp. Người dân còn thụ động, chưa biết cách làm ăn, chưa biết vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chủ yếu là tự cung tự cấp và dựa phần lớn vào điều kiện tự nhiên, công tác vận động, tuyên truyền chuyển đổi phương thức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Một góc trung tâm xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ).
Công tác giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Hiểu được tầm quan trọng của công tác giải quyết việc làm Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể xã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, các công ty, doanh nghiệp thường xuyên tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn xã những con đường tìm kiếm việc làm đem lại thu nhập cao hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Cụ thể như: phối hợp với các đơn vị mở các lớp dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, tham gia xuất khẩu lao động...
Trong quý I năm 2024 xã Mồ Sì San có số người trong độ tuổi lao động là 1642 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48.33%, số lao động được giải quyết việc làm là 16 người, số lao động đang làm việc tại các tỉnh trong nước là 125 người, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 117 lao động.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn một số khó khăn như: Đặc thù nhân dân trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao nên nhìn chung trình độ dân trí của người lao động chưa cao, chất lượng lao động còn thấp, trình độ tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu chung của thị trường lao động. Một số lao động đã tham gia các lớp đào tạo nghề nhưng chưa áp dụng kiến thức đã học vào trong sản xuất, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động phổ thông ở trong các khu công nghiệp. Do đó, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền xã trong công tác việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động là cầu nối giữa người lao động và các đơn vị tuyển dụng lao động, là đầu mối để người lao động gửi gắm khi khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.
Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đổi mới phương pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phương hướng chung là không đào tạo tràn lan, mà phải phù hợp với nhu cầu của người lao động trên địa bàn xã; Tiếp tục đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, gắn với chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, bao tiêu sản phẩm đang triển khai trên địa bàn xã; Hỗ trợ đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu, kể cả hỗ trợ đào tạo nghề để tham gia xuất khẩu lao động; Đẩy mạnh liên kết người lao động, doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu chung của xã hội, đặc biệt là các nghề cho lao động phổ thông phù hợp với tiêu chuẩn tay nghề trong các khu công nghiệp
Đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc có hợp đồng tại nước ngoài. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, giúp địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, làm tốt công tác xuất khẩu lao động giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hình thành được đội ngũ lao động có tay nghề cao, chất lượng… góp phần phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để có điều kiện ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, lúa cao sản để trở thành sản phẩm hàng hoá, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, chú trọng phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ để tạo cơ cấu vững chắc về việc làm cho lao động ở địa bàn xã; Đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch, nhất là du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của xã, từng bước đưa các ngành dịch vụ đi vào cơ cấu nền kinh tế chung của xã…
T.H
Bình luận