Thứ hai, 16/09/2024, 05:31 [GMT+7]

Xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè

Thứ tư, 10/07/2024 - 09:43'
Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mường Tè luôn quan tâm chú trọng đến công tác xây dựng văn hóa, con người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu... xây dựng xã hội phồn vinh, nếp sống văn minh, gia đình hạnh phúc. Các chủ trương, chính sách được ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế -xã hội của địa phương.

Mường Tè là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, địa bàn rộng, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhiều phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu còn tồn tại. Huyện có 6 xã biên giới giáp tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với 130,292 km đường biên, có tổng diện tích tự nhiên 267.934,16ha, được chia thành 14 đơn vị hành chính gồm 13 xã và 01 thị trấn. Toàn huyện có 10.491 hộ/48.527 nhân khẩu gồm 10 dân tộc chính và một số dân tộc khác sống xen kẽ.

Những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì (huyện Mường Tè) được lưu giữ nhờ xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc.

Là cơ quan thường trực tham mưu thực hiện nghị quyết, ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU, với ý nghĩa và tầm quan trọng cần xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, Ban Dân vận Huyện ủy đã phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu cho Huyện ủy tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, tuyên truyền nghị quyết từ huyện đến điểm cầu các xã, thị trấn; thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ), Tổ giúp việc BCĐ huyện, đồng thời xây dựng các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết và tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè.

Tham mưu chỉ đạo, đôn đốc các chi, đảng bộ trực thuộc cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch và tổ chức quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chương trình hành động thực hiện nghị quyết của huyện đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân và tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, cơ sở. Qua đó đã tham mưu cho Huyện ủy tổ chức hội nghị tiếp thu quán triệt Nghị quyết 15-NQ/TU trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở với tổng số 419/439 đại biểu. Trong đó: điểm cầu cấp huyện có 59/60 đại biểu tham dự; 14 điểm cầu xã, thị trấn là 360/379 đại biểu tham dự. Tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Chương trình hành động của huyện (CTr số 06-CTr/HU) về thực hiện Nghị quyết 15 từ huyện đến các xã, thị trấn với tổng số 15 điểm cầu với 377 đại biểu. Chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc tổ chức được 231 hội nghị quán triệt, tuyên truyền ở cơ sở với 4.356 lượt người tham gia học tập, trong đó: Đảng viên tham gia học tập 3.831/4.029 đồng chí; cán bộ công chức, viên chức, người lao động chưa phải là đảng viên tham gia học tập 525/545 đồng chí. 100% cấp ủy cơ sở đã cụ thể hóa các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, ban hành Quy chế hoạt động BCĐ; Thông báo phân công nhiệm vụ cho thành viên BCĐ; xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết năm 2024 và tiến hành lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức rà soát và đưa các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu vào quy ước, hương ước của các bản, khu phố để tiến tới dần dần đẩy lùi, xóa bỏ.

Qua triển khai các chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các hộ gia đình trong toàn huyện cơ bản được tuyên truyền, nhận biết đầy đủ tác hại, hệ lụy của các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và các hoạt động mê tín dị đoan, góp phần quan trọng vào việc xóa bỏ gắn với dựng nếp sống văn minh bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, nhận thức của một bộ phận Nhân dân các dân tộc về tác hại, hệ lụy của các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng không đồng thuận với chủ trương xóa bỏ.

Những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đã được hình thành và tồn tại từ lâu đời, đã khắc sâu trong tiềm thức của một bộ phận Nhân dân và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nên việc định hướng thay đổi nhận thức, tư tưởng Nhân dân để tiến tới xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu là một nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Để từng bước đẩy lùi, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc thời gian tới, huyện Mường Tè xác định: Công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu phải đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo khảo sát, đánh giá và xác định các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu để đưa vào quy ước, hương ước của bản, khu phố và tập trung tuyên truyền, vận động xóa bỏ.

Công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trong đó phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tư tưởng - văn hóa, các cơ quan thông tin và truyền thông; Phát huy vai trò lực lượng cốt cán bản, khu phố, trưởng dòng họ, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động; việc tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, đổi mới, sáng tạo với các hình thức phong phú, đa dạng trên tinh thần: “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để vận động Nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện quy ước, hương ước, xây dựng gia đình, bản, khu phố văn hóa, xã, thị trấn tiêu biểu.

Tiếp tục quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị; các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng bản và các đoàn thể bản, khu phố thực hiện nghiêm túc các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phát huy tính tiền phong gương mẫu, vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức; các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng bản và các đoàn thể bản, khu phố trong quá trình triển khai vận động thực hiện.

Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát; tham mưu cho Ban chỉ đạo, UBND cùng cấp kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về tổ chức việc cưới, việc tang, gây bức xúc trong dư luận. Công bố công khai những cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức việc cưới, việc tang chưa đảm bảo lành mạnh, thiếu văn minh.

Chú trọng công tác nhân rộng các mô hình mẫu, điển hình tại các bản, khu phố, điểm dân cư trên địa bàn trong xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu.

Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiêm việc triển khai thực hiện. Đề xuất biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân, dòng họ, hộ gia đình có cách làm hay, tiêu biểu trong công tác triển khai, tuyên truyền, vận động Nhân dân, gia đình, người thân thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn.

M.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) triển khai nhiều giải pháp nhằm chung tay phòng, chống tảo hôn (TN), hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trên địa bàn.
Tô thắm hình ảnh của người chiến sỹ công an
Với sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an xã Bản Giang (huyện Tam Đường) đấu tranh thành công nhiều vụ án ma tuý, khai thác...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.