Người dân cần được kiện thẳng ra Tòa!
Thấy cần, người dân được chọn Tòa!
Dự thảo Luật Tố tụng hành chính đang được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những người làm công tác pháp luật. Trung tâm Nghiên cứu và Hành động vì cộng đồng (Reacom) vừa tổ chức hội thảo góp ý kiến vào dự luật này và được giới luật sư tham gia sôi nổi.
Tuy rằng, so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, điều kiện khởi kiện theo dự thảo đã được “nới” rộng, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cần được mở rộng “thật sự” bằng những qui định cụ thể. LS Ngô Tất Hữu (VPLS Thủ đô, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, để thật sự tạo thuận lợi cho dân đi “kiện quan” thì không nên ràng buộc điều kiện khởi kiện bởi bất kỳ khâu nào, qui định người dân có quyền lựa chọn kiện thẳng ngay ra Tòa án nếu muốn.
Thực tế, việc căn cứ vào tính chất chuyên môn của loại khiếu kiện để quy định loại việc này phải được xem xét giải quyết tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện tại Tòa án vừa không có cơ sở khoa học vừa không có ý nghĩa thực tiễn. Chưa kể, điều này còn làm hạn chế quyền tự do lựa chọn của công dân, thời gian giải quyết vụ việc bị kéo dài và mất đi ý nghĩa của việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án. Vì vậy, dự thảo luật nên theo hướng dành quyền lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại Tòa án cho người dân mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện.
Đồng tình, LS Nguyễn Văn Hà (VPLS Hà Lan và cộng sự) cho rằng, thực tế cho thấy bất kể các nhà làm luật có đưa ra các phương án giải quyết khiếu nại ra sao, thì người dân vẫn xem Tòa án là con đường giải quyết cuối cùng. LS Hà băn khoăn, nếu người dân cùng một lúc gửi đơn đi nhiều nơi mà Tòa án thụ lý vụ việc thì Tòa án có yêu cầu cơ quan hành chính chuyển hồ sơ không và như thế có hạn chế quyền khởi kiện, khiếu nại của người dân không?
Điều 37 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo quy định: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại”. Dự thảo Luật tố tụng hành chính mở rộng điều kiện khởi kiện. Người khởi kiện có quyền đưa ngay vụ việc ra Tòa hành chính. Như vậy, nếu không đặt ra việc đối thoại là điều kiện bắt buộc thì vô hình trung những vụ việc hành chính người dân khởi kiện đã tước bỏ khâu đầu tiên rất quan trọng là hai bên gặp gỡ đối thoại để hiểu biết nhau ở những vụ việc không trái pháp luật? Do đó, một số ý kiến cho rằng, phải xem việc đối thoại trong tố tụng hành chính là điệu kiện bắt buộc, trừ các vụ việc trái pháp luật.
Thời hiệu khởi kiện là 2 năm như dân sự?
Dự thảo Luật hiện quy định có rất nhiều thời hiệu khởi kiện khác nhau: 6 tháng nếu không khiếu nại, 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, 45 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2, 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng cạnh tranh hoặc Bộ trưởng Bộ Công thương và trừ lùi 5 ngày kể từ ngày bầu cử trong khiếu nại danh sách cử tri.
Trừ khiếu nại về danh sách cử tri, thời hiệu khởi kiện sẽ là 2 năm?
Vấn đề này, LS Trương Thanh Đức (Cty Luật Basico) cho rằng, có tới 5 thời hiệu khác nhau là quá phức tạp, rắc rối, sẽ gây khó cho việc thực hiện, trong khi đó thời hạn khởi kiện lại quá ngắn. Theo LS Đức, khác với tranh chấp dân sự, vụ án hành chính luôn có dáng dấp của việc lạm quyền, ép buộc công dân - bên yếu thế hơn. Việc rút ngắn thời hiệu khởi kiện so với tố tụng dân sự (2 năm) là giành lợi thế hơn cho Nhà nước mà chủ trương cải cách tư pháp thì không thể dành bất lợi hơn cho người dân. Do đó, LS Đức đề xuất, cần thống nhất thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là 2 năm, trừ khiếu nại về danh sách cử tri.
Theo Pháp luật & xã hội
Bình luận