Góp phần định hướng tư tưởng cho nhân dân trong xây dựng nhân cách, lối sống, văn hoá, con người Lai Châu
Hiện nay, tỉnh Lai Châu có 3 cơ quan báo chí địa phương, có đủ 4 loại hình báo chí: Báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Có 15 cơ sở in, 04 Văn phòng, phóng viên thường trú tại tỉnh; có khoảng gần 100 trang TTĐT (trong đó có 20 trang TTĐT tổng hợp); 08 ấn phẩm mang tính báo chí.
Phát huy những mặt tích cực từ MXH, hiện nay nhiều cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã lập các Fanpage trên MXH Facebook để truyền thông lan tỏa. Tỉnh Lai Châu hiện nay có 2 Fanpage của tổ chức được cấp tích xanh (xác nhận chính chủ, tránh giả mạo): Fanpage “UBND tỉnh Lai Châu” (với trên 41.000 người theo dõi – Do Sở TTTT quản lý, vận hành) và fanpage “Công an tỉnh Lai Châu” (trên 63.000 người theo dõi - Do Công an tỉnh quản lý, vận hành), ngoài ra còn hàng trăm fanpage trên Facebook tạo được hiệu ứng truyền thông lan tỏa sâu rộng.
Văn hóa, thể thao và du lịch Lai Châu ngày càng phát triển bền vững.
Cấp huyện có 8 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông; 107 đài truyền thanh cấp huyện, xã (trong đó có 34 đài truyền thanh ứng dụng CNTT-viễn thông; 73 đài FM) với 798 cụm loa (538 cụm loa sử dụng công nghệ FM; 260 cụm loa ứng dụng CNTT-VT) tại các cụm dân cư, thôn, bản. Thường xuyên cập nhật các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương, tỉnh, huyện, xã để tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân.
Qua đó, tạo nên nguồn cung cấp thông tin phong phú, đa dạng và kịp thời cho người dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, góp phần định hướng tư tưởng cho nhân dân đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu nhi trong quá trình xây dựng nhân cách, lối sống, xây dựng văn hoá, con người Lai Châu.
Kết quả quản lý nhà nước để định hướng tư tưởng cho nhân dân đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu nhi trong quá trình xây dựng nhân cách, lối sống, xây dựng văn hoá, con người Lai Châu:
Phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, tỉnh Lai Châu tác nghiệp tại Lễ ra quân chiến dịch thanh niên tình nguyện hè.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tích cực viết tin, bài, phóng sự có chất lượng, thông tin tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI): Tuyên truyền về việc bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống Nhân dân; phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội; tuyên truyền nhằm hướng tới sự hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam (nói chung), xây dựng nhân cách, lối sống, xây dựng văn hoá, con người Lai Châu (nói riêng).
Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thông tin đối ngoại hàng năm (trong đó có nội dung truyền thông về bản sắc văn hóa, con người Lai Châu); tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Truyền thông, quảng bá tỉnh Lai Châu năm 2023, 2024; Kế hoạch về triển khai thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”.
Sở cấp gần 20 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh cho các cơ quan tuyên truyền xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Một số ấn phẩm tiêu biểu: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn hóa dân tộc La Hủ tỉnh Lai Châu; Lai Châu miền đất bí ẩn; Xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam; Xây dựng nhân cách con người Việt Nam.
Sở chủ động thuê phầm mềm Giám sát danh tiếng và Thông tin trực tuyến, với kinh phí trên 300 triệu đồng/năm. Qua đó, giúp Sở theo dõi gần 30.000 tin, bài đăng tải về Lai Châu/năm, phát hiện nhiều tin, bài tiêu cực phản ánh những vấn đề mà dư luận quan tâm, kịp thời tham mưu cho tỉnh tổ chức họp báo, định hướng dư luận.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin trên không gian mạng, thời gian qua, Sở TTTT đã thiết lập đường dây nóng báo chí, thông báo bằng văn bản để các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh được biết. Và đầu năm 2022, Sở thiết lập nhóm Zalo “Truyền thông về Lai Châu” với sự tham gia của trên 20 cơ quan báo chí; ký kết hợp tác truyền thông với 9 cơ quan báo chí Trung ương, qua đó góp phần tăng cường các hoạt động truyền thông quảng bá, lan tỏa hình ảnh của Lai Châu tới bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Sở đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh duy trì thường xuyên Hội nghị giao ban báo chí hàng quý. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức họp báo thường kỳ hàng quý, trong đó tập trung chỉ đạo định hướng các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về những giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước quê hương đổi mới; phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Các cơ quan báo chí Trung ương và báo chí địa phương; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường sử dụng các mạng xã hội hội như zalo, facebook, youtobe để tuyên truyền. Các nội dung thông tin, thông điệp được trình bày với nhiều hình thức khác nhau, nhiều bộ infographic (đồ họa thông tin qua hình ảnh) được thiết kế trực quan, sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ đã tạo được sự quan tâm lớn của người dân.
Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải trên Fanpage UBND tỉnh, OA ZaLo UBND Tỉnh; Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh các tin, bài liên quan đến việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, với hàng trăm nghìn lượt tiếp cận. Qua đó, đã góp phần tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh, thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè trong nước và quốc tế; thông tin, quảng bá hình ảnh của địa phương, con người, lịch sử văn hoá và các giá trị văn hoá của tỉnh Lai Châu….
Thông qua công tác tuyên truyền góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản đặc biệt trên mạng Internet.
Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước tại địa phương, công tác truyền thông còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như:
Nội dung tuyên truyền có lúc chưa phong phú, hấp dẫn, chưa tác động mạnh đến nhận thức của Nhân dân; cơ quan báo chí chưa tiếp cận được nhiều tài liệu tuyên truyền về xây dựng nhân cách, lối sống, xây dựng văn hoá, con người Lai Châu. Hiện nay, đã có các tài liệu tuyên truyền bằng tiếng dân tộc, tuy nhiên chưa nhiều. Truyền thông qua mạng xã hội (facebook, zalo, youtube,…) cũng chưa được khai thác và phát huy.
Kinh phí dành cho công tác tuyên truyền đối với các cơ quan báo chí còn hạn chế. Cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin cơ sở mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, hay xảy ra hư hỏng cần được sửa chữa, do vậy sẽ có lúc bị gián đoạn thông tin đến nhân dân.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới như sau:
Với vai trò QLNN về báo chí, Sở TTTT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan bao chí phát huy vai trò trong định hướng dư luận xã hội, thúc đẩy sự tham gia chủ động và chung tay của cả cộng đồng trong việc xây dựng nhân cách, lối sống, văn hoá, con người Lai Châu tới bạn bè trong nước và quốc tế với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng hơn, chất lượng và số lượng tin, bài được nâng cao hơn tới đông đảo Nhân dân.
Định hướng và truyền thông chủ động trên nền tảng số để lan tỏa thông tin đến người dân. Tiếp tục Cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh cho các cơ quan tuyên truyền về nội dung trên theo quy định của pháp luật (Nếu có).
Sở phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh duy trì thường xuyên Hội nghị Giao ban báo chí hàng quý. Tham mưu cho tỉnh tổ chức thành công các cuộc Họp báo định kỳ, đột xuất để cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí một cách chính thống, kịp thời, chính xác. Qua đó, góp phần ngăn chặn, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc lan tỏa các thông tin tích cực về các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước quê hương đổi mới;…
Công tác quản lý thông tin trên mạng Internet nói chung và MXH nói riêng liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Do đó, để có thể quản lý thông tin hiệu quả, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan.
Thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo hiện đại, đồng bộ, tăng cường đưa thông tin về cơ sở; chuyển đổi số hoạt động báo chí nhằm đảm bảo hoạt động truyền thông xuyên suốt.
Với các giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai, hy vọng trong thời gian tới, công tác truyền thông xây dựng nhân cách, lối sống, xây dựng văn hoá, con người Lai Châu sẽ được thực hiện tốt hơn nữa, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
T.H
Bình luận