Huyện vùng biên “thay áo mới”
Từ thành phố Lai Châu, chúng tôi vượt qua những cung đường đèo uốn lượn để đến với Mường Tè - vùng đất xa xôi biên giới của tỉnh Lai Châu, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Hơn 3 tiếng chạy xe, khi đặt chân đến đất Mường Tè thân yêu, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của địa phương. Những con đường trong thị trấn rực rỡ cờ hoa; nếp nhà sàn, nhà cao tầng mọc lên san sát, khang trang; hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động và sầm uất hơn; xa xa là cánh rừng bạt ngàn xanh mướt. Mường Tè hôm nay thật tươi đẹp và giàu sức sống.
Trong ký ức của chúng tôi qua những câu chuyện của đồng nghiệp kể và lời tâm sự của bà con, Mường Tè xưa đói, khổ lắm. Giao thông cách trở giữa các bản, xã; đường đi lại chủ yếu bằng đất, mùa mưa lầy lội, trơn trượt. Vì khoảng cách địa lý xa xôi mà trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp, canh tác nông nghiệp lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao, có những bản, xã 100% số hộ thuộc diện nghèo.
Mường Tè là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh, có đường biên giới dài 130,292km tiếp giáp với 3 huyện của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Toàn huyện có 14 đơn vị hành chính xã, thị trấn; tổng dân số trên 48.000 người; 10 dân tộc cùng chung sống. Để có được diện mạo mới như hôm nay, thời gian qua, huyện Mường Tè bám sát vào các chủ trương của Đảng, Nhà nước, định hướng của tỉnh, tập trung lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, chương trình đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quan tâm, ưu tiên thực hiện các chế độ, chính sách cho đồng bào các dân tộc đặc biệt khó khăn như: Cống, Mảng, La Hủ, Si La... về nhà ở, nước sinh hoạt, mô hình sinh kế. Thực hiện có hiệu quả chương trình di dân tái định cư thuỷ điện; sắp xếp ổn định dân cư vùng có nguy cơ thiên tai xảy ra.
Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, với những quyết sách đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo Mường Tè thay đổi vượt bậc. Trong đó, huyện đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị các cấp cùng nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Nhất là nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện đề ra 2 chương trình trọng điểm để triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, đó là: Chương trình phát triển sản xuất một số sản phẩm nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2020-2025 và Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục và xóa mù chữ giai đoạn 2020-2025.
Hiện tại, toàn huyện đã phát triển vùng dược liệu trên 5.250ha (trong đó có 2.100ha thảo quả; hơn 1.575ha sa nhân; trên 10ha sâm Lai Châu…); duy trì sản xuất cây lương thực trên 4.000ha; phát triển vùng trồng quế trên 2.300ha. Nhân dân tích cực chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng, tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 66,8%. Trên địa bàn huyện có 56 dự án thủy điện với tổng công suất 1.046 MW. Giá trị sản xuất các ngành đạt 2.254 tỷ đồng, thu ngân sách trên địa bàn bình quân đạt 62,7 tỷ đồng/năm.
Anh Vàng Xé Lòng - Phó Chủ tịch UBND xã Bum Tở cho hay: “Từ chủ trương của tỉnh, huyện về trồng cây quế, chúng tôi tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng quế. Tham gia trồng quế, bà con được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, các hộ rất phấn khởi. Từ năm 2017 đến nay toàn xã trồng được 800ha quế. Hiện tại, cây quế đã cho người dân trên địa bàn tỉa cành, bán cho đơn vị thu mua. Nhờ đó, các hộ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình”.
Đối với lĩnh vực văn hoá, xã hội, huyện tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị dạy học; trạm y tế, nhà văn hoá. Chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ trong công tác vận động học sinh ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp bậc học; tăng cường mở các lớp học xoá mù chữ cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Mở rộng mạng lưới y tế các bản, nâng cao chất lượng, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 22/38 đơn vị trường đạt chuẩn quốc gia; 10,4 bác sĩ/vạn dân; trên 80% số hộ, số bản, khu dân cư đạt danh hiệu văn hoá. Tình hình an ninh biên giới, an ninh nội địa cơ bản ổn định, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại được duy trì và phát triển...
Có thể thấy rằng, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương cùng tinh thần vượt khó, đoàn kết vươn lên của nhân dân các dân tộc đã đưa Mường Tè từ một địa phương thuần sản xuất nông, lâm nghiệp, tỷ lệ đói nghèo cao, đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch mạnh mẽ theo đúng định hướng. Tỷ trọng các ngành ước đạt: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 33,6%; Công nghiệp và xây dựng 54,8%; Dịch vụ 11,6%.
Ông Bùi Xuân Nhiệm - Bí thư chi bộ, trưởng khu phố 12, thị trấn Mường Tè hồ hởi: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, khu tái định cư của chúng tôi đến nay phát triển hơn với 99% nhà xây kiên cố, trên 38% là nhà cao tầng từ 2-3 tầng. Trước đây bà con làm ăn manh mún, tập trung yếu về nông nghiệp, hiện nay, khu phố chuyển sang hình thức dịch vụ, thương mại nên thu nhập của bà con khu phố ngày càng cao. Có công ăn việc làm, sinh kế đảm bảo thu nhập không có người thất nghiệp. 100% trẻ em được đến trường, tiêm chủng đầy đủ, nhân dân được chăm sóc sức khoẻ đầy đủ.
Những kết quả này là tiền đề vững chắc để miền biên viễn Mường Tè tiếp tục chuyển mình; khẳng định sức sống mới tươi đẹp nơi thượng nguồn sông Đà.
Đinh Đông - Ngọc Duy
Bình luận